Kenya: Lạm phát tiến sĩ

Báo cáo mới đây của Hội đồng Kiểm định Kenya khẳng định, lãnh đạo các trường đại học (ĐH) nước này đã không có sự giám sát chặt chẽ, dẫn đến những bất thường trong quy trình trao bằng tiến sĩ (TS).

JKUAT là một trong số những trường có số SV tốt nghiệp TS tăng đột biến

JKUAT là một trong số những trường có số SV tốt nghiệp TS tăng đột biến

Đặc biệt, Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Jomo Kenyatta (JKUAT) và Trường Cao đẳng Phát triển nguồn nhân lực (CoHRED) là hai cơ sở GD có sự tăng đột biến về số lượng TS.

Số lượng TS tăng vọt

Tháng trước, Hội đồng Kiểm định Chất lượng của Ủy ban Giáo dục Đại học Kenya (CUE) đã tiến hành điều tra trong vòng hai ngày, sau khi nhận thấy số bằng TS được trao trong lễ tốt nghiệp lần thứ 33 cao đột biến, có khả năng trở thành “một vấn đề ảnh hưởng tới lợi ích công cộng”. Ngoài ra, CUE cũng tiến hành kiểm định lại những tấm bằng được cấp trong lễ tốt nghiệp lần thứ 31 và 32 được tổ chức vào năm 2018 tại các trường Kenya.

Báo cáo của CUE cho thấy, nhiều giảng viên (GV) hướng dẫn tại các cơ sở GDĐH nước này phải chịu trách nhiệm giám sát quá nhiều sinh viên (SV), thay vì nhiều nhất là 3 TS và 5 thạc sĩ trong một năm, theo quy định của Tiêu chuẩn và Nguyên tắc đại học (ĐH) năm 2014. Báo cáo chỉ ra rằng, một GV tại CoHRED được cho là phải đảm đương hướng dẫn cho 41 thạc sĩ đến từ 10 ngành khác nhau và 14 nghiên cứu sinh.

“Trong ba đợt tốt nghiệp gần đây, ba giám sát viên CoHRED từng hướng dẫn cho lần lượt là 41, 30 và 33 nghiên cứu sinh; 45, 106 và 72 thạc sĩ. Đặc biệt, ba đợt tốt nghiệp này chỉ diễn ra trong khoảng thời gian là 12 tháng”, báo cáo nêu.

Theo thống kê, có hơn 73% số bằng TS được trao trong ba buổi tốt nghiệp đều đến từ CoHRED. Trong khi đó, chỉ có 8% bằng TS của Trường Khoa học Y tế và hơn 4% của Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Tài nguyên thiên nhiên.

Theo quy định, thời gian hướng dẫn và giám sát SV làm luận án thạc sĩ hoặc TS sẽ kéo dài trong 3 tháng. Tuy nhiên, báo cáo cho biết, một số trường hợp thậm chí còn không có bất cứ tài liệu nào để chứng minh đã tuân thủ quy tắc này. “Tình trạng rút ngắn thời gian hướng dẫn SV làm luận án đã được làm sáng tỏ thông qua các báo cáo của giám khảo cũng như Ủy ban Bảo vệ Luận án. Báo cáo này đã nêu rõ các lỗi sai cơ bản của luận án mà thông thường sẽ phải được xác định trong quá trình giám sát”, báo cáo của CUE khẳng định.

Ngoài ra, một số trường hợp khác được phát hiện có liên quan đến quy trình bất thường trong việc cho phép SV tốt nghiệp của Hội đồng giám khảo nhà trường, cũng như việc thiếu sót về các bài thuyết trình của SV.

