Kế sách nào trị căn bệnh 'né tránh trách nhiệm'?

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, một trong những nội dung nhiều đại biểu quan tâm là hiện tượng cán bộ có tâm lý sợ trách nhiệm làm chậm thực thi chính sách, ảnh hưởng quá trình phục hồi kinh tế.

Bên lề Kỳ họp, phóng viên TTXVN ghi nhận nhiều ý kiến đại biểu hiến kế trị căn bệnh “né tránh trách nhiệm”.

*Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình): Có chính sách khuyến khích tinh thần dám nghĩ dám làm

Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ đã làm cản trở phát triển kinh tế - xã hội; làm giảm niềm tin của nhân dân với đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Phan Đức Hiếu phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Một phần gốc rễ vấn đề vẫn là chất lượng thể chế, chất lượng quy định của pháp luật. Hiện nay, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, hệ thống chính sách có mặt còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn nên quá trình thực thi công vụ sẽ có khó khăn, rào cản, vướng mắc, nhất là những vấn đề liên quan đến đầu tư, tài chính, ngân sách, đầu tư công, phát triển doanh nghiệp.

Do đó, cần hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rà soát bãi bỏ các quy định hoặc thói quen phải xin ý kiến, thỏa thuận, xin chủ trương, thống nhất...

Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ cũng cần đưa ra những quyết sách để tập trung rà soát bất cập, sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng, minh bạch, đồng bộ hơn; tạo được hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ, công chức, khuyến khích tinh thần dám đương đầu khó khăn, dám tạo đột phá để cán bộ công chức vững tâm và trách nhiệm hơn.

*Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh): Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Đối với nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm, đây là trở lực lớn nhất gây tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống. Nguyên nhân là vì các văn bản pháp luật hiện hành, nhất là văn bản dưới luật còn thiếu tính đồng bộ, khó thực hiện.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Trần Quốc Tuấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Do đó, kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật, đặc biệt là văn bản dưới luật, bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, cá nhân căn cứ vào đó có thể triển khai thực hiện được ngay.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa như Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến. Nếu thực hiện tốt việc này sẽ giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các cơ quan cấp trên, đồng thời tăng cường trách nhiệm cho các địa phương và cơ quan cấp dưới.

Muốn vậy, cần xác định việc nào thuộc trách nhiệm của địa phương, mạnh dạn phân quyền cho địa phương làm, địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả.

*Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương): Đánh giá đúng và trúng cán bộ

Tình trạng cán bộ "sợ sai, không dám làm"; né tránh, đùn đẩy công việc xảy ra khá phổ biến. Thực trạng này dẫn đến nhiều hệ lụy; trong đó, có vấn đề giải ngân vốn đầu tư công rất chậm.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Trong khi càng về các năm cuối của dự án, các thủ tục đã hoàn thành càng dễ giải ngân, thì tỉ lệ giải ngân vẫn còn rất thấp. Cùng một hệ thống chính sách, thể chế nhưng nhiều địa phương giải ngân vẫn rất tốt mà nhiều nơi lại chậm.

Để khắc phục được tình trạng này, cần xây dựng sự minh bạch rõ ràng, công bằng và kiên quyết hơn nữa trong khâu đánh giá cán bộ. Có đánh giá chính xác cán bộ mới có thể quy hoạch đúng và bố trí, sử dụng vị trí phù hợp với năng lực, sở trường của cán bộ.

Từ trước tới nay, trong khâu đánh giá cán bộ, phần lớn đều được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ mà chưa phản ánh đúng thực chất, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến.

Thực tiễn công tác cán bộ thời gian qua cho thấy, nhiều trường hợp đánh giá cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, chưa hẳn vì yêu cầu công việc. Do vậy, nên tình trạng cán bộ sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm vẫn chưa được khắc phục triệt để./.

Uyên Hương – Diệp Anh/BNEWS/TTXVN (Thực hiện)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ke-sach-nao-tri-can-benh-ne-tranh-trach-nhiem/294743.html