Kết cục khó tránh của nhân viên tình báo Liên Xô đào tẩu

Đó là Walter Krivitsky, người chiêu mộ được cả phu nhân của cựu vương Romania và nắm được kế hoạch thành lập liên minh quân sự bí mật Đức - Nhật Bản. Do sợ bị bắt giữ, Walter đã phản bội các đồng nghiệp ở Mỹ và Tây Âu…

Nhân viên tình báo đào tẩu Walter Krivitsky

Walter Krivitsky (tên thật là Samuil Ginzberg) sinh năm 1899 tại thị trấn Pidvolochisk của Áo - Hung (sau đó thuộc về Liên Xô), tốt nghiệp đại học ở Áo, ủng hộ Đảng Bolshevik, gia nhập Đảng Cộng sản Ba Lan vào năm 1919. Walter bắt đầu tham gia hoạt động tình báo vào năm 1920.

Vào năm 1923, Walter được cử đến Đức rồi tới Thụy Sĩ, Pháp, sau đó làm việc tại Rome đến năm 1930, ở Áo đến năm 1932. Walter đã trở thành một trong các điệp viên lành nghề, giàu kinh nghiệm nhất của tình báo Liên Xô tại các nước phương Tây.

Walter sau đó về nước và dạy tại trường tình báo cao cấp. Khi được cử đến Áo và Đức, Walter đã tuyển mộ được nhiều điệp viên, trong đó có Magda Lupescu - vợ của cựu Quốc vương Romania Carol II và nhà ngoại giao người Mỹ Noel Field...

Walter còn được cấp số tiền lớn và đội chuyên gia riêng để nắm nội dung cuộc đàm phán bí mật giữa Đức - Nhật Bản. Vào tháng 7-1936, Walter có được các tài liệu về cuộc trao đổi của Hiroshi Oshima - Tùy viên quân sự Đại sứ quán Nhật tại Đức với giới lãnh đạo quân sự ở Tokyo. Nội dung của tài liệu cho thấy rằng Nhật Bản và Đức đã đồng ý tiến hành các hoạt động chung tại Viễn Đông cũng như ở Tây Âu. Ngoài ra, 2 bên còn quyết định không tấn công Liên Xô nếu không có thỏa thuận chung. Đức có kế hoạch cung cấp vũ khí hiện đại cho Nhật Bản…

Lúc đó, Walter chỉ huy mạng lưới tình báo quân sự ở Tây Âu, sống ở La Haye (Hà Lan) với vợ cùng con trai. Nhưng vào tháng 12-1936, ông được lệnh “đóng băng” mạng lưới tình báo ở Đức. Walter biết được rằng Liên Xô bắt đầu các cuộc đàm phán bí mật với Đức. Vào mùa xuân năm 1937, ông được triệu hồi về Mátxcơva, được biết về các nhân viên tình báo, trong đó có nhiều người quen biết của mình bị bắt giữ.

Vào ngày 29-5-1937, tại La Haye, Walter đã nói cho cấp phó của mình là Ignatius Reiss biết những vụ bắt giữ trong nước. Reiss thuyết phục sếp bỏ trốn. Khi Walter còn do dự, Reiss đã hành động. Được yêu cầu tham gia chiến dịch loại bỏ Reiss, Walter từ chối. Nhưng Reiss vẫn bị thanh toán vào tháng 9-1937.

Walter sau đó bị triệu hồi về Mátxcơva. Cho rằng có thể gặp nguy hiểm nếu về nước, ông ta cùng vợ con bất ngờ “biến mất” vào ngày 6-10-1937. Tại thị trấn Dijon (Pháp), Walter đã tuyên bố cắt đứt mọi quan hệ với Liên Xô, ngay sau đó xin nhập quốc tịch Pháp.

Vào đầu năm 1939, Walter đến Mỹ, đăng 5 bài báo trên tờ The Saturday Evening Post và nhận được 5.000 USD cho mỗi bài. Vào tháng 10-1939, Walter đã tiết lộ danh tính của tất cả các điệp viên Liên Xô ở Mỹ kể từ năm 1924. Vào tháng 1-1940, Walter đến Anh và đã tiết lộ danh tính của khoảng 100 điệp viên Liên Xô ở Tây Âu, 30 người trong số đó làm việc tại Anh. Tất cả những người này bị bắt. Sau đó, ông ta cùng vợ và con đến sống ở New York (Mỹ).

Ngày 10-2-1941, Walter dự định cung cấp chứng cứ về những điệp viên Liên Xô trong các cơ quan của Chính phủ Mỹ. Nhưng, cũng trong sáng hôm đó, thi thể của Walter được tìm thấy trong khách sạn Bellevue ở Washington. Nhiều giả thuyết về cái chết của ông ta như bị loại bỏ, tự sát, bị giết để giữ bí mật cho điệp viên khác... được đưa ra.

Vào tháng 2-1941, kết quả điều tra xác định rằng Walter tự sát. Trong bức thư tuyệt mệnh để lại cho gia đình, bạn và luật sư, Walter cũng viết rằng “tội lỗi” của ông “rất lớn” và ông “muốn sống, nhưng điều đó là không thể”. Vợ của ông ta sau đó làm thợ may và sống đến 94 tuổi, còn người con trai từng phục vụ Hải quân Mỹ và chết vì bệnh ung thư não khi mới 30 tuổi.

Theo Lenta

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ket-cuc-kho-tranh-cua-nhan-vien-tinh-bao-lien-xo-dao-tau-post542750.antd