Kết nghĩa bản - bản vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào

Với tinh thần đoàn kết hữu nghị, cùng giúp đỡ nhau phát triển, năm 2015, nhân dân các bản giáp biên giới của xã Phiêng Khoài (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) và cụm Phiêng Sa (huyện Siềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn, Lào) đã tổ chức kết nghĩa. Từ đó đến nay, đời sống của nhân dân hai bên biên giới ngày càng nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới ngày càng gắn bó.

Người dân Lào sang xã Phiêng Khoài mua sắm đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Ảnh: Bích Nguyên

Người dân Lào sang xã Phiêng Khoài mua sắm đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Ảnh: Bích Nguyên

Tình đoàn kết ở bản Lao Khô I

Chúng tôi tới bản Lao Khô I, xã Phiêng Khoài vào đúng vụ thu hoạch mận. Bà con trong bản ai cũng phấn khởi vì mận được mùa, được giá. Phía bên kia bản Lao Khô I là bản Nà Khạng và Keo Lôm (thuộc cụm Phiêng Sa), bà con người Lào cũng bắt đầu chuyển đổi trồng ngô sang trồng mận sau khi học tập kinh nghiệm người dân bản Lao Khô I.

Bản Lao Khô I vốn có quan hệ đoàn kết, gần gũi với bản Keo Lôm và Nà Khạng từ nhiều năm trước. Người dân ở đây còn nhớ rất rõ, cách đây hơn 70 năm, Ban Xung phong Lào - Bắc, đứng đầu là ông Cay Xỏn Phôm Vi Hản (sau này là Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) về bản Lao Khô I hoạt động bí mật để chuẩn bị xây dựng căn cứ địa cách mạng tại Viêng Xay (Lào). Người dân trong bản, đặc biệt là gia đình cụ Tráng Lao Khô đã hết sức giúp đỡ các cán bộ của Ban Xung phong Lào - Bắc hoạt động cách mạng. Mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa nhân dân trong bản Lao Khô I với nhân dân Lào được hình thành và phát triển từ đó.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Tráng Lao Minh, Trưởng bản Lao Khô I cho biết: “Chúng tôi luôn coi người dân cụm Phiêng Sa như người nhà và sẵn lòng giúp đỡ những lúc khó khăn, hoạn nạn. Trong suốt thời gian qua, nhân dân hai bên luôn vun đắp tình hữu nghị mà các bậc cha ông chúng tôi đã xây dựng. Phía bạn Lào có người ốm đau, cần đưa đi viện cứu chữa, chúng tôi đều cử người giúp đưa đi. Bên bạn có tang ma, cưới hỏi đều sang nhờ dân bản Lao Khô I giúp đỡ và ngược lại”.

Cũng theo ông Minh, người dân nước bạn Lào ở các bản đối diện bản Lao Khô I chủ yếu trồng ngô và lúa. Trong những năm qua, giao thương giữa hai bên diễn ra thuận lợi. Người dân phía bạn Lào thường mang nông sản sang Việt Nam bán và mua đồ dùng sinh hoạt từ Việt Nam về dùng. Hiện nay, nhận thấy bà con bản Lao Khô I trồng mận mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, một số người dân phía bạn đã triển khai trồng mận. “Chúng tôi luôn sẵn lòng hướng dẫn phía bạn về mặt kỹ thuật chăm sóc cây trồng để tăng năng suất, mang lại thu nhập cao” - ông Minh chia sẻ.

Cùng giúp nhau phát triển kinh tế - xã hội

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị đã có giữa nhân dân hai nước Việt - Lào, từ năm 2015 đến nay, người dân các bản giáp biên của xã Phiêng Khoài và cụm Phiêng Sa (Lào) đã kết nghĩa với nhau. Trong đó, bản Lao Khô I kết nghĩa với bản Nà Khạng; bản Bó Sinh, Lao Khô II kết nghĩa với bản Pha Lóng; bản Keo Muông kết nghĩa với bản Keo Lôm.

Định kỳ 1 năm, các cặp bản tổ chức sơ kết, tổng kết hoạt động kết nghĩa 2 lần, theo hình thức luân phiên. Trong dịp Tết Nguyên đán của Việt Nam và Tết cổ truyền của Lào, chính quyền các cặp bản tổ chức thăm hỏi, chúc Tết, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Khi mỗi bên có sự kiện hay công việc như: Hội nghị, hội họp, cưới xin, ma chay... đều có sự thông báo cho nhau biết để giúp đỡ nhau, cùng nhau học tập kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý điều hành của chi bộ và ban quản lý, các đoàn thể ở bản.

Ông Đặng Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài cho biết, thực hiện chính sách mở cửa, mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác đầu tư của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua, hai bên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các hộ cá nhân có điều kiện đầu tư làm đường giao thông; cung ứng vật tư nông nghiệp, giống ngô, giống cây con có hiệu quả kinh tế cao như: Ngô lai, chanh leo, mận hậu, phân bón... Tính đến nay, trên địa bàn xã Phiêng Khoài có 10 hộ đầu tư, thu mua hàng nông sản tại các bản thuộc khu vực giáp biên giới với xã Phiêng Khoài gồm: Nà Khạng, Phiêng Xa, Keo Lôm, Pha Lóng, Co Hay, Keo Điếng...

Các cặp bản thường xuyên gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ nhau về con giống, cây trồng, vật nuôi, cùng nhau thúc đẩy tăng gia sản xuất, chăn nuôi, nên đời sống nhân dân hai bên biên giới dần được cải thiện. Đời sống văn hóa tinh thần đối với các cặp bản hai bên biên giới vẫn giữ vững và phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Qua đó, các phong tục tập quán lạc hậu đã dần được bãi bỏ như chết không để lâu trong nhà, cưới xin không thách cưới bằng tiền bạc trắng.

Và giữ gìn an ninh biên giới

Không chỉ giúp nhau phát triển kinh tế - xã hội, nhân dân các cặp bản kết nghĩa còn cùng nhau đồng lòng bảo vệ, giữ gìn an ninh biên giới. Những năm qua, nhân dân hai bên thường xuyên trao đổi cho nhau những thông tin liên quan đến vấn đề biên giới cùng quan tâm, kịp thời phối hợp giải quyết những vụ việc, xảy ra giữa nhân dân các bản hai bên biên giới theo chức năng, quyền hạn mà pháp luật mỗi bên quy định, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai bên qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống và khám, chữa bệnh...

Điển hình là vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chính quyền xã Phiêng Khoài đã chỉ đạo các bản giáp biên giới phối hợp chặt chẽ với chính quyền các bản của cụm Phiêng Sa tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân không xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới để thực hiện công tác phòng, chống bệnh dịch, đồng thời kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đường mòn, lối mở, kịp thời ngăn chặn việc xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới. Do đó, đã hạn chế được dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Số người mắc Covid-19 tại các bản giáp biên giới chiếm tỷ lệ nhỏ so với các bản trong nội địa.

Ông Đặng Văn Cương chia sẻ: “Hoạt động kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới đã từng bước nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân hai bên biên giới về quốc gia, quốc giới, trách nhiệm đối với chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, tự giác chấp hành nghiêm chỉnh quy chế kết nghĩa, quy chế biên giới Việt Nam - Lào, góp phần giữ vững ổn định chính trị ở khu vực biên giới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao dân trí, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, chủ động phòng ngừa, phát hiện, giải quyết được nhiều vụ việc xảy ra liên quan đến hai bên biên giới".

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ket-nghia-ban-ban-vun-dap-tinh-huu-nghi-viet-lao-post467432.html