Indonesia thành lập Tổng công ty mía đường thuộc sở hữu nhà nước

Indonesia vừa thành lập Tổng công ty chế biến mía đường thuộc sở hữu nhà nước SugarCo nhằm mục đích gia tăng sản lượng trong nước và giảm thiểu nhập khẩu trong dài hạn.

Sản xuất đường tại một naahf máy ở Indonesia. Nguồn ảnh: liputan6.com

Sản xuất đường tại một naahf máy ở Indonesia. Nguồn ảnh: liputan6.com

SugarCo - tên gọi chính thức là PT Sinergi Gula Nusantara - do Tập đoàn trồng trọt quốc gia PT Perkebunan Nusantara III (PTPN III) quy tụ 35 nhà máy đường vốn thuộc 7 công ty con của PTPN III.

Trước đó hồi năm 2014, Chính phủ Indonesia đã sáp nhập 13 PTPN với các sản phẩm, hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau và tổng giá trị tài sản 69.300 tỷ rupiah (4,86 tỷ USD) vào PTPN III.

Phát biểu tại phiên điều trần trước Hạ viện, Chủ tịch - Tổng giám đốc PTPN III, ông Muhammad Abdul Gani, cho biết: “Tổng thống ủng hộ thành lập SugarCo. Tổng công ty mới sẽ gia tăng sản lượng, cải thiện phúc lợi của nông dân và ổn định giá đường trong nước”. SugarCo sẽ chịu trách nhiệm chế biến toàn bộ mía đường của PTPN III.

Indonesia từng là nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới sau Cuba vào những năm 1930, khi quốc gia Đông Nam Á này còn nằm dưới chế độ thuộc địa, song đã trở thành một trong năm nước nhập khẩu đường hàng đầu thế giới trong một thập kỷ qua.

Nhập khẩu đường của Indonesia ngày càng tăng do tiêu thụ trong nước cao, cộng với sản lượng sụt giảm hàng năm.

Số liệu của PTPN cho thấy sản lượng đường trong nước đạt 2,13 triệu tấn vào năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức tiêu thụ 6,9 triệu tấn, trong đó một nửa dùng trong các hộ gia đình và nửa còn lại dùng trong công nghiệp.

Để bù đắp cho mức thâm hụt này, Indonesia đã tăng nhập khẩu đường gấp ba lần trong hai thập kỷ qua, đạt 5,53 triệu tấn vào năm 2020.

Chính phủ đang tìm cách giảm nhập khẩu bằng cách xây dựng các nhà máy đường mới và nâng cao sản lượng mía đường trong nước.

PTPN III đặt mục tiêu nâng công suất sản xuất đường của SugarCo từ mức 0,8 triệu tấn trong năm nay lên 1,8 triệu tấn vào năm 2024 và 2,6 triệu tấn vào năm 2030 nhằm góp phần giảm thâm hụt cán cân thương mại.

SugarCo kỳ vọng các nhà máy mới sẽ giúp Indonesia tự cung tự cấp đường ăn, song thừa nhận rằng việc đạt được khả năng tự chủ hoàn toàn là “quá khó”, do các yêu cầu cao hơn đối với sản xuất đường công nghiệp.

Tại phiên điều trần, PTPN III đã trình bày kế hoạch bán 49% cổ phần của SugarCo cho các nhà đầu tư tư nhân và vẫn nắm cổ phần chi phối. Số tiền thu được sẽ được sử dụng để mở rộng hoạt động kinh doanh đường.

PTPN III có kế hoạch xây dựng 5 nhà máy mới vào năm 2024, với chi phí ước tính khoảng 20.000 tỷ rupiah. Hầu hết các nhà máy của Tập đoàn này có tuổi đời 150-200 năm với công suất nhỏ, dẫn đến hoạt động kém hiệu quả.

PTPN III cũng có kế hoạch cải thiện sinh kế cho nông dân bằng cách cung cấp miễn phí cho họ các giống mía chất lượng cao.

Theo ông Gani, vào những năm 1930, năng suất mía trồng đạt khoảng 15 tấn/ha/năm song hiện giảm xuống còn 5 tấn do lợi nhuận sụt giảm.

Thu nhập ròng trung bình của nông dân trồng mía cũng giảm từ mức 63,2 triệu rupiah/ha vào những năm 1930 xuống còn 3,7 triệu rupiah hiện nay (tính theo giá hiện hành).

Ông Gani nhấn mạnh: “Chúng tôi đặt mục tiêu thu nhập ròng của nông dân là hơn 11 triệu rupiah/ha, bằng với mức trung bình của nông dân trồng lúa để nhiều nông dân quay trở lại trồng mía”. PTPN III cũng đặt mục tiêu nâng thu nhập ròng của nông dân trồng mía lên khoảng 21,2 triệu rupiah/ha vào năm 2024 với việc tăng năng suất mía lên ít nhất 10 tấn/ha.

Việc thành lập SugarCo cũng là một phần trong chiến lược tái cấu trúc của PTPN III. Tính đến tháng Một năm nay, Tập đoàn này đã nợ 50.300 tỷ rupiah của 50 chủ nợ, trong đó khoảng 80% đã được tái cơ cấu.

Ngoài kinh doanh đường, PTPN III cũng có kế hoạch mở rộng kinh doanh dầu cọ, trà và cà phê, đồng thời giảm danh mục đầu tư trồng cao su.

Chuyên gia nông nghiệp Khudori thuộc Hiệp hội Kinh tế Chính trị Indonesia (AEPI) cho rằng việc hợp nhất này phù hợp với kế hoạch của chính phủ từ những năm 2000 nhằm hồi sinh các nhà máy đường thuộc sở hữu nhà nước, cho phép họ cạnh tranh tốt hơn với khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, việc loại các nhà máy đường thuộc sở hữu của công ty PT Rajawali Nusantara Indonesia (RNI) ra khỏi SugarCo sẽ khiến việc hợp nhất này “dở dang”, qua đó hạn chế tác động của kế hoạch tái cơ cấu.

Về phần mình, Vụ trưởng Cây trồng và Gia vị Hendratmojo Bagus Hudoro cho biết, SugarCo được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy canh tác mía và hồi sinh các nhà máy đường đang già cỗi của đất nước.

Hiện các công ty quốc doanh kiểm soát khoảng 47,56% tổng diện tích trồng mía, trong khi tư nhân kiểm soát phần còn lại./.

Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Jakarta)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/indonesia-thanh-lap-tong-cong-ty-mia-duong-thuoc-so-huu-nha-nuoc/213989.html