Khả năng giá điện vượt 2.000 đồng/kWh, doanh nghiệp càng thêm 'khó thở'

Bộ Công Thương đang trình Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện. Các doanh nghiệp ở những ngành sử dụng nhiều điện càng thêm lo lắng bởi chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm cao, trong khi thị trường đầu ra vẫn ảm đạm.

Bên lề họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin: áp lực tăng giá điện là rất lớn và Bộ Công Thương đang trình phương án tăng giá bán lẻ.

Giá điện có thể vượt 2.000 đồng/kWh

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, mức tăng giá cụ thể, thời điểm tăng sẽ được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo tổng hòa lợi ích như bài toán cân đối tài chính cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lợi ích người dân, doanh nghiệp sản xuất và mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Doanh nghiệp bày tỏ nỗi lo lớn nếu giá điện được điều chỉnh tăng mạnh.

Doanh nghiệp bày tỏ nỗi lo lớn nếu giá điện được điều chỉnh tăng mạnh.

Số liệu được Bộ Công Thương công bố cho thấy năm 2022, EVN lỗ 26.235 tỷ đồng. Giá thành sản xuất điện là 2.032,26 đồng/kWh, cao hơn mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành 167,82 đồng. Giá thành năm 2022 tăng 9,27% so với năm 2021 (giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,9 đồng/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020).

Dựa trên số liệu này, Bộ Công Thương và EVN sẽ tính toán, đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện trong năm nay. Với kết quả sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN vừa được công bố và khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân mới ban hành (1.826,22 - 2.444,09 đồng/kWh), vậy phương án tăng giá điện sẽ là bao nhiêu?

Năm 2019, khi Chính phủ cho tăng giá điện từ ngưỡng 1.721 đồng/ kWh (năm 2018) lên 1.864,44 đồng/kWh (từ tháng 3/2019), giá điện bình quân tăng tương đương 8,36%.

Tuy nhiên, giá thành sản xuất điện năm 2019 so với năm 2018 cũng chỉ tăng trên 7,03%, thấp hơn nhiều của năm 2022 so với năm 2021 (9,27%).

Nếu trường hợp giá điện tăng bằng với mức 8,36% như hồi năm 2019 sau khi đã tính toán bù trừ các chi phí khác, giá điện bán lẻ sẽ tăng thêm 155,87/kWh, tương ứng mức giá bán lẻ bình quân năm 2023 dự đoán sẽ vào khoảng 2.020,31 đồng/kWh. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn so với giá thành sản xuất năm 2022.

Trường hợp để bằng với giá thành sản xuất năm 2022, mức giá bán lẻ điện bình quân sẽ phải tăng 167,82 đồng/kWh, tương ứng mức giá bán lẻ là 2.032,26 đồng/ kWh. Như vậy, mức tăng giá điện bán lẻ bình quân khoảng 9%.

Doanh nghiệp lo bị "cú đấm bồi”

Chia sẻ với VnBusiness, ông Phan Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng (Đồng Nai), cho hay nguy cơ tăng giá điện đang là nỗi lo lớn với các doanh nghiệp sản xuất. Một năm, doanh nghiệp này chi khoảng hơn 2 tỷ tiền điện, có tháng cao điểm là 300 triệu. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường đầu ra khó khăn, giờ có thêm bất kỳ tác động nào làm tăng chi phí sản xuất sẽ đẩy doanh nghiệp vào cảnh khó khăn hơn.

“Doanh nghiệp đang tìm mọi cách để duy trì vượt qua khó khăn, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Nếu giá điện tăng, chúng tôi cũng không thể tính ngay vào giá thành sản xuất, tăng giá sản phẩm đầu ra, bởi tìm đơn hàng đã khó mà còn tăng giá thì chẳng ai muốn hàng của chúng tôi”, ông Tứ chia sẻ. Trong khi đó, đơn hàng giảm mạnh từ tháng 7/2022 đến nay chưa có dấu hiệu khởi sắc, thậm chí thị trường đang đi xuống, doanh nghiệp ngày càng “khó thở” để duy trì hoạt động.

Theo đó, ông Tứ bày tỏ mong muốn Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm chi phí trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, trong đó có hỗ trợ chi phí về tiền điện. “Tôi không hiểu vì sao hàng nghìn MW điện sạch thì kêu khó chưa bán được điện, rất lãng phí, còn đầu ra thì EVN lại đề xuất tăng giá do giá thành sản xuất đội lên”, đại diện Công ty Kim Vĩnh Thắng băn khoăn.

Với ngành dệt may, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM cũng phản ánh tăng giá điện sẽ tác động đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp dệt may, khiến các chi phí này đội lên trong bối cảnh đơn hàng đang rất khó khăn. Ưu tiên lúc này là giúp doanh nghiệp xoay xở để hạ giá thành sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động.

Theo TS. Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, việc điều chỉnh giá điện ở mức nào lại là câu hỏi khó và cần được tính toán kỹ lưỡng. Nếu thực hiện ngay và thực hiện đúng Luật Giá mà phải đảm bảo bù đắp chi phí kinh doanh cho ngành điện thì mức điều chỉnh giá điện phải tăng khoảng 15% so với giá bán hiện tại. Nhưng mức này có thể sẽ có những tác động khá mạnh. Tính ra với 15% thì sẽ đẩy lạm phát trực tiếp vòng 1 tăng khoảng 0,5%, chưa kể tác động đến vòng 2. Từ đó tác động lên các ngành, ví dụ như giá điện sẽ đẩy giá thành sản xuất thép tăng khoảng 0,9%; giá thành sản xuất xi măng tăng khoảng 2,25%; ngành dệt may tăng khoảng 1,95%..., đây là những ngành sử dụng nhiều điện.

Để giảm thiểu tác động của giá điện lên sản xuất, đời sống và lạm phát, có thể tiến tới chia lộ trình điều chỉnh giá thành 2 đợt. Nếu mỗi đợt điều chỉnh tăng khoảng 7-8% sẽ đẩy lạm phát vòng 1 của mỗi đợt lên khoảng 0,2%.

“Trong trường hợp cuối năm, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát vẫn kiểm soát tốt và kinh tế phục hồi thì có thể thực hiện điều chỉnh giá đợt 2”, ông Thỏa đề xuất.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/kha-nang-gia-dien-vuot-2-000-dong-kwh-doanh-nghiep-cang-them-kho-tho-1091785.html