IS mở màn chương chết chóc mới ở Afghanistan

Taliban từng hứa đảm bảo an ninh cho các nhóm thiểu số ở Afghanistan, nhưng hàng loạt vụ tấn công gần đây cho thấy họ một lần nữa không thể hoặc không muốn giữ lời hứa.

Chỉ trong hai tuần từ ngày 18/4 tới ngày 1/5, chín vụ đánh bom liên tiếp xảy ra tại Afghanistan, chủ yếu nhắm vào các nhóm sắc dân thiểu số, làm chết ít nhất 100 người, theo dữ liệu từ bệnh viện.

Chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Afghanistan - được gọi là Nhà nước Hồi giáo Khorasan, hay ISIS-K, chỉ nhận trách nhiệm đối với 4 trong 7 vụ nổ lớn, theo SITE Intelligence Group, nhóm chuyên theo dõi các tổ chức cực đoan. Nhưng các vụ tấn công khác cũng có đặc điểm tương tự những vụ tấn công trước đây của ISIS-K.

“Thủ phạm tấn công đang cố gắng tạo đà cho tâm lý bất an để thể hiện rằng chúng không thể bị ngăn cản ngay cả khi Taliban nắm quyền”, Faiz Zaland, nhà phân tích chính trị tại Kabul, thủ đô Afghanistan, nói với Washington Post.

Hiện trường vụ nổ làm chết ít nhất 31 người tại thánh đường Shia ở Mazar-e Sharif, Afghanistan vào ngày 21/4. Ảnh: Shutterstock.

Taliban và ISIS-K đều tấn công người thiểu số

Tuy thù địch nhau, Taliban và ISIS-K đều được coi là nhóm cực đoan Hồi giáo dòng Sunni. Cả hai đều có cách diễn giải nghiêm ngặt đối với luật Sharia và coi những người Hồi giáo dòng Shia là phần tử bội giáo. Dù vậy, ISIS-K có tư tưởng cực đoan hơn và có biện pháp tàn bạo hơn.

Trong lịch sử Afghanistan, các nhóm thiểu số như người Hazara, nhóm thiểu số chủ yếu theo Hồi giáo dòng Shia, từ lâu đã bị đẩy ra rìa xã hội với rất ít cơ hội được học tập hoặc làm việc.

Taliban cũng từng tấn công người Shia tại Afghanistan, đặc biệt là trong giai đoạn cai trị đầu tiên vào cuối thập niên 1990. Trước khi lên nắm quyền vào tháng 8/2021, phong trào này tuyên bố chính quyền mới sẽ bảo vệ mọi nhóm thiểu số tại Afghanistan.

Tuy nhiên, theo tổ chức Ân xá Quốc tế, Taliban đứng sau cái chết của hàng chục người Hazara trong vòng 8 tháng qua, cũng như cưỡng ép trục xuất người Hazara ra khỏi nơi ở trên diện rộng.

Bên cạnh đó, chính quyền Taliban còn không thể hoặc không nỗ lực bảo vệ các nhóm thiểu số trước sự tấn công của những lực lượng cực đoan khác như ISIS-K, theo Asfandyar Mir, chuyên gia cấp cao thuộc Viện Hòa bình Mỹ, nói với Vox.

Một học sinh bị thương trong cuộc tấn công vào trường học tại khu vực có nhiều người Shia sinh sống ở Kabul. Ảnh: AFP.

“Khi bị thúc ép về vấn đề quyền lợi và đời sống kinh tế của người Afghanistan, Taliban thường cự lại và nhắc đến việc mình có khả năng đảm bảo an ninh cho mọi người Afghanistan, bao gồm người thiểu số”, ông Mir nói.

“Nhưng dưới sự kiểm soát của Taliban, các nhóm thiểu số dễ tổn thương, đặc biệt là người Hazara, vẫn là một trong những mục tiêu chính của hành động bạo lực”, ông Mir nhận định.

