Kết nối và hỗ trợ

Năm qua, cùng với việc nỗ lực làm tốt công tác chuyên môn, nhanh chóng tổ chức lại các đội hình chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nhân lực cho y tế tuyến dưới; các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh đã kết nối và hỗ trợ nhiều cơ sở y tế tuyến dưới tại vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn trên khắp cả nước nhằm nâng cao năng lực khám, chữa bệnh.

Chú trọng đào tạo và phát triển nhân lực

Sau dịch Covid-19, hệ thống bệnh viện từ Trung ương đến cơ sở đều gặp nhiều khó khăn, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân tăng cao, hệ thống y tế đối mặt với những khó khăn như cung ứng thuốc, vật tư y tế bị gián đoạn… Tuy nhiên, với chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế nên dù có khó khăn nhưng hệ thống khám, chữa bệnh đã nỗ lực đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Là một trong những đơn vị được Bộ Y tế giao nhiệm vụ triển khai hàng loạt các dự án/chương trình y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chỉ đạo tuyến cho ngành như Đề án khám chữa bệnh từ xa, Đề án xây dựng các bệnh viện vệ tinh; Đề án 1816 luân phiên cán bộ; các chương trình mục tiêu Quốc gia... Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện hiệu quả và đạt được những thành tựu quan trọng, mang tính đột phá. Trong đó phải kể đến Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến thuộc Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện nhiệm vụ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Bệnh viện Bạch Mai chuyển giao kỹ thuật điều trị u tuyến giáp lành tính cho Yên Bái. Nguồn: ITN

Bệnh viện Bạch Mai chuyển giao kỹ thuật điều trị u tuyến giáp lành tính cho Yên Bái. Nguồn: ITN

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS. Đào Xuân Cơ cho biết, từ khi thành lập, Trung tâm đã xây dựng, hoàn thiện mô hình đào tạo liên tục và chỉ đạo tuyến, mô hình Trung tâm, Phòng, Tổ đào tạo và chỉ đạo tuyến cho các tuyến bệnh viện; đóng góp không nhỏ đưa thương hiệu Bệnh viện Bạch Mai được lan tỏa, góp phần rất lớn xây dựng và hoàn thiện mô hình đào tạo liên tục; kết nối mạng lưới chỉ đạo tuyến các bệnh viện khu vực phía Bắc từ Quảng Bình trở ra với 33 bệnh viện tuyến tỉnh và 495 bệnh viện chuyên khoa, khu vực, tuyến huyện, xã...

Trong 25 năm qua, Trung tâm đã quản lý, tổ chức thành công 4.548 khóa đào tạo liên tục cho 327.416 lượt cán bộ y tế các trình độ chuyên môn từ y tá, điều dưỡng, kỹ thuật viên y đến bác sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ thuộc hơn 1.000 cơ sở khám, chữa bệnh từ tuyến Trung ương đến cơ sở trên cả nước; quản lý trên 1.700 cán bộ chuyên môn luân phiên về hỗ trợ gần 200 bệnh viện các tỉnh phía Bắc, giúp tỷ lệ chuyển tuyến với các chuyên khoa luân phiên giảm 30%.

Đồng thời, Trung tâm đã quản lý, triển khai hiệu quả, chất lượng và bền vững công tác chỉ đạo tuyến tới tất cả các tỉnh, thành phố phía Bắc với trên 10.000 lượt cán bộ Bệnh viện Bạch Mai xuống hỗ trợ tuyến dưới, góp phần phát triển chuyên ngành.

Ứng dụng công nghệ, trang thiết bị hiện đại

Song song với việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo hình thức "cầm tay chỉ việc", việc áp dụng công nghệ thông tin cũng được bệnh viện Trung ương và địa phương quan tâm, đầu tư. Khi có ca bệnh khó, cần các y bác sĩ tuyến Trung ương hội chẩn, tư vấn thì chỉ sau ít phút, các bác sĩ ở bệnh viện Trung ương sẽ trực tiếp tham gia hội chẩn và đưa ra lời khuyên cho thầy thuốc tuyến dưới.

Điều đáng mừng là Giải pháp lưu trữ và truyền hình ảnh y khoa (PACS) trong chẩn đoán hình ảnh đã được ứng dụng rộng rãi. Theo đó, bệnh nhân khi khám ở bệnh viện tuyến huyện thuộc tỉnh Phú Thọ hoặc Hà Giang sẽ được bác sĩ ở Hà Nội tham gia đọc phim và cùng chẩn đoán như đang đi khám ở bệnh viện tuyến Trung ương.

Các bệnh viện tuyến Trung ương cũng tổ chức nhiều buổi tư vấn, hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, góp phần giải quyết được những ca bệnh khó, cứu sống những người bệnh nguy kịch ở vùng sâu, vùng xa, không có khả năng chuyển lên tuyến trên để điều trị. Mới đây, ê kíp chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận 1 ca hội chẩn cấp cứu bệnh nhân bị chấn thương sọ não với ê kíp Bệnh viện đa khoa Thảo Nguyên (huyện Mộc Châu, Sơn La) qua hình thức kết nối Telemedicine.

Mặt khác, các bệnh viện tuyến tỉnh cũng đã tích cực hỗ trợ các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện thực hiện thành công một số kỹ thuật. Qua đó, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, hướng tới mục tiêu giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế công bằng, chất lượng cao.

Đơn cử như tại Đồng Nai, nhằm giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa Định Quán, Tân Phú bị nhồi máu cơ tim được kịp thời điều trị trong giờ vàng, hạn chế nguy cơ tử vong và phải chuyển lên tuyến trên, năm 2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai đã chuyển giao kỹ thuật tiêu sợi huyết trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp có đoạn ST chênh lên cho Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán.

Theo ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, đây là bước tiến lớn trong công tác khám, chữa bệnh tại bệnh viện, góp phần cùng ngành y tế Đồng Nai đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Sở khuyến khích các cơ sở y tế trong tỉnh chủ động tiếp nhận các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao theo đúng quy định. Sau khi thực hiện xong thí điểm, đơn vị báo cáo kết quả, Sở Y tế sẽ họp hội đồng chuyên môn để quyết định cho phép triển khai chính thức những kỹ thuật này. Đây là cơ sở pháp lý để các đơn vị triển khai thực hiện và được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, những hoạt động trên đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực với ngành y tế, hiệu quả thực tiễn với người bệnh, góp phần to lớn vào việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Dương Cầm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/suc-khoe/ket-noi-va-ho-tro-i359424/