Ít cơ hội việc làm cho lao động lớn tuổi

Làn sóng sa thải lao động lớn tuổi hiện nay vẫn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp (DN) và cơ hội tìm lại việc làm mới của lực lượng lao động này không mấy dễ dàng. Nhiều người từ chỗ có việc làm, thu nhập ổn định bỗng dưng mất việc và rơi vào cảnh khó khăn.

Nhiều lao động ngoài tuổi 40 đến tìm việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai. Ảnh: L.MAI

Đây là thực trạng chung hiện nay, nhất là khi DN giảm, thiếu đơn hàng, không đủ khả năng chi trả lương thì giảm lao động lớn tuổi là lựa chọn của các DN. Do đó, rất cần nhiều chính sách hỗ trợ, sự vào cuộc của các ngành chức năng để bảo vệ quyền lợi cho người lao động (NLĐ).

Chật vật tìm việc làm mới

Cầm bộ hồ sơ đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai tìm việc, chị Lê Thị Na (ngụ tại P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) buồn rầu cho biết, hơn nửa năm mất việc làm, chị phải sống tằn tiện với số tiền trợ cấp thất nghiệp để lo cho gia đình. Trước đây, chị từng có công việc ổn định tại một DN chuyên về may mặc xuất khẩu tại một khu công nghiệp của H.Trảng Bom. Đầu năm 2023, DN thu hẹp sản xuất vì nhiều đơn hàng bị trả lại, chị cùng một số lao động bị mất việc làm. Từ đó tới nay, chị vẫn chưa tìm được việc làm mới.

“Công việc của tôi làm tại phòng y tế của công ty với thu nhập trên 6 triệu đồng/tháng. Chồng làm công nhân cơ khí với thu nhập 8,5 triệu đồng/tháng. Từ khi tôi mất việc, chồng lại bị giảm việc, gia đình tôi rơi vào khó khăn thực sự. Tiền học của con, tiền nhà trọ và các khoản phải tính toán đau đầu. Trong khi đó, ở tuổi ngoài 40 như tôi, để xin được việc làm ổn định thời điểm này không dễ” - chị Na chia sẻ.

Các cán bộ Công đoàn cho rằng, lao động lớn tuổi đã cống hiến cả thanh xuân cho sự phát triển của DN nên hơn lúc nào hết, DN cần phải nâng cao trách nhiệm xã hội và tôn trọng những đóng góp của NLĐ. Bên cạnh đó, để không bị mất việc, bản thân NLĐ cũng phải có những đổi mới để thích nghi với yêu cầu, đòi hỏi của công việc hiện nay.

Chung hoàn cảnh như chị Na, ông Lê Ngọc Ngụ (54 tuổi, quê tỉnh An Giang) vừa mất việc làm và đang làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo ông Ngụ, 22 năm gắn bó với một công ty cơ khí tại Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa), chưa khi nào ông nghĩ đến cảnh có ngày bị thất nghiệp. Nhưng khi DN không có đơn hàng, đã vận động những lao động lớn tuổi viết đơn nghỉ việc và hỗ trợ một phần tiền lương để bù đắp cho NLĐ. Với độ tuổi hiện nay, mặc dù ông đã đủ năm tham gia bảo hiểm xã hội nhưng vẫn phải đợi đến tuổi nghỉ hưu mới có lương hưu trang trải cuộc sống.

Cần bảo vệ lao động lớn tuổi

Tại hội nghị giao ban Công đoàn cơ sở các DN dệt may do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức vào tháng 8 vừa qua, một cán bộ Công đoàn cơ sở đã bật khóc khi kể về giây phút chia tay những lao động lớn tuổi. Theo nữ cán bộ Công đoàn này, dù DN cố gắng giữ việc làm cho NLĐ nhưng vì không có đơn hàng, buộc phải thỏa thuận với 100 lao động lớn tuổi nghỉ việc và DN có hỗ trợ 4 tháng lương. Dù DN có chế độ hỗ trợ, song với những lao động lớn tuổi, họ khó có thể tìm được công việc mới và cuộc sống sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Thực tế, những lao động lớn tuổi khi bị mất việc làm đều rơi vào tình trạng lao đao, ảnh hưởng đến cả tinh thần và cuộc sống. Trong khi đó, họ đã dành cả tuổi trẻ, sức lực để cống hiến cho công ty nhưng khi bị mất việc, không có điểm tựa để bám trụ. Mặt khác, với những công nhân xa quê, các khoản phí từ nhà trọ, điện nước, sinh hoạt là nỗi lo hàng tháng và nếu như thất nghiệp, những khoản trên không biết lấy gì để bù đắp vào.

Theo Bộ LĐ-TBXH, 9 tháng của năm 2023, mặc dù thị trường lao động tiếp tục được phục hồi, lực lượng lao động có việc làm trong quý III-2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, song tình trạng lao động buộc phải nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các DN vẫn diễn ra. Thống kê của Bộ cho thấy, cả nước có hơn 812 ngàn lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 10% so với cùng kỳ; số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là trên 772 ngàn người. Trong số những lao động thất nghiệp, rất nhiều người đã lớn tuổi hay còn gọi là hết độ tuổi “đẹp” để các DN giữ lại làm việc.

Một trong những thực trạng hiện nay là bên cạnh những DN khó khăn thực sự, buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ thì vẫn có những DN lợi dụng tình hình, cơ hội để sa thải lao động lớn tuổi và tuyển lại lao động trẻ với mức lương chi trả thấp hơn. Để tìm cách sa thải lao động lớn tuổi, các DN thuyết phục NLĐ viết đơn xin nghỉ việc hoặc sắp xếp làm ở bộ phận công việc nặng nhọc, hoặc không bố trí việc làm để NLĐ nản và viết đơn xin nghỉ. Theo đó, sẽ rất thiệt thòi cho NLĐ khi bị mất việc, nhất là họ không ở độ tuổi “vàng” để những DN khác tuyển dụng.

Thời gian qua, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh đã hỗ trợ pháp lý cho nhiều NLĐ bị DN sa thải trái quy định của pháp luật lao động. Ngoài ra, tăng cường tư vấn pháp luật để NLĐ nắm vững pháp luật lao động, biết bảo vệ bản thân khi quyền lợi bị thiệt thòi trong quá trình làm việc. Riêng 9 tháng qua, trung tâm đã tư vấn pháp lý cho hơn 6 ngàn công nhân lao động; hỗ trợ bảo vệ tại tòa án 57 vụ liên quan đến tranh chấp lao động. Kết quả, NLĐ nhận được số tiền bồi thường trên 1,6 tỷ đồng

Nói về công nhân lao động lớn tuổi, nhiều cán bộ Công đoàn cho hay, với những lao động này, DN phải trả lương theo chế độ thâm niên rất cao nên họ luôn là lựa chọn sa thải khi DN gặp khó khăn trong sản xuất. Bên cạnh đó, các DN đưa ra lý do lao động càng có tuổi thì sức khỏe càng yếu, độ nhanh nhạy kém đi nên khó đáp ứng được hiệu suất công việc. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra, NLĐ sẽ rất khó xin việc ở đơn vị mới và sẽ rút bảo hiểm xã hội một lần. Do đó, rất cần nhiều chính sách hỗ trợ cũng như có giải pháp bảo vệ quyền lợi, đảm bảo an sinh xã hội cho lực lượng lao động này.

Lan Mai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/cong-doan/lao-dong-viec-lam/202310/it-co-hoi-viec-lam-cho-lao-dong-lon-tuoi-db16439/