IFC nâng gấp đôi hạn mức tài trợ thương mại cho Ngân hàng SeABank (SSB)

Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng mức tài trợ thương mại trong năm 2024 cho Ngân hàng SeABank (mã cổ phiếu SSB) lên gấp đôi.

IFC đã nâng hạn mức tài trợ thương mại năm nay cho Ngân hàng SeABank lên gấp đôi.

Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) vừa quyết định nâng hạn mức tài trợ thương mại cho Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Ngân hàng SeABank, mã cổ phiếu SSB - sàn HoSE) trong khuôn khổ chương trình Tài trợ thương mại toàn cầu (GTFP) lên mức 40 triệu USD.

Con số này gấp đôi mức được IFC phân bổ khi Ngân hàng SeABank chính thức tham gia chương trình GTFP hồi năm 2021. Chương trình GTFP của IFC là nhằm cung cấp bảo lãnh thanh toán dành cho các ngân hàng từ các nước đang phát triển nhằm giúp các ngân hàng đối phó với các rủi ro liên quan tới quá trình thanh toán thương mại tại các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam.

Hiện tại, tổng số tiền IFC và 5 quỹ đầu tư quốc tế gồm Banque Internationale de Commerce-BRED, BlueOrchard Microfinance Fund, KASIKORNBANK PCL, OPEC và ResponsAbility Investments AG đầu tư cho SeABank lên tới gần 400 triệu USD và dự kiến sẽ được tiếp tục được tăng cường trong thời gian tới.

Trong năm ngoái, Ngân hàng SeABank cũng đã được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tăng gấp đôi hạn mức tài trợ thương mại lên 60 triệu USD.

Đại diện Ngân hàng SeABank cho biết, sau khi tham gia chương trình GTFP, Ngân hàng đã đẩy mạnh phát triển mạng lưới đối tác toàn cầu, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng thương mại cho các doanh nghiệp trong nước.

Trong hai năm qua với nguồn vốn từ chương trình, Ngân hàng SeABank đã hỗ trợ hiệu quả cho các khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong nỗ lực thu hẹp mức thiếu hụt tài chính.

Trong khi đó, đại diện IFC cho biết, quyết định tăng hạn mức tài trợ thương mại phản ánh hiệu quả sử dụng vốn và triển vọng tăng trưởng bền vững của Ngân hàng SeABank.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu SSB của Ngân hàng SeABank từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Bên cạnh việc cấp hạn mức tài trợ thương mại, trong những năm qua IFC cũng liên tục cấp vốn đầu tư cho Ngân hàng SeABank nhằm hỗ trợ các chiến lược phát triển và nâng cao khả năng tiếp cận tài chính, vay vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, đồng thời đẩy mạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế tốt nhất trong quản lý rủi ro môi trường và xã hội, chống biến đổi khí hậu.

Xét về kết quả kinh doanh, trong năm 2023, Ngân hàng SeABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 4.616 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 13,03%.

Bên cạnh đó, ngân hàng này ghi nhận loạt chỉ số kinh doanh tăng trưởng tốt, gồm: tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 11,5% - cao hơn so với các năm trước; dư nợ và huy động vốn tăng trưởng lần lượt 16,7% và 25,3% so với 2022; tỷ lệ dự trữ thanh khoản nhanh đạt 20,2%.

Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối năm 2023 của Ngân hàng SeABank được kiểm soát chỉ ở mức 1,94% nhờ việc kiểm soát, thu hồi nợ xấu, cũng như gia tăng bao phủ nợ xấu.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/ifc-nang-gap-doi-han-muc-tai-tro-thuong-mai-cho-ngan-hang-seabank-ssb-117897.htm