Kéo dài thời gian giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ được nhiều hơn mất

Chuyên gia cho rằng đề xuất kéo dài thời gian giảm 50% thuế bảo vệ môi trường xăng dầu là cần thiết, nếu kéo dài chính sách sẽ được nhiều hơn là mất bởi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu.

Tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xin ý kiến về dự án nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2024. Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức giảm thuế như quy định tại Nghị quyết số 30 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mức thuế bảo vệ môi trường với xăng giảm 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn ở mức 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn 1.000 đồng/kg; dầu hỏa ở mức 600 đồng/lít.

Từ ngày 1/1/2025, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn thực hiện theo Nghị quyết số 579 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tức là, thuế bảo vệ môi trường với xăng về mức 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 2.000 đồng/lít; dầu hỏa 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn 2.000 đồng/kg.

Theo các chuyên gia tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là rất cần thiết.

Theo các chuyên gia tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là rất cần thiết.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 sẽ góp phần ổn định giá bán lẻ xăng dầu trong nước, từ đó góp phần, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Thuế bảo vệ môi trường là một trong những yếu tố cấu thành giá bán lẻ xăng dầu trong nước nên việc điều chỉnh mức thuế này sẽ tác động trực tiếp đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

Bộ Tài chính dự kiến, sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2024 tương đương năm 2023, nếu đề xuất được thông qua, số thu thuế từ xăng dầu sẽ giảm khoảng 39.000 tỷ đồng.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho rằng, đề xuất kéo dài thời gian giảm 50% thuế bảo vệ môi trường xăng dầu là cần thiết, nếu kéo dài chính sách sẽ "được nhiều hơn là mất". Bởi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu trong đời sống người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, sự biến động của giá xăng dầu có tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Do đó, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào.

Theo chuyên gia, việc kéo dài thời gian giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ không làm ảnh hưởng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, do mức gia tăng tiêu thụ xăng dầu sẽ không quá lớn. Đồng thời, trong các khuôn khổ FTA và các diễn đàn đa phương có sự tham gia của Việt Nam hiện không có các cam kết bắt buộc liên quan đến việc kiểm soát tiêu thụ xăng dầu. Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn không vi phạm cam kết quốc tế về môi trường mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu, Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu.

Nên bỏ hẳn thuế môi trường với xăng dầu?

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, hiện tại, giá xăng dầu tại Việt Nam đang chịu 4 loại thuế đó là: thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu. Đối với thuế bảo vệ môi trường, hiện chúng ta đã giảm kịch khung theo Nghị quyết số 20/2022/ UBTVQH15 ngày 6/7/2022 của Ủy ban Thường vụ quốc hội. Hiện tổng các khoản thuế chiếm 18,5% trong giá của xăng A92; 19,2 % đối với xăng A95. Còn với dầu thì từ 7-9%.

Không đồng tình với áp thuế môi trường với xăng dầu, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng việc đánh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cơ bản chỉ làm tăng giá xăng dầu, không có lợi cho cả người dân và nền kinh tế. "Theo tôi nên bỏ hẳn thuế môi trường với xăng dầu để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong lúc người dân và nền kinh tế rất khó khăn. Nếu vẫn muốn thu sắc thuế này, các bộ ngành phải có nghiên cứu và chứng minh bằng cơ sở khoa học rõ ràng minh bạch", ông nói

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng cần làm rõ việc sử dụng nguồn thu từ thuế môi trường với xăng dầu. Theo quy định, việc thu thuế bảo vệ môi trường phải chi cho bảo vệ môi trường, nhưng hiện nay chưa được công khai minh bạch.

Thuế môi trường với xăng dầu là một nguồn thu không nhỏ, nên phải chi đúng mục đích, có hiệu quả tránh thất thoát, lãng phí. Bộ Tài chính nên minh bạch hiệu quả sử dụng trong việc thu chi hàng trăm nghìn tỷ đồng từ nguồn thuế này. Thu thuế bảo vệ môi trường là một trong những công cụ tài chính để bù đắp, khắc phục tổn hại về môi trường, nhưng trong bối cảnh hiện nay, vẫn chỉ nên thu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu ở mức thấp nhất có thể để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

"Về nguyên tắc, muốn có nguồn thu thì phải nuôi dưỡng nguồn thu. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, Nhà nước nên có chính sách khoan sức dân, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp hồi phục. Việc tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường là rất cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn sau đại dịch", chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Diễn biến của thị trường xăng, dầu trong thời gian qua một lần nữa cho thấy, việc quản lý giá xăng, dầu, thị trường xăng, dầu nói riêng và bảo đảm an ninh năng lượng nói chung cần một chính sách đồng bộ, dài hạn của tất cả các bộ, ngành liên quan với những kịch bản cụ thể để có sự ứng phó kịp thời trước những biến động khó lường của thị trường thế giới.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/keo-dai-thoi-gian-giam-50-thue-bao-ve-moi-truong-voi-xang-dau-se-duoc-nhieu-hon-mat-169231016161143632.htm