Kết nối sức mạnh toàn cầu, tái thiết niềm tin

Trong bối cảnh nhiều khu vực trên thế giới đang phải đối mặt với khủng hoảng, xung đột, Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã được tổ chức với chủ đề 'Xây dựng lại niềm tin'. Hội nghị diễn ra từ ngày 15 đến 19/1, tại thành phố Davos của Thụy Sĩ, quy tụ hơn 100 quan chức cấp cao đại diện chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế lớn và 1.000 công ty đối tác của WEF.

Cảng Jebel Ali của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Ảnh: Imre Solt

4 trọng tâm của toàn cầu

Giới chuyên gia chính trị, kinh tế quốc tế cùng chung bình luận, trong bối cảnh toàn cầu phải đối diện với nhiều thách thức chưa từng có tiền lệ, WEF lựa chọn chủ đề là “Xây dựng lại niềm tin” đã cho thấy mục tiêu mà tổ chức này muốn nhấn mạnh. Đó là cần thiết phải khôi phục lại niềm tin đã bị lung lay giữa những thách thức toàn cầu, nổi bật nhất là xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu và những tiến bộ trong công nghệ. Đó cũng là 4 vấn đề chính của chuỗi phiên họp tại hội nghị, gồm: An ninh toàn cầu; tạo thêm việc làm và tăng trưởng cho kỷ nguyên mới; chống biến đổi khí hậu; phát triển trí tuệ nhân tạo (AI). Trong đó, hội nghị chú trọng việc tìm ra giải pháp, tập trung vào tính minh bạch, nhất quán và trách nhiệm giải trình.

Trong vấn đề an ninh toàn cầu, hội nghị đã bàn giải pháp thúc đẩy hợp tác trong thế giới nhiều biến động, chú trọng tìm giải pháp cho những cuộc khủng hoảng hiện nay, cũng như đánh giá các cách thức xử lý những vấn đề mang tính cấu trúc gây chia rẽ ở các khu vực trên thế giới. Theo giới chuyên gia, việc hợp tác giải quyết bất đồng là vấn đề cần bàn nhất lúc này. Nếu không tìm ra được giải pháp, thế giới sẽ đối diện với những nguy cơ thất bại thực sự.

Trong vấn đề tạo thêm việc làm và tăng trưởng cho kỷ nguyên mới, WEF năm nay đánh giá lại các cơ chế kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra việc làm, nhấn mạnh cách tiếp cận lấy người lao động làm trung tâm để chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới, với nhiều nguy cơ về tăng trưởng thấp.

Liên quan tới nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu, hội nghị đã thảo luận về việc định hình rõ nét hơn chiến lược dài hạn cho năng lượng, bảo vệ thiên nhiên và khí hậu. WEF nhấn mạnh, phát triển các phương pháp tiếp cận có hệ thống là điều cần thiết cho một thế giới không có CO2 và môi trường thiên nhiên tích cực vào năm 2050.

Theo Chủ tịch WEF Borge Brende, bối cảnh địa chính trị hiện nay diễn biến phức tạp và thế giới thực sự phải đối mặt với hàng loạt thách thức cùng lúc. Ngoài ra, bức tranh kinh tế toàn cầu cho thấy, nhiều quốc gia phải thay đổi chính sách lãi suất và có nguy cơ đối mặt với những khoản nợ.

Tại hội nghị năm nay, nhiều sáng kiến và biện pháp được đưa ra, mang tới sự lạc quan cho triển vọng kinh tế toàn cầu. Giới chuyên gia đánh giá, một trong những sáng kiến đáng chú ý nhất tại WEF 2024 là đề xuất thành lập Liên minh quản trị AI bao gồm những công ty công nghệ lớn như Google, Microsoft, IBM, Meta Platforms. Mục đích hoạt động của liên minh này là hướng tới định hình việc phát triển và sử dụng AI một cách có trách nhiệm, đồng thời đưa ra những cam kết đối với các hệ thống AI một cách minh bạch, toàn diện cũng như cách tiếp cận mang tới những tác động tích cực cho xã hội.

