Kết nối lao động Việt - Nhật: Từ trái tim đến trái tim

'Mối quan hệ hai nước không ngừng phát triển, mà thành công nổi bật là đã kết nối 'từ trái tim đến trái tim', trong đó có kết nối lao động', Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Cố vấn đặc biệt Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt Takebe Tsutomu (Ảnh: Mạnh Dũng)

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã có buổi tiếp và làm việc với ông Takebe Tsutomu, Cố vấn đặc biệt Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt nhân dịp đoàn có chuyến công tác tại Việt Nam vào ngày 12/3.

Nhật đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động trầm trọng

Tại buổi tiếp, Cố vấn đặc biệt Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt Takebe Tsutomu cho biết, Chính phủ Nhật Bản đang có rất nhiều hoạt động liên quan đến việc bãi bỏ bộ luật cũ, thay thế bằng bộ luật mới.

Đồng thời, ông bày tỏ mong muốn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp tục đóng góp ý kiến để bộ luật mới của Nhật hoàn thiện và sớm đi vào thực tiễn.

“Mục đích sửa đổi để người lao động Việt Nam yên tâm làm việc ở Nhật Bản, tiếp tục xây dựng cơ chế tiếp nhận điều dưỡng viên, nhân viên kỹ thuật người Việt” , Cố vấn Takebe Tsutomu nói.

Trong bối cảnh Nhật đang gặp nhiều khó khăn, đồng yên giảm, theo Cố vấn Takebe Tsutomu, Nhật đang đứng trước vấn đề thiếu hụt lao động trầm trọng, Việt Nam đã giúp đỡ Nhật rất nhiều, trong đó có việc cung cấp lao động, tu nghiệp sinh sang Nhật làm việc.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, năm 2023 đánh dấu cột mốc mới khi số lượng lao động Việt Nam sang Nhật Bản lớn nhất từ trước đến nay đạt 85.000 người. (Ảnh: Mạnh Dũng)

“Lao động Việt phái cử sang Nhật đều là những người ưu tú. Thông qua việc hợp tác trong lĩnh vực lao động, chúng tôi hi vọng mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp hơn nữa”, ông Takebe Tsutomu ghi nhận.

Và chia sẻ, sang Việt Nam lần này, Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt có ý tưởng xây dựng một hệ sinh thái đào tạo nghề chuyên môn cao cấp trong chương trình đạo tạo tại Trường Đại học Việt-Nhật (VJ Academy).

Tháng 3/2023, trong cuộc họp với đội đồng trường Trường Đại học Việt-Nhật, tôi có đề xuất ý tưởng xây dựng Trung tâm ngôn ngữ, văn hóa Nhật Bản, trung tâm này giữ vai trò đào tạo nghề cao cấp, lao động sau khi ra trường có thể làm việc được ngay.

“Dự kiến tháng 9/2024, chúng tôi sẽ bắt tay vào đào tạo ngành nghề đầu tiên đó là đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, tiếp đó sẽ đào tạo nhân lực trong các ngành dịch vụ, điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe… Sau khi học xong, lao động sẽ được thi để lấy chứng chỉ nghề, được trung tâm hỗ trợ tìm việc làm”.

Vì thế, ông đề nghị Bộ LĐ-TB&XH ủng hộ, tạo điều kiện để ý tưởng xây dựng một trung tâm đào tạo nghề cao cấp sớm đi vào thực tiễn.

Toàn cảnh buổi tiếp (Ảnh: Mạnh Dũng)

Tạo ra sự sáng tạo cho giới trẻ

Vui mừng gặp lại Cố vấn Takebe Tsutomu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Hợp tác lao động Việt Nam - Nhật Bản đã và đang phát triển một cách nhanh chóng, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.

Mối quan hệ hai nước không ngừng phát triển, mà thành công nổi bật là đã kết nối "từ trái tim đến trái tim", trong đó có kết nối lao động.

“Tôi hiểu ngài rất trăn trở, có trách nhiệm và rất muốn đóng góp một cách hữu hiệu vào đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực của hai quốc gia, để phục vụ cho sự phát triển nhanh và bền vững của hai nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đồng thời, cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ và các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đánh giá rất cao đóng góp của ngài trong quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Nhật Bản”.

Cũng theo ông Đào Ngọc Dung, trong tháng 3 này, Việt Nam sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá kỹ năng trong 2 lĩnh vực điều dưỡng và nông nghiệp đối với người lao động đi làm việc tại Nhật Bản theo chương trình kỹ năng đặc định, và đang đăng tuyển công khai các ứng viên nông nghiệp, điều dưỡng.

Phấn đấu đào tạo khoảng 150.000 người có tín chỉ carbon

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao Nhật Bản về khả năng xúc tiến sửa đổi các nội dung liên quan đến điều chỉnh luật pháp, mở cửa tạo điều kiện chuyển đổi cũng như đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực ở các quốc gia liên quan đến Nhật Bản, đồng thời mở thêm các ngành nghề, lĩnh vực mới mà Nhật Bản đang thiếu hụt.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất Chính phủ Nhật Bản mở thêm nhóm nghề kỹ năng đặc định đối với lĩnh vực nhà hàng và sản xuất chế biến thực phẩm, hai lĩnh vực lợi thế của Việt Nam.

Về ý tưởng xây dựng Trường Đại Học Hạ Long thành một cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao mà ông Takebe Tsutomu đề cập, Bộ trưởng đánh giá đây ý tưởng rất thú vị, cũng là xu hướng Việt Nam đang hướng đến.

“Việt Nam sẽ phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo chip bán dẫn, hydrogen và tín chỉ carbon của thế giới. Chúng tôi đặt ra chỉ tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ đào tạo tối thiểu được 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực chip, bán dẫn. Cùng thời gian này, Việt Nam cũng phấn đấu đào tạo khoảng 150.000 người có tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn quốc tế”, Bộ trưởng thông tin.

Đối với việc đào tạo lại cho thực tập sinh, lao động kỹ năng đặc định về nước, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá đây là ý kiến hay và Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) kết nối lực lượng này, bởi đây cũng là lực lượng Việt Nam kỳ vọng.

“Tôi tin ý tưởng này của ngài sẽ thành công và sớm đi vào thực tiễn. Đây sẽ trở thành vườn ươm, “địa chỉ đỏ” tạo ra sự sáng tạo cho giới trẻ” , Bộ trưởng kỳ vọng.

.

Thành Công

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/ket-noi-lao-dong-viet-nhat-tu-trai-tim-den-trai-tim-20240312202119127.htm