Kế hoạch thi hành án vụ Vạn Thịnh Phát

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, vụ Vạn Thịnh Phát có thiệt hại rất lớn, đơn vị chỉ đạo cơ quan thi hành dân sự địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết; bố trí nguồn lực, cán bộ hướng dẫn nộp đơn thi hành án.

Chiều 12/11, ông Nguyễn Thắng Lợi - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho hay, ngay sau giai đoạn điều tra, truy tố, các tài sản, vật chứng của vụ Vạn Thịnh Phát đã được chuyển sang cơ quan thi hành án.

Tổng cục thi hành án đã chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự kiểm tra, rà soát thủ tục pháp lý của vật chứng đó để đảm bảo thi hành án về sau.

Nói về trình tự, thủ tục thi hành án đối với vụ Vạn Thịnh Phát, ông Nguyễn Thắng Lợi cho hay, vụ án này mới tuyên ngày hôm qua. Án sơ thẩm chưa có hiệu lực thi hành, phần tuyên án về bồi thường thiệt hại tới đây nếu không có kháng cáo, kháng nghị hoặc có kháng cáo kháng nghị mà Tòa xét xử phúc thẩm, bản án có hiệu lực, khi đó cơ quan thi hành án sẽ tổ chức thi hành theo đúng quy định pháp luật.

Người được thi hành án, người ủy quyền có đơn yêu cầu thi hành án thì cơ quan chức năng sẽ ban hành quyết định thực thi ngay.

Ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự. Ảnh: HL

Vẫn theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án, vụ án Vạn Thịnh Phát có thiệt hại rất lớn, được quan tâm đặc biệt của Nhà nước, xã hội. Tổng cục đã chủ động chỉ đạo cơ quan thi hành dân sự địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết; bố trí nguồn lực, bố trí cán bộ hướng dẫn nộp đơn thi hành án. Ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án sẽ thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc thu hồi các tài sản bị tuồn ra nước ngoài, ông Nguyễn Thắng Lợi cho biết, việc kê biên tài sản được thực hiện trong giai đoạn tố tụng, Bộ Tư pháp tích cực phối hợp với các cơ quan, để thực hiện nhiệm vụ sau khi bản án có hiệu lực.

Việc thu hồi tài sản bị tuồn ra nước ngoài thực hiện qua kênh hỗ trợ tư pháp; theo các hiệp định hỗ trợ tư pháp hoặc trên cơ sở “có đi có lại giữa các nước”.

"Thời gian vừa qua, Tổng cục thi hành án đã phối hợp rất hiệu quả với VKSND Tối cáo trong việc xử lý thành công tài sản ở nước ngoài trong vụ án Phan Sào Nam", ông Lợi cho biết thêm.

Trước đó, vào chiều 11/4, TAND TP.HCH tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Vạn Thịnh Phát) mức án 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; tử hình về tội Tham ô tài sản và 20 năm tù về tội Đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi hoàn toàn bộ 1.284 Hợp đồng tín dụng. Đối với số tiền lãi phát sinh trước ngày 17/12/2022, buộc bị cáo Trương Mỹ chịu trách nhiệm bồi thường 677.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp về công tác thi hành án dân sự (THADS), trong 6 tháng đầu năm, đã thi hành xong 242.304 việc và trên 47.595 tỷ đồng. Trong đó, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 1.177 việc với hơn 10.000 tỷ đồng.

Công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự được tập trung chỉ đạo. Tính từ 1/10/2023 đến 29/2/2024, cơ quan THADS thu hồi được hơn 8.960 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, TAND các cấp đã chuyển giao cho các cơ quan THADS 1.387 bản án hành chính.

Các cơ quan THADS thực hiện theo dõi 1.387 bản án, số cũ chuyển sang là 776 việc, số tiếp nhận mới là 611 việc.

Các cơ quan hành chính đã thi hành xong 400 việc (trong đó, số bản án đã có quyết định buộc thi hành án hành chính (THAHC) của Tòa án là 107 bản án, số bản án chưa có quyết định buộc THAHC của Tòa án là 121 bản án); đang tiếp tục thi hành 979 bản án (trong đó, số bản án đã có quyết định buộc THAHC của Tòa án là 374 bản án, số bản án chưa có quyết định buộc THAHC của Tòa án là 605 bản án.

T.Nhung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ke-hoach-thi-hanh-an-vu-van-thinh-phat-2269897.html