Bình luận về vấn đề này, giới phân tích chỉ ra rằng, việc thành lập Liên minh quản trị AI sẽ mang lại những kết quả khả quan, tương tự như Liên minh người dẫn đầu (FMC) ra đời cách đây 2 năm nhằm tìm ra biện pháp giảm khí phát thải carbon thông qua khu vực tư nhân. Từ 35 thành viên lúc mới thành lập, FMC đã phát triển lên 96 thành viên, thực hiện 120 cam kết về phát triển, ứng dụng công nghệ mới cho mục tiêu chống biến đổi khí hậu và giảm khí phát thải.

Việt Nam kiên trì chính sách trở thành điểm đến hàng đầu ASEAN về đầu tư bền vững

Nhận lời mời của Giáo sư Klaus Schwab - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị. Đáng chú ý trong khuôn khổ WEF 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì tọa đàm "Việt Nam - Điểm đến hàng đầu Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về đầu tư bền vững". Tọa đàm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva, Tổ chức các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ toàn cầu (YPO) và Quỹ VinaCapital phối hợp tổ chức.

Quang cảnh một phiên họp của WEF 2024 vào ngày 17/1. Ảnh: Reuters

Tại tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ một số yếu tố mang tính chất nền tảng để Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư an toàn, lành mạnh, bền vững. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 của Việt Nam đã xác định rõ: "...huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao".

Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, gồm xây dựng hạ tầng chiến lược để giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện thể chế để tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, người dân. Việt Nam cũng có cơ chế, chính sách ưu tiên phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên, mũi nhọn, mới nổi như chuyển đổi số, khoa học - công nghệ, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi xanh...

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong bối cảnh khó khăn thời gian qua, Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi trong kiểm soát. "Chính sách phải thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh. Dù thế giới có chao đảo thì chúng tôi vẫn kiên trì những chính sách này, trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư và cùng chia sẻ khi có rủi ro. Đây chính là sự cân bằng lớn nhất" - Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Đề cập đến kết quả của WEF 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận, tuy có nhiều trăn trở, lo âu, nhưng với sự thẳng thắn, chân thành trong đối thoại, có thể tin rằng sau Hội nghị WEF lần này, niềm tin giữa các quốc gia, các doanh nghiệp, giữa các quốc gia với các doanh nghiệp sẽ được củng cố và tăng cường, trong đó có lòng tin với Việt Nam.

Nhìn vào kết quả của WEF 2024, giới chuyên gia đánh giá, hội nghị năm nay tiếp tục là một cơ hội lớn để kết nối các nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất trong nhiều lĩnh vực, từ chính trị đến kinh tế, xã hội... Trên thực tế, từ khi được thành lập vào năm 1971 đến nay, tổ chức phi lợi nhuận hoạt động theo hình thức hợp tác công - tư này kết nối, thúc đẩy liên lạc và trao đổi giữa những người ra quyết định hàng đầu thế giới. Đồng thời, WEF đã thành lập các cộng đồng gồm các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế, các chuyên gia và đại diện các tổ chức xã hội. Giá trị thực sự của WEF nằm ở hoạt động kết nối mạnh mẽ và cung cấp các kiến thức về tình hình thế giới.

Kết quả của hội nghị năm nay nối dài những kỳ vọng về việc tạo ra tác động hữu hình, biến ý tưởng thành hành động dứt khoát và hiện thực hóa các giải pháp trong thế giới thực. Đây là hội nghị đầu tiên sau nhiều năm mà tầm nhìn của thế giới thực sự tập trung vào những gì mà thập niên tiếp theo sẽ mang lại, thay vì chu kỳ kinh tế bị dồn nén và biến động.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ket-noi-suc-manh-toan-cau-tai-thiet-niem-tin-post471794.html