Kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ: Hé lộ nhiều dấu tích quan trọng thời Trần

Sáng 30/12, Ban quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An phối hợp với Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ tại các địa điểm là Vườn Am và cánh đồng phía sau Đền Thái Vi, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư.

Các đại biểu cùng các chuyên gia tại điểm thám sát vườn Am.

Các đại biểu cùng các chuyên gia tại điểm thám sát vườn Am.

Dự hội nghị có đại diện Sở Du lịch, Sở Văn hóa- Thể thao cùng các chuyên gia và cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Khảo cổ học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và chính quyền địa phương.

Hệ thống di tích thời Trần trong Quần thể Danh thắng Tràng An có giá trị lịch sử văn hóa đặc biệt trong lịch sử dân tộc. Tập hợp hệ thống di tích thời Trần ở Tràng An đã được các nhà nghiên cứu xác định thuộc Hành cung Vũ Lâm, cùng với Thiên Trường và Lỗ Giang, là 3 hành cung dưới triều Trần được ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư.

Tuy nhiên, khác với Hành cung Thiên Trường và Lỗ Giang đã được chứng minh qua các chứng cứ khảo cổ lịch sử. Hành cung Vũ Lâm mới chỉ được xác định vị trí một cách tương đối và chưa được làm rõ về quy mô và mặt bằng kiến trúc.

Trong khi đó, Hành cung Vũ Lâm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, gắn liền với việc chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của quân dân Đại Việt dưới triều Trần.

Đây cũng chính là nơi vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông tu Phật và trở thành người có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành Thiền phái Trúc Lâm vào cuối thế kỷ XIII.

Tại các địa điểm Vườn Am, khu vực cánh đồng sau đền Thái Vi, đoàn nghiên cứu đã mở một số hố thăm dò, khai quật với tổng diện tích 100m2. Kết quả đã phát hiện các dấu tích móng đầm gia cố kiến trúc được đầm bằng đá và gạch ngói vụn. Di vật thu được tại các di tích là nhiều hiện vật như mảnh gạch, ngói, gốm sứ, đồ sành... mang đặc trưng thời Trần thế kỷ XIII - XIV.

Trong hố thăm dò tại Vườn Triều cuối (sau đền Thái Vi) còn phát hiện một lớp than tro dày nằm tập trung trong một khu vực, có thể là một dấu tích bếp.

Một lớp than tro dày nằm tập trung trong một khu vực, có thể là một dấu tích bếp được phát hiện tại Vườn Triều cuối.

Các công trình kiến trúc này có một đặc điểm chung đều là những nền sét đắp tạo nên một công trình kiến trúc khung gỗ quy mô nhỏ ở những vị trí hiểm yếu, dễ thủ, khó công.

Việc tổ chức thăm dò, khai quật khảo cổ thể hiện nỗ lực của Ninh Bình trong thực hiện khuyến nghị của UNESCO về tiếp tục triển khai nghiên cứu khẳng định những giá trị đặc trưng của Quần thể Danh thắng Tràng An.

Những kết quả thu được là cơ sở khoa học và pháp lý quan trọng giúp cho Ban quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An cùng với các ngành và chính quyền địa phương tổ chức quản lý, bảo vệ và phát huy bền vững giá trị của Di sản.

Đồng thời đóng góp thêm những tư liệu mới làm rõ hơn diện mạo của một Hành cung dưới triều Trần và bổ sung các giá trị lịch sử, văn hóa trong lịch sử dân tộc.

Minh Hải - Minh Đường

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ket-qua-tham-do-khai-quat-khao-co-he-lo-nhieu-dau-tich-quan/d20221230141220872.htm