Israel cảnh báo 'tấn công toàn diện' dải Gaza, quốc tế nỗ lực hạ nhiệt

Bốn ngày sau cuộc tấn công được mô tả là 'lớn nhất và kịch tính nhất' của Hamas nhằm vào lãnh thổ Israel, xung đột vẫn không hề có dấu hiệu hạ nhiệt và thậm chí có nguy cơ lan rộng.

Di chuyển quân đến dải Gaza, tăng cường phong tỏa vùng lãnh thổ Palestine và củng cố nội các đoàn kết dân tộc… Israel đang tăng cường các phản ứng với phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas. Trong bối cảnh đã có hàng nghìn người thương vong từ cả hai bên, cộng đồng quốc tế đang gia tăng các nỗ lực hòa giải.

Đảng Likud của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm qua (10/10) xác nhận đang đàm phán với các đảng đối lập để thành lập nội các an ninh. Sáng kiến đã nhận được sự ủng hộ của cựu Thủ tướng ôn hòa Yair Lapid và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz. Một nội các như vậy sẽ làm giảm bớt ảnh hưởng của các đảng tôn giáo trong liên minh cầm quyền hiện nay và mở đường cho các hành động quyết đoán hơn của chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Quân đội Israel cho biết đã kiểm soát phần lớn miền Nam và tái chiếm toàn bộ khu vực biên giới với dải Gaza, đồng thời tuyên bố đang trên đà "tấn công toàn diện" vào vùng lãnh thổ Palestine này.

Khói đen bốc lên sau khi Israel tấn công một cảng biển của thành phố Gaza ngày 10/10. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nhấn mạnh: "Chúng tôi bắt đầu cuộc tấn công từ trên không, sau đó chúng tôi cũng sẽ tấn công trên bộ. Chúng tôi tạo ra một hệ thống phòng thủ vững chắc ở biên giới bằng một bức tường sắt nhìn ra tất cả những sơ hở đó, bao gồm xe thiết giáp, các đơn vị đặc biệt cũng như các phương tiện trên bộ và trên không. Israel cam kết đảm bảo an ninh cho công dân của mình, sự an toàn và phúc lợi của họ”.

Cùng ngày, lực lượng Hamas đã liên tục nã rocket về phía Israel sau khi cảnh báo người dân ở thành phố cảng miền Nam Ashkelon của Israel phải sơ tán trước 5h chiều theo giờ địa phương. Theo Liên Hợp Quốc, hơn 200.000 người tại dải Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa, con số lớn nhất kể từ sau cuộc tấn công trên không và trên bộ của Israel năm 2014 khiến khoảng 400.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Xung đột cũng gây thiệt hại lớn đối với các cơ sở hạ tầng cấp nước và vệ sinh, khiến 400 nghìn người tại dải Gaza không thể tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu. Các nhóm nhân đạo đã kêu gọi thiết lập các hành lang nhân đạo để đưa viện trợ vào dải Gaza.

Chính phủ nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đang thúc đẩy các nỗ lực nhằm hạ nhiệt xung đột leo thang giữa Israel và Hamas. Ai Cập, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị làm trung gian hòa giải, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tái khẳng định sự cần thiết phải có "một lệnh ngừng bắn ngay lập tức" và "nối lại đàm phán". Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Joseph Borrell cùng ngày nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hướng tới một nền hòa bình lâu dài và bền vững thông qua những nỗ lực trong tiến trình hòa bình Trung Đông:

“Chúng ta phải tăng cường hợp tác và khôi phục kế hoạch hòa bình Arab. Những diễn biến hiện nay là lời nhắc nhở với thế giới rằng, vấn đề Palestine vẫn tồn tại, rằng việc tạo dựng hòa bình giữa các nước Arab và Israel là cần thiết, nhưng hòa bình cũng phải được thực hiện với người Palestine. Nếu không giải quyết được tất cả những vấn đề này, chu kỳ bạo lực sẽ còn tiếp diễn”.

Liêm minh châu Âu dự kiến sẽ họp khẩn trong ngày hôm nay tại Oman để thảo luận về cuộc xung đột Israel và Phong trào vũ trang Hamas. Các nhà ngoại giao hàng đầu Israel và chính quyền Palestine cũng đã được mời tham dự cuộc họp này.

Thu Hoài/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/israel-canh-bao-tan-cong-toan-dien-dai-gaza-quoc-te-no-luc-ha-nhiet-post1051828.vov