Kết nối tạo hệ sinh thái chăn nuôi tuần hoàn, hữu cơ

Việc chuyển đổi từ kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có sự thay đổi cả hệ thống, trong đó phát huy vai trò của các bên liên quan có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Ông Nguyễn Xuân Dương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Xuân Dương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Tại hội thảo phổ biến kiến thức về chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tuần hoàn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trưởng do Hội Chăn nuôi Việt Nam phối hợp cùng Viện Chăn nuôi tổ chức sáng 10/7, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, tiềm năng sử dụng phụ phẩm nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi hữu cơ là rất lớn. Nhưng để tận dụng được nguồn nguyên liệu này cần có sự kết nối giữa các tác nhân để tạo ra hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, hữu cơ.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, phát triển nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường qua mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu. Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn góp phần phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường mà còn giúp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo ước tính của Cục Chăn nuôi, giai đoạn 2018-2022, mỗi năm có trung bình 61 triệu tấn phân và trên 304 triệu m3 nước thải được thải ra từ các loại vật nuôi chính cần phải được xử lý, tái sử dụng để giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường chăn nuôi.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thời điểm tháng 7/2022 cho thấy, tỷ lệ hộ chăn nuôi có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi là 72%; còn 28% hộ chăn nuôi thải trực tiếp chất thải chăn nuôi vào môi trường. Đối với trang trại, tỷ lệ có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi đạt tỷ lệ cao hơn, khoảng 95%.

Theo bà Nguyễn Quỳnh Hoa, Cục Chăn nuôi, hiện có 5 biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn đang được áp dụng đó là: công nghệ khí sinh học để sản xuất năng lượng sạch và phân bón hữu cơ; đệm lót sinh học; ủ bán phân làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón; công nghệ vi sinh; chăn nuôi các loại côn trùng ăn chất thải chăn nuôi như trùn quế, lính ruồi đen thu được nguồn protein từ côn trùng phục vụ cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và phân bón hữu cơ từ phân của côn trùng.

Thực tế cho thấy, hiện nhiều loại mô hình kinh tế tuần hoàn được ứng dụng nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực từ chăn nuôi tới môi trường như: mô hình canh tác vườn - ao - chuồng; chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm - Food - Feed -Ferlitizer, nghĩa là: trồng trọt - thực phẩm - chăn nuôi - phân bón); mô hình “vòng tuần hoàn xanh”; mô hình trang trại chăn nuôi bò thịt theo hướng tuần hoàn…

Về tiềm năng sử dụng phụ phẩm nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi hữu cơ, bà Nguyễn Quỳnh Hoa cho biết, Việt Nam hàng năm sản xuất một lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp. Theo số liệu thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp trong năm 2020 của cả nước là trên 156,8 triệu tấn. Lượng phụ phẩm của trồng trọt được sử dụng theo hướng kinh tế tuần hoàn (làm thức ăn gia súc, ủ phân, đun nấu, mục đích khác) chiếm 45%, còn lại thải trực tiếp ra môi trường gây lãng phí lớn.

Theo các diễn giả, việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế bởi nhận thức về sự cần thiết chuyển đổi sang phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhất là nông dân còn chưa đầy đủ. Khung chính sách về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn chưa được hoàn thiện. Tỷ lệ thu gom, xử lý phụ phẩm nông nghiệp tạo giá trị gia tăng còn thấp. Tỷ lệ các nhà máy sử dụng nguồn nguyên liệu hữu cơ để sản xuất phân bón hữu cơ hiện vẫn ở mức khá thấp như mới tận dụng được 43% chất thải chăn nuôi.

Bên cạnh đó, các mô hình kinh tế tuần hoàn ứng dụng khoa học công nghệ cao ở Việt Nam hầu hết còn chưa phổ biến, chỉ áp dụng hạn chế trong một số lĩnh vực, một số doanh nghiệp. Sự gắn kết và tham gia của các tác nhân trong các mô hình kinh tế tuần hoàn còn yếu và chưa hình thành được hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn trong một lĩnh vực cụ thể.

Khu vực nuôi trùn quế bằng phân bò của Trang trại Nắng và Gió (Ninh Sơn, Ninh Thuận). Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Khu vực nuôi trùn quế bằng phân bò của Trang trại Nắng và Gió (Ninh Sơn, Ninh Thuận). Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Để phát triển chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi hữu cơ, theo bà Nguyễn Quỳnh Hoa, chăn nuôi phải gắn với trồng trọt và các ngành khác để hình thành chuỗi kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Tận dụng tối đa và sử dụng có hiệu quả tiềm năng về phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi để phát triển chăn nuôi bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường chăn nuôi.

Theo đó, cơ quan chức năng cần hoàn thiện các cơ chế,chính sách như: khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp/người chăn nuôi đầu tư xử lý phụ phẩm nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi hữu cơ; giá điện từ khí sinh học khả thi để khuyến khích các cơ sở chăn nuôi lớn khai thác hết lượng khí sinh học dư thừa; thị trường tài chính tín chỉ các bon từ khí sinh học ngành chăn nuôi; bộ tài liệu kỹ thuật hướng dẫn quy trình thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp; hệ thống TCVN, QCVN, quy định kỹ thuật đối với sản phẩm chế biến từ phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi, TCVN về nông nghiệp hữu cơ…

Đồng thời, tăng cường chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tuần hoàn chất thải đến tổ chức, cá nhân chăn nuôi; khuyến khích nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao; xây dựng cơ sở dữ liệu về phụ phẩm nông nghiệp; đào tạo, phát triển nguồn lực…

Đặc biệt cần có các dự án ưu tiên như: nuôi côn trùng để xử lý chất thải chăn nuôi/làm thức ăn chăn nuôi/phân bón cho cây trồng; sản xuất khí sinh học quy mô trang trại từ chất thải chăn nuôi lợn; sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi.

Về phát triển sản phẩm hữu cơ, ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho rằng, người tiêu dùng trong nước chưa biết nhiều và hiểu nhiều về nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm hữu cơ, do vậy chưa tồn tại, hình thành thị trường tiêu thụ tại chỗ và chưa khuyến khích các nhà sản xuất chuyển đổi từ nông nghiệp thông thường sang nông nghiệp hữu cơ.

Ngoài các chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã quy định tại Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ, các địa phương cần chủ động và cụ thể hơn trong phát triển hữu cơ tại địa phương như hỗ trợ: sản xuất phân bón hữu cơ; giống cây trồng, vật nuôi hữu cơ; phân bón, thức ăn hữu cơ, ông Hà Phúc Mịch cho hay.

Các chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi từ một nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có sự thay đổi cả hệ thống, trong đó phát huy vai trò của các bên liên quan gồm nhà nước và doanh nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng. Các doanh nghiệp và các trang trại, hợp tác xã đã dần hình thành các mạng lưới kết nối chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp với sự kết nối và hỗ trợ kỹ thuật đến từ các khối viện, trường, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ./.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ket-noi-tao-he-sinh-thai-chan-nuoi-tuan-hoan-huu-co/298729.html