Kéo giảm án tranh chấp hợp đồng tín dụng

Theo đánh giá của ngành Tòa án, tranh chấp hợp đồng tín dụng đang có xu hướng ngày càng phức tạp và diễn ra phổ biến.

Thư ký của TAND tỉnh hướng dẫn, giải thích cho đương sự trong một vụ tranh chấp về hợp đồng tín dụng. Ảnh: T.Tâm

Một trong những nguyên nhân được xác định là nhu cầu vay vốn làm ăn ngày càng nhiều; những thời điểm “sốt đất” kéo theo hoạt động vay thế chấp tài sản tăng và hoạt động vay tài sản một số tổ chức tín dụng còn lỏng lẻo nên dễ dẫn đến việc tranh chấp…

* Nhiều kiểu tranh chấp khi vay

Việc tranh chấp hợp đồng tín dụng có “muôn hình vạn trạng”, đa phần khó thu hồi nợ. Trong số đó có những vụ tranh chấp rất khó giải quyết vì liên quan đến nhiều người. Từ đó, kéo theo lượng án tranh chấp liên quan đến hợp đồng tín dụng có chiều hướng gia tăng.

Mới đây, TAND tỉnh đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp giữa Ngân hàng H.N. (trụ sở tại TP.Hà Nội) và ông N.V.D. (ngụ H.Trảng Bom) về khoản vay 400 triệu đồng. Theo nội dung vụ tranh chấp, vào năm 2013, Ngân hàng H.N. đã ký hợp đồng tín dụng cho ông N.V.D. vay số tiền 400 triệu đồng. Để đảm bảo khoản vay này, người thứ 3 là ông T.B. (ngụ TP.Biên Hòa) đã thế chấp tài sản là quyền sử dụng thửa đất số 1212, có diện tích gần 300m2 tại xã Sông Trầu (H.Trảng Bom). Giao dịch đảm bảo đã được đăng ký tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh - chi nhánh H.Trảng Bom.

Tranh chấp hợp đồng tín dụng là những mâu thuẫn phát sinh từ việc thực hiện quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng tín dụng giữa bên cho vay (tổ chức tín dụng) và bên vay (khách hàng). Chủ yếu là tranh chấp về lãi suất, nợ gốc, lãi, giải ngân, xử lý tài sản đảm bảo…

Quá trình vay mượn, ông N.V.D. đã thanh toán được số tiền gần 40 triệu đồng tiền lãi. Trong thời gian hợp đồng thế chấp đang có hiệu lực thì thửa đất 1212 đã bị Chi cục Thi hành án dân sự H.Trảng Bom kê biên, tiến hành bán đấu giá thành công cho ông H.T.D. (ngụ TP.Biên Hòa). Ông H.T.D. lại chuyển nhượng mảnh đất này cho ông Đ.T. (ngụ H.Trảng Bom), hiện ông Đ.T. đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sau khi biết tài sản đảm bảo khoản vay đã được bán đấu giá và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người khác, vào năm 2018, Ngân hàng H.N. đã làm đơn khởi kiện đòi nợ và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông Đ.T. Qua một số chứng cứ có trong vụ án, TAND cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều buộc người vay là ông N.V.D. phải trả số tiền nợ cả gốc lẫn lãi cho Ngân hàng H.N.

Ngoài ra, có nhiều công ty tài chính cũng vì cho vay hợp đồng tín chấp nhưng vì người vay không đủ khả năng chi trả nên gặp phải rủi ro cao trong quá trình thực hiện việc cho vay. Đơn cử như trường hợp Công ty Tài chính TNHH T.T. (TP.HCM) sau khi cho người dân vay tiền đã không lấy được mà còn phải tốn nhiều thời gian, tiền bạc cho việc kiện tụng.

Vào năm 2019, Công ty T.T. cho ông T.Q.B. (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) vay số tiền gần 50 triệu đồng để tiêu dùng, ông B. đã trả nợ được 6 lần với tổng số tiền cả gốc lẫn lãi gần 20 triệu đồng. Thế nhưng, kể từ tháng 12-2019, ông B. không thanh toán cho công ty khoản vay nào nữa. Dù phía công ty đã đòi nợ nhiều lần nhưng vẫn không được nên buộc phải làm đơn khởi kiện. Mãi đến cuối năm 2022, TAND TP.Biên Hòa đã tuyên buộc ông B. phải trả tiền cho Công ty T.T. Tuy nhiên, theo phía công ty, việc khởi kiện chỉ là thủ tục, còn thực tế việc đòi được tiền nợ là điều rất khó.

* Cần xác minh tài sản đảm bảo trước khi cho vay

Theo một thẩm phán TAND tỉnh, nguyên nhân dẫn đến tranh chấp hợp đồng tín dụng là do quá trình xem xét và cấp tín dụng của cán bộ tín dụng và ngân hàng chưa tốt; việc thẩm định và giám sát các khoản vay còn lỏng lẻo dẫn đến bên vay không trả được tiền cho tổ chức tín dụng; một số quy định pháp luật chưa rõ ràng, chặt chẽ.

Bên cạnh đó, có những vụ án bị kéo dài nhiều năm và khó giải quyết bởi có trường hợp người vay là người khác, còn tài sản thế chấp để đảm bảo khoản vay đứng tên người khác hoặc cũng có những trường hợp tài sản đã được thế chấp ngân hàng nhưng chủ đất lại đi phân lô bán bằng giấy tay cho người dân… Cũng có những vụ án tranh chấp chỉ vì việc ký kết cho vay không rõ ràng khiến cho đôi bên kiện nhau ra tòa chỉ vì việc thu tiền gốc và lãi không phù hợp…

Luật sư Vũ Văn Tăng, Đoàn Luật sư tỉnh cho hay, việc giải quyết tranh chấp tín dụng thường được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau như: thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án theo quy định của pháp luật. Trong đó, phương thức giải quyết bằng trọng tài được áp dụng trong trường hợp các bên thỏa thuận giải quyết bằng trọng tài thương mại đối với tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại hoặc ít nhất một bên có hoạt động thương mại. Các vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng đa phần đều được giải quyết tại tòa án vì không phụ thuộc vào việc thỏa thuận giữa các bên.

Do đó, theo các ngành chức năng, để kéo giảm tranh chấp liên quan đến hợp đồng tín dụng thì cần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý nhà trước trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, cụ thể là cơ chế hoạt động cho vay, thế chấp tài sản; ngân hàng và các tổ chức tín dụng cần tăng cường phối hợp với cơ quan chính quyền có thẩm quyền xác minh nguồn gốc đất, tình trạng sở hữu tài sản để hạn chế việc lập hồ sơ cho vay; luôn chặt chẽ về công tác quản lý cho vay, nhận tài sản đảm bảo, đề phòng rủi ro pháp lý trong nhận và xử lý tài sản đảm bảo. Đồng thời, cần phối hợp hiệu quả với cơ quan tố tụng để việc giải quyết các vụ án được nhanh chóng, đúng quy định pháp luật.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202307/keo-giam-an-tranh-chap-hop-dong-tin-dung-3171432/