Israel trong 'tam giác quan hệ' với Mỹ và Trung Quốc

Sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc trên trường quốc tế và phản ứng của Mỹ đã buộc Israel phải xem xét lại bản chất mối quan hệ của mình với người khổng lồ phương Đông. Bức tranh từ năm 2017 không thể tương phản hơn. Tuy nhiên, câu hỏi làm thế nào để duy trì quyền tự chủ chiến lược của Israel trong bối cảnh ma trận địa kinh tế ngày càng căng thẳng vẫn còn đó.

Thời điểm vàng trong quá khứ

Trở lại năm 2017, thời điểm hợp tác kinh tế giữa Israel và Trung Quốc phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và công nghệ, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã tới Bắc Kinh cùng một phái đoàn gồm 100 doanh nhân và 4 bộ trưởng.

Năm đó tình cờ là dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Israel - Trung Quốc và việc tăng cường hợp tác công nghệ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Dư địa hợp tác nhiều đến mức Thủ tướng Netanyahu và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình, đã nhân cơ hội này chỉ định mối quan hệ giữa hai quốc gia là “Đối tác đổi mới toàn diện”.

Sức ép từ Mỹ

Trong khi đó, tâm lý ở Washington đã hoàn toàn xoay chiều. Chỉ 9 tháng sau khi ông Netanyahu trở về từ Bắc Kinh, Chính quyền Mỹ đã kết luận rằng Trung Quốc mong muốn “hình thành một thế giới đối lập với các giá trị và lợi ích của Mỹ” - như đã nêu rõ trong báo cáo Quốc gia tháng 12.2017.

Đến tháng 1.2018, Chính quyền Donald Trump đã bắn "phát súng" kinh tế đầu tiên, áp đặt các hạn chế xuất khẩu làm tê liệt công ty viễn thông Trung Quốc ZTE. Huawei đã sớm trở thành đối tượng tiếp theo. Cuộc đối đầu trở nên căng thẳng trong các lĩnh vực: quốc phòng, thương mại, công nghệ, nhân quyền, quản trị toàn cầu và hơn thế nữa, các hành động và sự trả đũa của bên này hay bên kia đã leo thang.

Đồng thời, Mỹ đã phát động một chiến dịch thuyết phục các đồng minh và đối tác trên toàn thế giới hạn chế sự tham gia của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng quan trọng và hệ sinh thái kỹ thuật số của họ. Không lâu sau đó, các quan chức Mỹ bắt đầu xem xét kỹ lưỡng hợp tác giữa đồng minh đáng tin cậy nhất ở Trung Đông và “đối thủ chiến lược” mới được chỉ định của họ. Các dự án cơ sở hạ tầng của Israel trở thành chủ đề tranh cãi sôi nổi, việc lắp đặt bộ biến tần Huawei trong lưới điện năng lượng mặt trời của Israel cũng vấp phải sự chỉ trích từ một số quốc gia...

Những lo ngại của Washington xung quanh sự tham gia của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng của Israel chủ yếu tập trung vào các vấn đề an ninh mạng đi ngược lại lợi ích của Israel và Mỹ, đẩy các dự án cơ sở hạ tầng dân sự này vào lĩnh vực an ninh quốc gia.

Khu cảng Haifa của Israel, nơi Tập đoàn cảng quốc tế Thượng Hải sẽ vận hành trong 25 năm. Nguồn: AFP

Khu cảng Haifa của Israel, nơi Tập đoàn cảng quốc tế Thượng Hải sẽ vận hành trong 25 năm. Nguồn: AFP

Nỗ lực xoa dịu

Để giải quyết những vấn đề này và những lo ngại tương tự, Israel đã cố gắng thành lập một ủy ban đánh giá đầu tư nước ngoài cho cơ sở hạ tầng quan trọng vào năm 2019. Nhiều người ở Israel và Mỹ coi động thái này là một bước đi đúng hướng.

Theo quy định, Israel sẽ không bán công nghệ quân sự hoặc lưỡng dụng cho Trung Quốc. Quy định này được áp dụng kể từ khi Mỹ gây áp lực buộc Israel từ bỏ hai thỏa thuận vũ khí với Trung Quốc vào năm 2000 và 2004. Israel đã thành lập Cơ quan Kiểm soát Xuất khẩu Quốc phòng (DECA) thuộc Bộ Quốc phòng vào năm 2006 để giám sát và điều chỉnh các thiết bị quốc phòng, thông tin và công nghệ nhạy cảm. Đáng chú ý, Bộ Kinh tế Israel cũng thành lập Cơ quan Kiểm soát xuất khẩu chịu trách nhiệm điều chỉnh hàng hóa, công nghệ và dịch vụ lưỡng dụng.

