Iran ứng phó với các lệnh trừng phạt bằng tiền điện tử như thế nào?

Theo hãng thông tấn Tasnim của Iran, Iran vừa có động thái mang tính đột phá khi thực hiện hợp đồng nhập khẩu lần đầu tiên bằng tiền điện tử, cho thấy quốc gia này nỗ lực tìm cách lách lệnh trừng phạt của phương Tây.

Đồng tiền điện tử Bitcoin. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng tiền điện tử Bitcoin. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang oilprice.com, ông Alireza Peyman-Pak, Thứ trưởng Công nghiệp, Mỏ và Thương mại Iran cho biết: “Đăng ký cho đơn hàng nhập khẩu chính thức đầu tiên trị giá 10 triệu USD đã hoàn tất thành công bằng tiền điện tử. Ông Peyman-Pak không nói thêm chi tiết về giao dịch này, ví dụ như loại tiền điện tử nào đã được sử dụng hoặc nguồn nhập khẩu từ đâu.

Đơn hàng nhập khẩu 10 triệu USD trong tuần trước chỉ là bước khởi đầu khi Iran nỗ lực lách các lệnh trừng phạt và theo đuổi quan hệ thương mại với các nền kinh tế khác cũng bị Mỹ trừng phạt. Ông Peyman-Pak cho biết: “Tới cuối tháng 9, tiền điện tử và hợp đồng thông minh sẽ được sử dụng rộng rãi trong ngoại thương với các quốc gia nhất định”.

Khi Mỹ và các đồng minh phương Tây tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran và một số quốc gia, các nước này đang hành động tích cực để tạo ra các phương tiện thực hiện thương mại mới mà không phải là đồng USD.

Tháng trước, Bộ trưởng Kinh tế Iran Ehsan Khandouzi thông báo rằng đồng ruble đã chính thức thay thế đồng USD trong thương mại giữa Iran với Nga và các bên đang tiến hành thay thế đồng USD trong kinh doanh với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ. Nga và Iran cũng đang thiết kế giải pháp thay thế cho dịch vụ tin nhắn thanh toán SWIFT – vốn phổ biến trong thương mại toàn cầu nhưng thường được các nước dùng như một vũ khí trừng phạt bằng cách chặn quyền tiếp cận.

Trong một báo cáo năm 2021, công ty phân tích chuỗi khối Elliptic ước tính rằng 4,5% tổng số hoạt động khai thác bitcoin trên thế giới diễn ra ở Iran. Iran đã thiết lập chế độ cấp phép cho các công ty khai thác tiền điện tử vào năm 2019. Iran chỉ yêu cầu đăng ký, thanh toán một khoản phụ phí tiền điện vừa phải và tất cả bitcoin khai thác được phải bán cho Ngân hàng Trung ương Iran.

Tin tức về giao dịch nhập khẩu bằng tiền điện tử của Iran xuất hiện khi Liên minh châu Âu đã đưa ra đề xuất cuối cùng với Iran và Mỹ về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 mà cựu Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi.

Iran đã rút lại hai yêu cầu: Đó là Mỹ loại bỏ Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) khỏi danh sách các tổ chức khủng bố bị trừng phạt; Tổng thống Mỹ Joe Biden đảm bảo rằng tổng thống tương lai sẽ không từ bỏ thỏa thuận đã được phục hồi như ông Trump đã làm.

Tuy nhiên, Iran đã có thêm một yêu cầu mới: Đó là Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế hủy bỏ cuộc điều tra về urani được tìm thấy tại nhiều địa điểm nghiên cứu của Iran.

Đề xuất của Liên minh châu Âu được nhiều người coi là cơ hội cuối cùng để hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran.

Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian cho biết Iran sẽ phản hồi đê xuất cuối cùng của Liên minh châu Âu, đồng thời kêu gọi Mỹ linh hoạt trong việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân. Hãng tin Fars dẫn lời ông Amirabdollahian nhấn mạnh: “Sẽ cần phải đàm phán thêm nếu Mỹ không linh hoạt trong việc giải quyết các vấn đề còn tồn đọng... Giống như Washington, chúng tôi có kế hoạch B của riêng mình nếu đàm phán thất bại”.

Vòng thương lượng thứ 8 về khôi phục thỏa thuận hạt nhân đã được nối lại mới đây tại Vienna hôm 4/8, lần đầu tiên kể từ tháng 3 năm nay.

Trong bối cảnh Iran lo ngại người chiến thắng trong cuộc bầu cử 2024 ở Mỹ có thể là một thành viên đảng Cộng hòa, nước này đang tích cực tìm kiếm doanh thu từ thương mại không sử dụng đồng USD.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/iran-ung-pho-voi-cac-lenh-trung-phat-bang-tien-dien-tu-nhu-the-nao-20220816083525708.htm