IMF nói gì về số liệu tăng trưởng 'cao khó tin' của nền kinh tế Nga?

Kinh tế Nga được thông báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ quốc gia phương Tây nào trong năm 2024, tuy nhiên đằng sau số liệu đó là gì?

Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới vừa được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố đã cho thấy nhiều thông tin rất thú vị, đặc biệt là về nền kinh tế Nga.

Theo số liệu mà IMF đưa ra, đến cuối năm 2024, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Nga sẽ đạt 3,2%, nhanh hơn đáng kể so với Mỹ (2,7%), Anh (0,5%), Đức (0,2 %) và Pháp (0,7%).

"Dự báo như vậy nghe có vẻ rất khó chịu đối với tập thể các quốc gia phương Tây đang tìm cách cô lập nền kinh tế và trừng phạt Nga vì cuộc chiến Ukraine”, cổng thông tin chuyên về kinh doanh CNBC nhấn mạnh.

Chính quyền Nga nhiều lần khẳng định các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với một số ngành công nghiệp chủ chốt của nước này chỉ khiến họ trở nên độc lập hơn, trong khi tiêu dùng tư nhân và đầu tư trong nước vẫn mạnh.

Ngoài ra việc tiếp tục xuất khẩu dầu thô sang các nước như Ấn Độ và Trung Quốc, cũng như những biện pháp hiệu quả để “lách” lệnh trừng phạt, kết hợp với giá năng lượng lên cao đã cho phép Nga duy trì doanh thu tốt từ xuất khẩu dầu khí và nhiều loại hàng hóa khác.

Các chuyên gia phân tích của IMF còn chỉ ra một thực tế đó là tổ hợp công nghiệp quân sự Nga cũng đã mở rộng đáng kể chi tiêu cho quốc phòng, dẫn tới khối lượng sản xuất vũ khí tăng vọt.

Cuối cùng, Nga đã thích nghi thành công với những “điều kiện mới” khi nền kinh tế nước này phần lớn đã được chuyển sang chế độ thời chiến. Tuy nhiên IMF dự đoán vào năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nga sẽ chậm lại đáng kể.

Nhưng số liệu trên về nền kinh tế Nga cũng khiến nhiều người nghi ngờ, và trang CNBC đã phải nhắc lại tuyên bố của người đứng đầu IMF - bà Kristalina Georgieva, được đưa ra vào tháng 2 năm nay tại hội nghị thượng đỉnh kinh tế tổ chức ở Dubai.

Theo bà Georgieva, dữ liệu về tăng trưởng kinh tế Nga phần lớn chỉ ra con số có được là nhờ “huy động quân sự”, trong đó nhà nước tích cực đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng, chỉ duy trì mức sống tối thiểu cho phần lớn người dân.

"Nếu bạn nhìn vào nước Nga, ngày nay sản xuất vũ khí nhằm đáp ứng yêu cầu từ chiến trường và giới quân sự đang tăng lên, nhưng mức tiêu thụ lại đang giảm. Đây là những gì giống như dưới thời Liên Xô: Sản xuất cao, tiêu thụ thấp", bà Georgieva lưu ý.

Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga - bà Elvira Nabiullina trong bài phát biểu trước Duma Quốc gia đã nói rằng nền kinh tế Nga “tiếp tục tăng trưởng với tốc độ ấn tượng”, mặc dù sản xuất “bị hạn chế bởi tình trạng thiếu lao động”.

Bà Nabiullina đã khéo léo không đề cập đến mức lương thực tế được quy định cho “lực lượng lao động” ở Nga (đặc biệt là tại các tỉnh xa), nhưng bày tỏ sự lạc quan về tỷ lệ lạm phát ở Nga (7,7% trong tháng 3/2024).

Cuối cùng, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga nói rằng theo quan điểm của bà, “thời điểm khó khăn nhất đã qua, mặc dù con số này cao hơn nhiều so với mức lạm phát mục tiêu đó là 4%.

Như đã thấy ở trên, đang có những số liệu cũng như quan điểm khác nhau về bức tranh kinh tế Nga, mọi việc nhiều khả năng chỉ được làm sáng tỏ trong vài năm nữa.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/imf-noi-gi-ve-so-lieu-tang-truong-cao-kho-tin-cua-nen-kinh-te-nga-post573906.antd