Indonesia khẳng định minh bạch trong giải quyết lo ngại khói mù xuyên biên giới

Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia cho biết nước này vẫn luôn sử dụng dữ liệu mở, các nước có thể truy cập dễ dàng để xác định liệu có khói mù vượt qua biên giới lãnh thổ Indonesia sang các nước láng giềng hay không. Tuyên bố của Indonesia đưa ra sau khi Malaysia kêu gọi Indonesia nỗ lực ngăn chặn khói mù do cháy rừng và cháy than bùn lan sang lãnh thổ nước này.

Theo bà Laksmi Dhewanthi, người đứng đầu Cơ quan kiểm soát biến đổi khí hậu của Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia, nước này giải quyết vấn đề dựa trên khoa học và dữ liệu.

7 tỉnh ở Indonesia hiện đã ban bố tình trạng ứng phó khẩn cấp đối với cháy rừng và cháy đất. Nguồn: VOI

7 tỉnh ở Indonesia hiện đã ban bố tình trạng ứng phó khẩn cấp đối với cháy rừng và cháy đất. Nguồn: VOI

Theo dữ liệu từ Trung tâm Khí tượng chuyên ngành ASEAN ở Singapore và hình ảnh của vệ tinh Himawari do Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia vận hành, tính đến sáng 7/10, không phát hiện thấy khói mù nào vượt qua biên giới sang các nước láng giềng mặc dù một số tỉnh của Indonesia hiện đang ghi nhận các vụ cháy rừng và than bùn. Ngoài ra các dữ liệu cũng mở, minh bạch, cho phép tất cả các bên xác nhận liệu khói mù có vượt qua biên giới quốc tế hay không.

Đề cập việc Chính phủ Malaysia đề nghị giúp Indonesia xử lý cháy rừng, bà Laksmi Dhewanthi cho biết cả hai nước đều là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nên có thể tham khảo Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới. Dựa trên thỏa thuận, các nước ASEAN có thể hợp tác để giải quyết tình trạng khói mù xuyên biên giới, bao gồm giám sát, đánh giá và phòng ngừa, cũng như thực hiện các biện pháp ứng phó khẩn cấp ở cấp quốc gia và khu vực. Thỏa thuận cũng nêu ra các thủ tục để các nước ASEAN hợp tác về nhân sự, vật liệu và thiết bị cần thiết cho mục đích này. Bà cho biết, tất cả các nước ASEAN đều phải tham khảo cùng một nguồn dữ liệu và thực hiện hợp tác dựa trên cơ chế đã được thống nhất.

Theo thỏa thuận ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, quốc gia có thẩm quyền sẽ hành động trước tiên để dập tắt đám cháy. Khi chính quyền quốc gia ban bố tình trạng khẩn cấp, họ có thể đưa ra yêu cầu Trung tâm ASEAN cung cấp hỗ trợ.

7 tỉnh ở Indonesia hiện đã ban bố tình trạng ứng phó khẩn cấp đối với cháy rừng và cháy than bùn. Để ngăn chặn cháy rừng và cháy than bùn trở thành thảm họa tái diễn hàng năm, chính phủ Indonesia cũng đã đưa ra 3 giải pháp bao gồm phân tích thời tiết và khí hậu, tăng cường năng lực của lực lượng tác chiến tại hiện trường và cải thiện quản lý thiên tai.

Phạm Hà/VOV-Jakarta

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/indonesia-khang-dinh-minh-bach-trong-giai-quyet-lo-ngai-khoi-mu-xuyen-bien-gioi-post1051122.vov