Kể từ khi lên nắm quyền, Taliban đã có đợt trấn áp ISIS-K kéo dài nhiều tháng. Nhưng ông Mir cho rằng trong chiến dịch này, Taliban đã đổ cho người vô tội là thành viên ISIS-K, cũng như trấn áp cộng đồng người Hồi giáo theo dòng Salafi - xuất thân của nhiều thành viên ISIS-K.

Vì thế, chiến dịch trên đã không thể ngăn chặn hoạt động ngầm của ISIS-K, thậm chí là phản tác dụng và đẩy thêm nhiều người về phía đối phương, theo ông Mir.

Taliban được lợi từ đợt tấn công của ISIS-K?

Trong nhiều tháng mùa đông, số lượng cuộc tấn công của ISIS-K giảm rõ rệt, từ đó làm dấy lên hy vọng chiến dịch trấn áp của Taliban đã phát huy hiệu quả.

Thế nhưng, các cuộc tấn công lớn gần đây cướp đi mạng sống của nhiều dân thường cho thấy ISIS-K đã tận dụng mùa đông để chấn chỉnh đội ngũ cho đợt tấn công vào mùa xuân, theo New York Times.

Trả lời Vox, ông Mir nhận định đây là “quyết định có tính toán” của thủ lĩnh ISIS-K trong lúc nhóm này dò xét điểm yếu an ninh của chính phủ mới.

Đám đông tìm kiếm người thân bên ngoài một bệnh viện ở Kabul sau cuộc tấn vào trường học ở khu vực có đông người Hazara theo dòng Shia vào ngày 19/4. Ảnh: AFP.

Ông Mir cho rằng mùa chiến đấu thông thường ở Afghanistan là mùa xuân nên những đòn tấn công trong hai tuần qua có thể được hiểu như lời thông báo. Đó còn là dấu hiệu cho thấy tình trạng bạo lực sẽ còn tiếp diễn.

“Những cuộc tấn công này không phải mới. Việc giết hại người Hazara đã diễn ra trong nhiều năm”, Shamayela Tawana - một trong số hàng trăm người biểu tình hôm 22/4 tại khu Dasht-i-Barchi, nơi có đông người Shia sinh sống - nói. Ba ngày trước, nơi đây liên tiếp có 2 vụ đánh bom, khiến 9 người chết, chủ yếu là trẻ em.

“Chúng tôi có lỗi lầm gì? Có tội tình gì?”, chị Tawana hỏi. “Tại sao chính quyền mới không thể bảo vệ chúng tôi?”.

Trong một bài đăng Twitter hôm 22/4, Zabihullah Mujahid, người phát ngôn chính quyền Taliban, lên án đợt đánh bom vừa xảy ra. “Thủ phạm sẽ sớm bị bắt và trừng phạt vì hành động độc ác của mình”, ông Mujahid hứa.

Nhưng theo Washington Post, một số người Afghanistan và các nhà quan sát nghi ngờ sự chân thành cũng như khả năng bảo vệ người dân của Taliban. Chưa đầy một tháng trước đó, quan chức quân sự Taliban còn tổ chức buổi lễ tôn vinh những phần tử đánh bom liều chết.

Những người này còn cho rằng để có được hỗ trợ quốc tế, chính quyền Taliban có thể sẽ chậm ra tay để kiểm soát đối thủ.

“Ở một phương diện nào đó, những vụ tấn công này sẽ giúp cho Taliban. Taliban không mạnh trong việc quản trị tốt đất nước và họ không thể thực hiện điều ấy”, Davood Moradian, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Afghanistan có trụ sở tại London, nhận định.

“Taliban đang nói với thế giới rằng ‘chúng tôi là khủng bố tốt và các bạn cần công nhận, ủng hộ chúng tôi nếu muốn chống lại khủng bố xấu’”, ông Moradian nói.

Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/is-mo-man-chuong-chet-choc-moi-o-afghanistan-post1314288.html