Báo cáo của CUE cũng chỉ ra rằng, trong một trường hợp, SV đã hoàn thành và bảo vệ thành công luận án chỉ trong vòng chưa đầy 12 tháng. Ngoài ra, tại Kenya, các thạc sĩ và TS sau khi tốt nghiệp sẽ được yêu cầu xuất bản ít nhất hai luận án lên tạp chí có liên quan tới ngành học. Tuy nhiên, không ít SV sau khi được trao bằng không hề có bất cứ luận án nào trên tạp chí. Một số chuyên gia GD nhận định, hành động này có khả năng xảy ra do “xung đột lợi ích”. Bởi lẽ, nhiều GV tại CoHRED là thành viên trong ban biên tập của một số tạp chí tại Kenya.

Đề xuất giải pháp

Trước tình trạng này, báo cáo đã đề xuất biện pháp và cho rằng, các trường cần chấm dứt đào tạo nghiên cứu sinh tại những khuôn viên chi nhánh nằm cách xa trụ sở chính của cơ sở GD. Trước đó, con số thống kê của CUE cho thấy, trong số 89 SV được trao bằng TS tại CoHRED, có tới 65% trường hợp được đào tạo tại 8 chi nhánh, trong khi hầu hết học giả có trình độ đều làm việc tại trụ sở chính.

Ngoài ra, các chuyên gia GD cũng khuyến nghị rằng, Bộ GD nước này nên xem xét và đánh giá lại các bằng TS đã được trao, theo quy định của Tiêu chuẩn và Nguyên tắc ĐH năm 2014, sau đó phải báo cáo lại cho CUE trong vòng 3 tháng.

Trước các cáo buộc, Phó hiệu trưởng Trường JKUAT, Giáo sư (GS) Victoria Ngumi tuyên bố, tất cả bằng TS và thạc sĩ của trường cấp đều dựa theo đúng năng lực của người học; đồng thời nhấn mạnh, không có bất cứ SV nào của JKUAT được phép tốt nghiệp mà không phải trải qua quy trình đã được quy định.

“Các nhà lãnh đạo trường học đang nghiên cứu báo cáo từ CUE và sẽ trình bày kết quả của mình trước Thượng viện Học thuật. Trong vòng 3 tháng, Thượng viện sẽ đưa ra kết luận chính thức và chuyển đến Bộ trưởng Nội vụ Giáo dục và CUE”, bà Victoria Ngumi nói thêm.

Cũng theo vị Phó Hiệu trưởng này, những thông tin cho rằng, một số bằng TS của JKUAT đã bị CUE đình chỉ là hoàn toàn không chính xác. Nữ GS cũng bày tỏ lo ngại trước những thông tin sai lệch và vô căn cứ mà truyền thông đăng tải sau khi báo cáo của CUE được công bố.

Trước bối cảnh này, chuyên gia phân tích GD Herman Manyora nhận định, sự gia tăng cạnh tranh giữa các cơ sở GDĐH tại Kenya cùng với việc mở rộng quy mô một cách nhanh chóng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chất lượng đào tạo giảm sút, gây ảnh hưởng tiêu cực tới các SV nước này.

Chia sẻ với truyền thông, ông Manyora cho biết: “Khi mở ra các cơ sở GDĐH cho phép mọi người đều có thể tiếp cận, chính phủ Kenya đã không đưa ra định hướng và giám sát chặt chẽ đối với các trường ĐH hàng đầu. Vì vậy, nền GD Kenya đang dần trở thành một vấn đề của kinh doanh và dẫn tới tình trạng kém chất lượng trong công tác đào tạo”.

Cũng theo chuyên gia Manyora, đây là điều đang xảy ra ở tất cả các trường ĐH tại Kenya và là một vấn đề đáng báo động, do việc cấp bằng ồ ạt cho các SV, từ cử nhân đến TS.

Tháng 7/2018, một cuộc khảo sát chất lượng thường niên do JKUAT thực hiện đã cho thấy, quy trình cấp bằng cho SV theo học TS tại CoHRED đã vi phạm một số quy tắc của tiêu chuẩn và nguyên tắc ĐH năm 2014.

Theo Vân Huyền - University World News

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/kenya-lam-phat-tien-si-4025946-b.html