Iran đã 'độ lại' tên lửa tầm xa của Triều Tiên như thế nào?

Loại tên lửa đạn đạo mạnh nhất của Iran là Khorramshahr; đây thực chất là tên lửa Musudan của Triều Tiên, nhưng đã được Iran 'độ lại', cho phù hợp với các yêu cầu tác chiến của Iran tại khu vực Trung Đông.

Tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan của Triều Tiên, còn được gọi là Hwasong-10 hoặc BM-25, lần đầu tiên được thử nghiệm công khai để trực chiến trong Lực lượng tên lửa chiến lược Triều Tiên vào giữa năm 2016, với tư cách là một trong những loại tên lửa đầu tiên, của thế hệ vũ khí chiến lược mới.

Musudan tiên tiến hơn so với các loại tên lửa Hwasong-12, Hwasong-14, Hwasong-15 và Pukkuksong-2; những tên lửa này đều được phát triển trên cơ sở các công nghệ tên lửa cơ bản đầu tiên, đánh dấu giai đoạn đầu của chương trình tên lửa của đất nước, như Rodong-1, KN-02 Tochka và nguyên mẫu Taepodong-1 từ những năm 1990.

Tên lửa Musudan được thiết kế để có thể mang nhiều đầu đạn, có tầm bắn khoảng 4.000km. Với tầm bắn như vậy, đã đặt căn cứ Không quân Andersen của Không quân Mỹ trên đảo Guam và Căn cứ Hải quân Guam gần đó, trong tầm đe dọa của loại tên lửa này.

Nên biết rằng, cả hai căn cứ trên của Mỹ chỉ cách lãnh thổ Triều Tiên 3.400km và cả hai căn cứ quân sự trên đảo Guam đều rất quan trọng đối với Quân đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Tầm quan trọng càng tăng, khi quân số và vũ khí trang bị của Mỹ, ngày càng được tập trung ở đó.

Một căn cứ hải quân Mỹ quan trọng khác là căn cứ đóng quân của Hạm đội 7 tại Yokosuka (Nhật Bản), cũng nằm trong tầm bắn của tên lửa Musudan. Với khả năng mang nhiều đầu đạn, Musudan thừa sức áp đảo hệ thống phòng không của Mỹ, dù Triều Tiên chỉ cần phóng một tên lửa.

Vào năm 2017, một đồng minh của Triều Tiên là Iran đã công bố loại tên lửa tầm trung của họ, đó là tên lửa Khorramshahr. Có thể khẳng định, Khorramshahr là anh em “sinh đôi” với loại tên lửa tầm trung Musudan của Triều Tiên.

Tên lửa của Iran, được đặt theo tên thành phố cảng Khorramshahr, gần biên giới Iraq, nơi diễn ra một trong những trận đánh quan trọng nhất của lịch sử Iran hiện đại. Khi đó, Lực lượng Vệ binh Cách mạng của Iran, đã giành chiến thắng trước Quân đội Iraq, bắt giữ 19.000 tù binh Iraq.

Tên lửa Khorramshahr đã giúp cách mạng hóa các cuộc tấn công tầm xa của Iran đến một mức độ lớn hơn nhiều, so với bất kỳ loại tên lửa đạn đạo được đưa vào sử dụng trong những năm gần đây. Với tầm bắn xa và khả năng mang nhiều đầu đạn, có thể tiến công các mục tiêu trên toàn bộ khu vực Trung Đông và xa hơn nữa.

Tên lửa Khorramshahr, có khả năng đã được Iran “độ” lại trực tiếp từ phiên bản Musudan của Triều Tiên, nhưng được rút ngắn tầm bắn, so với “bản gốc” Musudan. Tầm bắn của Khorramshahr chỉ trong khoảng 2.000km đến 2.500km, phù hợp với đặc điểm tác chiến của Iran.

Theo Tư lệnh Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Iran, Chuẩn tướng Amir Ali Hajizadeh, loại tên lửa Khorramshahr của Iran so với tên lửa Musudan của Triều Tiên nhỏ hơn về kích thước và tính chiến thuật cao hơn. Điều này có thể phần nào giải thích được tầm bắn giảm đi của tên lửa.

Tầm bắn giảm của tên lửa Khorramshahr giảm so với Musudan có thể vì các lý do, một là do các lực lượng vũ trang Iran tuyên bố giảm tầm bắn, để tránh gây lo lắng cho các nhà lãnh đạo châu Âu, khi Iran tìm kiếm sự ủng hộ của châu Âu vào thời điểm đó.

Với tầm bắn của Khorramshahr trong khoảng 2.500 km, nếu trận địa tên lửa Khorramshahr được triển khai từ miền trung Iran, thì hầu hết các thủ đô lớn của châu Âu, đều nằm ngoài tầm bắn của loại tên lửa này.

Giả thuyết thứ hai là Iran tập trung chủ yếu vào các lực lượng trong khu vực, hơn là đe dọa các quốc gia châu Âu, cụ thể là Israel và các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập và các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực. Vì vậy Iran đã yêu cầu một biến thể sửa đổi của Musudan, với đầu đạn nặng hơn nhưng tầm bắn ngắn hơn.

Các tên lửa Khorramshahr hiện đang được sử dụng, được cho là sản xuất tại Iran và được Triều Tiên chuyển giao công nghệ; nhưng một số bộ phận chủ chốt vẫn sản xuất ở Triều Tiên. Hiện phương Tây vẫn tranh cãi, liệu tên lửa Khorramshahr có được sản xuất tại Triều Tiên hay tại Iran, thì còn phải xem xét.

Iran có một lịch sử lâu dài, trong việc mua lại các thiết kế tên lửa của Triều Tiên, kể cả những phiên bản tên lửa thử nghiệm của Triều Tiên, hoặc mua toàn bộ dây chuyền và giấy phép để sản xuất tên lửa trong nước. Tên lửa đạn đạo có nguồn gốc Triều Tiên, đã tạo nên phần lớn năng lực tên lửa đạn đạo của Iran ngày nay.

Các tên lửa đạn đạo của Iran hiện nay bao gồm số tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng tầm ngắn như Hwasong-5 và Hwasong-6, được Triều Tiên phát triển từ những năm 1980, được đưa vào biên chế của Iran với tên gọi Shahab-1 và Shahab-2; đến loại Fateh 110 hiện đại hơn, được cho là sao chép từ tên lửa nhiên liệu rắn KN-02 Toksa của Triều Tiên.

Do Không quân Iran thiếu khả năng tấn công tầm xa, đồng nghĩa với việc tấn công tầm xa của Iran, phải trông chờ vào lực lượng tên lửa đạn đạo. Tên lửa Khorramshahr được cho là có thiết kế hiện đại hơn nhiều so với tên lửa Shahab-3, khi Khorramshahr có thể mang lại đầu đạn lớn hơn, khả năng sống sót cao hơn.

Các mục tiêu tiềm tàng của tên lửa Khorramshahr tại khu vực Trung Đông rất nhiều; nhưng ngoài Mỹ và Israel có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo Iran, các nước thù địch khác của Iran, khó có thể chống đỡ đòn tiến công bằng tên lửa đạn đạo của nước này. Thậm chí ngay cả Mỹ và Israel, cũng khó đánh chặn tên lửa Khorramshahr. Nguồn ảnh: Pinterest.

Triều Tiên phóng thử nghiệm thành công tên lửa Hwasong-12 - lời cảnh báo cứng rắn dành cho Mỹ và đồng minh. Nguồn: KCNA.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/iran-da-do-lai-ten-lua-tam-xa-cua-trieu-tien-nhu-the-nao-1541042.html