Vào tháng 1.2022, Israel đã đồng ý thông báo với Mỹ về bất kỳ thỏa thuận lớn nào với Trung Quốc. Vào tháng 7, Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Israel khi đó là Yair Lapid đã khởi động Đối thoại Cấp cao chiến lược Mỹ - Israel về công nghệ “nhằm thiết lập quan hệ đối tác về các công nghệ quan trọng và mới nổi nhằm đưa sự hợp tác giữa các quốc gia lên một tầm cao mới”. Mặc dù Trung Quốc không được đề cập đến trong cuộc đối thoại mới, nhưng dường như mọi ám chỉ đều hướng về phía quốc gia phương Đông này.

Cựu Giám đốc tình báo của Israel Yossi Cohen là một trong những nhà phê bình, người đã bày tỏ sự hoài nghi đối với cách tiếp cận ngày càng cứng rắn của Washington. Trong một bài giảng tại Đại học Bar-Ilan vào tháng 6.2021, Yossi Cohen nói: “Tôi không hiểu người Mỹ muốn gì ở Trung Quốc. Trung Quốc không chống lại chúng tôi và không phải là kẻ thù của chúng tôi”. Và một trong những chuyên gia kỳ cựu về Trung Quốc của Israel, Giáo sư Yitzhak Shichor, gần đây cũng đã viết: “Washington dường như bị ám ảnh bởi Trung Quốc”.

Trong một bài viết vào tháng 1.2022 được đăng trên The Marker, Noam Gruber, nhà kinh tế cấp cao tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế và là cựu trưởng phòng nghiên cứu tại Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Israel thừa nhận rằng, những lo ngại của Mỹ là chính đáng nhưng tái khẳng định quan điểm của các đồng nghiệp rằng: “Trung Quốc không phải là kẻ thù của Israel, rằng Israel có lợi ích trong hợp tác với Bắc Kinh". Gruber tin rằng các yêu cầu của Mỹ nhằm hạn chế sự tham gia của Trung Quốc vào lĩnh vực dân sự là vượt quá giới hạn.

Tầm quan trọng của Trung Quốc

Mức độ quan trọng của Trung Quốc không phải là vấn đề không được quan tâm. Dân số Israel dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong vòng 30 năm tới và sẽ cần hơn 200 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng cho lượng công dân ngày càng tăng này.

Các doanh nghiệp đã bắt đầu phản ứng. Năm ngoái, một tập đoàn gồm các công ty Israel và Trung Quốc đã có hành động pháp lý chống lại Chính phủ vì đã từ chối lời đề nghị tham gia dự án đường sắt Tel Aviv của họ, cho rằng nó dựa trên áp lực bất hợp pháp của Mỹ.

Khi nói đến những hạn chế cần có trong hợp tác công nghệ, một số người Israel đã bày tỏ sự bất mãn khi Mỹ không chỉ ra được chính xác những loại công nghệ nào là vượt quá giới hạn. Như Ilan Maor, Chủ tịch Phòng Thương mại Israel - Trung Quốc và Hong Kong, giải thích: “Tôi không đồng ý với định nghĩa của Mỹ về công nghệ chiến lược... bởi vì về cơ bản nó bao gồm mọi thứ khác trừ giấy vệ sinh”.

Nhưng vào tháng 10 năm ngoái, chính quyền Biden đã thể hiện rõ ràng ý định của mình với việc Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ công bố các hạn chế mới đối với việc xuất khẩu sang Trung Quốc các chất bán dẫn tiên tiến, thiết bị sản xuất chip, trí tuệ nhân tạo và các thành phần điện toán lượng tử. Ngành công nghiệp bán dẫn của Israel chiếm khoảng 16% kim ngạch xuất khẩu công nghệ cao của đất nước, giờ đây đang phải hứng chịu một đòn chí mạng.

Tìm sự cân bằng

Trong một bài viết trên tờ The Times of Israel, Phó Tổng Biên tập của Asia Times, David P Goldman cảnh báo rằng: “Israel không thể hy sinh lợi thế công nghệ của mình để đáp ứng đòi hỏi của Mỹ”.

Khi Jerusalem tiếp tục điều chỉnh cách tiếp cận của mình với Trung Quốc, Chính phủ Israel có nhiều điều phải suy nghĩ hơn là chỉ xoa dịu Mỹ. Xét cho cùng, mối quan hệ của Israel với Trung Quốc không tồn tại trong một vòng xoáy ba bên nào đó mà trong bối cảnh toàn cầu. Trong bối cảnh này, câu hỏi làm thế nào để bảo vệ chủ quyền và quyền tự chủ chiến lược của Israel nên được đặt lên hàng đầu và là trung tâm cân nhắc của các nhà hoạch định chính sách.

Đạt Quốc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/israel-trong-tam-giac-quan-he-voi-my-va-trung-quoc-i316910/