Israel thừa nhận chủ quyền của Maroc đối với Tây Sahara

Ngày 17/7, Israel đã công nhận chủ quyền của Maroc đối với khu vực Tây Sahara đang tranh chấp, khu vực mà phong trào ly khai Mặt trận Polisario tuyên bố là lãnh thổ của mình.

Một tuyên bố từ văn phòng Thủ tướng Israel cho biết nước này đang cân nhắc mở lãnh sự quán ở Dakhla, Tây Sahara.

Maroc và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao cuối năm 2020. (Ảnh: AFP)

Maroc và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao cuối năm 2020. (Ảnh: AFP)

Cung điện hoàng gia Maroc trước đó đã công bố quyết định này, cho biết quyết định này được thể hiện trong một bức thư của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gửi cho Quốc vương Maroc Mohammed VI.

Quyết định này của Israel "sẽ được gửi tới Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực và quốc tế", tuyên bố trích dẫn bức thư cho biết.

Tây Sahara là một dải đất phía Nam Maroc, phần lớn giáp với Mauritanie, một phần nhỏ có chung biên giới với Algeria.

Kể từ khi chế độ thuộc địa của Tây Ban Nha kết thúc vào năm 1975, Maroc sáp nhập Tây Sahara, gây ra cuộc xung đột kéo dài 15 năm với phong trào Mặt trận Polisario ly khai, được hỗ trợ bởi Algeria.

Cuộc xung đột đã dừng lại với một thỏa thuận ngừng bắn năm 1991 do Liên hợp quốc làm trung gian. Tuy nhiên, Mặt trận Polisario đã nối lại cuộc xung đột vào năm 2020, tuyên bố toàn bộ Tây Sahara là "vùng chiến sự".

Một năm sau, Algeria cắt đứt quan hệ ngoại giao với nước láng giềng phía Tây, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng.

Mối quan hệ ngoại giao giữa Israel và Maroc chỉ được thiết lập vào năm 2020, sau khi các quốc gia Ả Rập khác thay đổi lập trường kéo dài hàng thập kỷ đối với Israel và thiết lập quan hệ với nước này.

Sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington công nhận chủ quyền của Maroc đối với Tây Sahara.

Ngoại trưởng Israel Eli Cohen cho biết công nhận chủ quyền của Maroc đối với khu vực này sẽ "củng cố quan hệ giữa các quốc gia, giữa các dân tộc và tiếp tục hợp tác để tăng cường hòa bình và ổn định khu vực".

Hà Mai

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/israel-thua-nhan-chu-quyen-cua-maroc-doi-voi-tay-sahara-386094.html