Ì ạch lập phương án sử dụng đất nông, lâm trường

Mỗi năm, tỉnh đều yêu cầu các địa phương phải lập phương án sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, hạn chế lấn chiếm dẫn đến mất an ninh trật tự. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện rất chậm.

Đất cao su do Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai đang quản lý, sử dụng. Ảnh: L.An

Hoàn chỉnh phương án để trình thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện tốt bàn giao đất nông, lâm trường về cho địa phương là yêu cầu đặt ra.

* Chưa có phương án hoàn chỉnh

Đồng Nai có nhiều nông, lâm trường quốc doanh, tổng công ty. Thực hiện chủ trương của Trung ương và của tỉnh về sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường, tổng công ty, nhiều diện tích đất nông nghiệp được thu hồi, bàn giao về cho địa phương quản lý.

Theo Sở TN-MT, trên địa bàn tỉnh có 37 khu đất nông, lâm trường không sử dụng bàn giao về cho địa phương quản lý. Năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo chọn 3 khu đất là: khu đất 71ha thu hồi của Nông trường Cao su Hàng Gòn (H.Cẩm Mỹ), khu đất hơn 541ha thu hồi của Sư đoàn 302 (H.Xuân Lộc) và khu đất 2.646ha thu hồi của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà (H.Định Quán) làm điểm xây dựng phương án sử dụng đất, nhưng đến nay chưa có địa phương nào trình để thẩm định, phê duyệt.

Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Nguyễn Văn Linh cho biết, quản lý đất nguồn gốc từ nông, lâm trường đang là vướng mắc lớn của địa phương. Điển hình như khu đất của Nông trường Thọ Vực tại xã Xuân Bắc, đến nay đơn vị quản lý chưa bàn giao về cho địa phương. Tại nông trường này có xảy ra xây dựng nhà ở (từ trước năm 2005) nhưng khi đó không được phát hiện kịp thời. Hiện tại, việc xử phạt vi phạm hành chính và buộc khôi phục hiện trạng rất khó. UBND huyện đã đăng ký làm việc với Sở TN-MT để tìm giải pháp xử lý.

Đối với khu đất thu hồi của Sư đoàn 302 được tỉnh chọn làm điểm, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng lập phương án và đang bổ sung các thông tin theo yêu cầu của Sở TN-MT. Các nông trường khác như: Suối Cao, Cọ Dầu…, huyện đang chờ phương án điểm của tỉnh, trên cơ sở đó tiếp tục xây dựng phương án sử dụng đất.

Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Cao Tài cho biết, huyện đã hoàn thành xây dựng phương án sử dụng đối với 3 khu đất tại các xã: Mã Đà, Phú Lý và Hiếu Liêm (đều nhận bàn giao từ Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai). Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện phương án nếu được thông qua là rất khó. Ông Tài dẫn chứng, thửa đất được quy hoạch đất ở nhưng khi nhận bàn giao và hiện trạng đang là đất nông nghiệp, như vậy sẽ có cách hiểu khác nhau về phù hợp quy hoạch với phương án được duyệt.

“Huyện đã xây dựng xong các phương án, đã lấy ý kiến người dân và tiếp thu giải trình. Có thể trong tháng 2-2024 này, huyện sẽ trình Sở TN-MT thẩm định, nhưng để thực hiện được rất khó” - Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Cao Tài thông tin.

Theo Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm và thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở việc lập phương án sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Sở TN-MT cũng đã có các văn bản hướng dẫn, nhắc nhở song đến nay chưa nhận được phương án hoàn chỉnh nào từ các địa phương để tổ chức họp thẩm định, tham mưu UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

* Lập, phê duyệt trong năm 2024?

Năm 2015, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 112/2015/QH13 về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng. Nghị quyết yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính và hồ sơ ranh giới sử dụng đất; thực hiện thủ tục cho thuê đất, thu tiền thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho phần đất giữ lại của các nông, lâm trường. Cùng với đó, tiếp nhận và có phương án sử dụng quỹ đất được bàn giao về cho địa phương.

Khu rừng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà (H.Định Quán) đang quản lý, sử dụng

Việc xây dựng và tổ chức thực hiện phương án sử dụng đất bàn giao về cho địa phương là giải pháp để khai thác tối đa giá trị đất, hạn chế tình trạng tranh chấp, lấn chiếm; đồng thời, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện kéo dài, phức tạp.

Trong báo cáo tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, Sở TN-MT cho biết, năm qua đã tổ chức làm việc với 4 đơn vị là: Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, Công ty CP Mía đường La Ngà, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà để hướng dẫn việc lập phương án sử dụng đất; rà soát, xử lý các vấn đề liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Năm 2024, Sở TN-MT sẽ tập trung xử lý các tồn tại liên quan đến đất nông, lâm trường. Cụ thể, tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ địa phương đẩy nhanh việc lập, thẩm định phương án sử dụng đất đối với các khu đất thu hồi, bàn giao cho địa phương quản lý. Đôn đốc, theo dõi, giám sát việc đo đạc, cắm mốc và phấn đấu cơ bản hoàn thành việc rà soát phương án sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các nông, lâm trường theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, Đồng Nai có quỹ đất công lớn, trong đó có quỹ đất của các nông, lâm trường bàn giao về cho địa phương quản lý. Việc xây dựng phương án sử dụng các khu đất này là để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế các tranh chấp, vi phạm. Các địa phương, nhất là 3 địa phương có khu đất được chọn xây dựng phương án điểm phải tích cực hơn, phối hợp với Sở TN-MT làm kỹ phương án quản lý, sử dụng đất. Phương án phải phân loại được nguồn gốc, thời gian, đối tượng sử dụng và quy hoạch hiện tại. Việc này xử lý càng sớm càng đỡ phức tạp. Sở TN-MT hướng dẫn, hỗ trợ địa phương hoàn thiện phương án sử dụng đất trình UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức thực hiện.

Lê An

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202402/i-ach-lap-phuong-an-su-dung-dat-nong-lam-truong-a4d50c9/