Kết nối văn hóa đọc: Tài liệu quý để học tiếng Việt ở nước ngoài

Giải A Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ sáu được trao cho bộ sách “Chào tiếng Việt!” (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) của TS Nguyễn Thụy Anh là một sự ghi nhận xứng đáng. Bộ sách được biên soạn hướng đến đối tượng khác biệt-trẻ em và thiếu niên Việt Nam sinh sống ở nước ngoài.

Cộng đồng Việt kiều, thanh thiếu niên gốc Việt là cộng đồng cách biệt với môi trường gốc văn hóa của dân tộc mình. Họ không có nhiều cơ hội nắm bắt, ứng dụng tiếng Việt một cách đầy đủ. Tuy vậy, nhiều gia đình Việt kiều vẫn mong muốn giữ gìn bản sắc dân tộc, văn hóa và ngôn ngữ Việt. Điều này sẽ được hiện thực hóa cùng việc dạy và học tiếng Việt cho thế hệ trẻ.

Với mục đích ấy và nhằm lôi cuốn người học nhỏ tuổi đến với việc học tiếng Việt, bộ sách “Chào tiếng Việt!” được thiết kế dựa trên nguyên tắc tạo cảm hứng và sự quan tâm. Tác giả đưa vào sách một nhóm nhân vật cùng trang lứa với người học và một nhân vật hài hước-con mèo có tên Miu Nguyễn. Họ là yếu tố kết nối, dẫn dắt từng bài học. Các bài học có chủ đề chính xoay quanh câu chuyện sinh hoạt hằng ngày của trẻ. Người học được làm quen với các nhân vật, được đặt vào các bối cảnh và tình huống gần gũi với cuộc sống tuổi thơ, chất hài hóm hỉnh và lời thoại cuốn hút-tất cả những điều đó hỗ trợ việc giữ được động lực học tiếng Việt ở người học trẻ.

">

TS Nguyễn Thụy Anh và bộ sách “Chào tiếng Việt!”. Ảnh do nhân vật cung cấp

Phần thiết kế, chế bản đặc biệt thú vị, cuốn hút, hình ảnh minh họa màu sắc không chỉ có mục đích tạo sự thu hút thị giác với đối tượng ở lứa tuổi này mà còn hỗ trợ việc trình bày, khai thác cấu trúc và logic của ngữ liệu.

Cuốn sách được xây dựng theo nguyên tắc chủ đề-tình huống. Đáng lưu ý là các chủ đề, tình huống được lựa chọn cho những bài học đầu tiên đều rất quen thuộc với người học, nội dung chủ yếu liên quan đến môi trường sống, các hoạt động sống thường nhật của trẻ. Từng bước một, khi ở người học đã hình thành được vốn từ cần thiết, những ngữ liệu liên quan đến đất nước học mới bắt đầu được đưa vào. Một điều thú vị là, tác giả không những so sánh thực tế cuộc sống Việt Nam và phương Tây mà còn chỉ ra một số điểm khác biệt ở khía cạnh đất nước học và từ vựng giữa hai miền Nam-Bắc, ví dụ như bài 15 (“Quanh mâm cơm”).

Ngữ liệu được sử dụng trong sách theo nguyên tắc đi từ dễ đến khó. Mảng luyện ngữ âm được đặc biệt chú trọng. Trong trường hợp này, tác giả lưu ý đến vị thế “trung gian” độc đáo của nhóm đối tượng người học trong điều kiện các em phần nào quen thuộc với âm sắc tiếng Việt, nghe phát âm tiếng Việt của người thân trong gia đình nhưng bản thân chưa thực sự nắm bắt được mảng này.

Sách đưa ra nhiều bài tập ngữ âm được thiết kế đa dạng về nguyên tắc tiếp cận: Phân biệt âm giống và khác nhau, các bài tập luyện thanh điệu trong tiếng Việt bằng thơ và âm nhạc.

Học liệu liên quan đến từ vựng và ngữ pháp trong sách với định hướng phát triển khẩu ngữ-giao tiếp trong phương pháp dạy ngoại ngữ được xây dựng theo nguyên tắc chủ đề-tình huống.

Tác giả đã dụng công trình bày sự phong phú của hệ thống từ vựng tiếng Việt thông qua việc diễn giải từ đồng nghĩa, các cấu trúc đồng nghĩa, các từ trái nghĩa, đồng thời cho học sinh làm quen với các thành ngữ đặc trưng của Việt Nam và các nghi thức lời nói khi sử dụng tiếng Việt. Bộ sách được biên soạn theo hướng phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Tuy nhiên, tác giả nhấn mạnh kỹ năng nói-điều này đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra là giữ gìn và phát triển sinh ngữ tiếng Việt cho đối tượng mục tiêu là cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Bộ sách “Chào tiếng Việt!” kết hợp được các thành tựu của giáo học pháp hiện đại trong việc giảng dạy tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ và giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ với các phương pháp sư phạm mới. Sách có cấu trúc mạch lạc, sắc nét; có sự cẩn trọng trong việc lựa chọn học liệu ở các khía cạnh ngôn ngữ, ngữ pháp và việc từng bước đưa các ngữ liệu ấy vào sách một cách hệ thống; có sự lưu tâm đến đặc điểm khác biệt của đối tượng học; sách được thiết kế bằng hình thức đồ họa-nghệ thuật đặc biệt bắt mắt, có sự cuốn hút cao. Tất cả những điều đó sẽ bảo đảm thành tựu của việc sử dụng sách trong tương lai.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/sach/ket-noi-van-hoa-doc-tai-lieu-quy-de-hoc-tieng-viet-o-nuoc-ngoai-760574

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-hoa/636011-ket-noi-van-hoa-doc-tai-lieu-quy-de-hoc-tieng-viet-o-nuoc-ngoai.html