Iran hành quyết cựu Thứ trưởng Quốc phòng, vì sao Anh, Pháp 'nổi giận'?

Quan hệ Anh-Iran nổi sóng sau vụ Tehran hành quyết cựu Thứ trưởng Quốc phòng Alireza Akbari vì tội làm gián điệp cho London.

Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Alireza Akbari đã bị xử tử bất chấp sự phản đối của Anh. (Nguồn: AP)

Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Alireza Akbari đã bị xử tử bất chấp sự phản đối của Anh. (Nguồn: AP)

Truyền thông Iran ngày 14/1 đưa tin, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Iran Alireza Akbari đã bị xử tử sau khi Tòa án kết tội làm gián điệp.

Đáng chú ý, người này còn có quốc tịch Anh và được Bộ Tình báo Iran xác định là một trong những điệp viên quan trọng nhất của Cơ quan tình báo Anh (MI6) làm việc tại các cơ sở “trọng yếu” tại Iran.

Theo báo Mizan, ông Akbari được cho là đã nhận tổng cộng hơn 2 triệu USD (trong đó có 1,805 triệu Euro, 265.000 bảng Anh và 50.000 USD) cho nhiệm vụ gián điệp. Ông này bị bắt vào năm 2019 trong một chiến dịch phản gián của Iran.

Ngay sau vụ hành quyết, Thủ tướng Anh Rishi Sunak bày tỏ "kinh hoàng". Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, ông khẳng định đây là “một hành động nhẫn tâm và hèn nhát" của một chế độ "không tôn trọng nhân quyền của chính người dân mình".

Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh James Cleverly nhấn mạnh, "hành động man rợ này đáng bị lên án bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất. Chúng ta sẽ không bỏ qua hành động này".

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Anh cho biết, London sẽ tạm thời rút Đại sứ Anh tại Tehran, đồng thời đang cân nhắc triển khai những hành động tiếp theo "sau khi tham khảo ý kiến các đồng nghiệp trong chính phủ".

Trước đó, cuối ngày 13/1, ông James Cleverly kêu gọi Iran không thực hiện bản án.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ tình đoàn kết với Anh khi lên án vụ hành quyết ông Akbari, 61 tuổi là hành động ghê tởm và man rợ.

Theo tuyên bố ngày 14/1 của Bộ Ngoại giao Pháp, Ngoại trưởng Catherine Colonna đã triệu Đại biện lâm thời của Iran tại Paris tới để phản đối việc Tehran hành quyết cựu Thứ trưởng Alizera Akbari với cáo buộc làm gián điệp.

Tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi cảnh báo với phía Iran rằng việc nước này liên tục vi phạm luật pháp quốc tế sẽ hứng chịu đòn trừng phạt, đặc biệt là hành vi đối xử với công dân nước ngoài, những người bị bắt giữ một cách tùy tiện".

Cũng trong ngày 14/1, Mỹ đã bày tỏ sự “kinh hoàng” trước vụ việc và ủng hộ lời kêu gọi của Anh về việc quy trách nhiệm cho nước Cộng hòa Hồi giáo.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định “chúng tôi luôn sát cánh với chính phủ Anh trong việc lên án vụ hành quyết này, một hành vi mang động cơ chính trị và bất công”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Iran ngày 14/1 đã triệu Đại sứ Anh Simon Shercliff tới để phản đối “hành động can thiệp trái nguyên tắc” của London vào công việc nội bộ của Tehran.

Theo thông cáo được đăng tải trên trang web của bộ trên, Vụ trưởng Vụ Tây Âu thuộc Bộ Ngoại giao Iran đã trao cho Đại sứ Anh công hàm phản đối “những hành động phá hoại” của London.

Khi đề cập “những thông tin rõ ràng về cái bẫy mà phía Anh đã giăng ra đối với ông Alireza Akbari”, vị quan chức ngoại giao Iran khẳng định London “phải chịu trách nhiệm đối với những hành vi dính líu trái nguyên tắc dẫn đến vụ xâm phạm an ninh quốc gia" của Iran.

Theo ông, “sự hỗ trợ phi lý và mang tính chất gây hại” của chính phủ Anh “dành cho một tên gián điệp đã đi ngược với những tuyên bố về việc xây dựng mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau” và Tehran sẽ không nhân nhượng đối với chính sách tiếp tục thực hiện những hành động “phi pháp và vô đạo đức” như vậy.

Mối quan hệ giữa Anh và Iran đã xấu đi trong những tháng gần đây khi nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 bị đình trệ.

Hồng Phúc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/iran-hanh-quyet-cuu-thu-truong-quoc-phong-vi-sao-anh-phap-noi-gian-213453.html