Hy vọng hồi sinh của Bali

Nhiều người dân Bali tin rằng việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 tại đây sẽ thúc đẩy ngành du lịch của hòn đảo phục hồi nhanh chóng hơn sau đại dịch.

Dọc trên các con phố Bali, đặc biệt là khu vực Nusa Dua và Kota những ngày gần đây, banner và các biển quảng cáo lớn ngoài trời quảng bá về Hội nghị thượng đỉnh các nước G20 treo dày đặc.

Sự kiện với sự tham gia của hàng chục nguyên thủ quốc gia và hàng nghìn chức sắc nước ngoài ngay từ đầu đã được dự đoán sẽ tạo ra một điểm khởi sắc phục hồi du lịch quốc tế của hòn đảo nổi tiếng.

Ngay cả người dân nơi đây - những người chủ yếu sống dựa vào ngành du lịch - cũng tỏ ra hào hứng với sự kiện, bởi họ tin rằng G20 có thể tạo nên bước ngoặt giúp vực dậy nhanh hơn ngành du lịch của hòn đảo đang phục hồi chậm chạp sau Covid-19.

“Tôi cho rằng G20 là một cơ hội tốt để Indonesia quảng bá du lịch, và việc các nhà lãnh đạo thế giới tụ họp tại đây sẽ có thể mang khách du lịch trở lại với chúng tôi nhiều hơn, như trước khi đại dịch diễn ra”, anh Ibenk, một nhân viên truyền hình ở Bali, nói với Zing.

Phục hồi chậm chạp sau đại dịch

Bali chính thức đón khách quốc tế với các biện pháp Covid-19 nới lỏng kể từ đầu tháng 3. Dù đã mở cửa từ tháng 10 năm ngoái, khách quốc tế đến đây rất nhỏ giọt do vẫn còn những quy định kiểm dịch chặt chẽ.

Được biết đến với các bãi biển nổi tiếng, đền thờ, công trình kiến trúc đặc trưng, thác nước và cuộc sống về đêm, Bali đã thu hút 6,2 triệu du khách nước ngoài vào năm 2019, một năm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, theo Reuters.

Phóng viên Zing phỏng vấn anh Ibenk, một nhân viên truyền hình ở Bali đang quay video liên quan đến sự kiện G20 trên đường phố hôm 15/11. Ảnh: Ngân Phạm.

Với việc du lịch thường chiếm hơn 50% nền kinh tế của Bali, nhiều người dân trên đảo đã rất mong muốn thấy khách du lịch quay trở lại nhanh hơn.

Tuy nhiên, tính đến tháng 10 năm nay, chỉ hơn 1,5 triệu du khách nước ngoài và 3,1 triệu du khách trong nước đã đến thăm Bali.

“Chúng tôi đã bước vào ‘bình thường mới’ được vài tháng, nhưng Bali vẫn chưa trở về đúng với sự bình thường vốn có của nó”, Kevin, một tài xế xe công nghệ địa phương nói với Zing khi lái xe trên con đường mà anh mô tả là vẫn chưa đông đúc như trước đại dịch.

“Chúng chỉ đông hơn vài ngày gần đây, khi hội nghị G20 diễn ra và phái đoàn từ các nước đổ về”, anh nói thêm.

Đồng ý kiến với Kevin, anh Ibenk mô tả Bali như “một thành phố chết” trong đại dịch vì không có khách du lịch, và dù đã hồi sinh, tốc độ vẫn khá chậm.

“Chúng tôi dựa vào du lịch là chủ yếu, không có khách, hòn đảo trở nên hoang tàn với rất nhiều hàng quán phải đóng cửa, một số thậm chí không thể mở cửa trở lại sau đại dịch”, anh nói.

Allan Alquas, nhân viên một tiệm trà sữa ở Kota, Bali, cho biết dù tiệm nằm trong một khu dân cư đông đúc, khách hàng đến đây ít hơn so với hồi trước dịch. Anh cho rằng một phần nguyên nhân do không có nhiều khách du lịch như trước đây.

Trong khi đó, Kalki, một sinh viên 18 tuổi, chia sẻ mình vẫn chưa thấy được những hình ảnh quen thuộc nhất của một Bali đông đúc, với các khách sạn, địa điểm vui chơi, nhà hàng và đường phố luôn tấp nập du khách.

Allan Alquas và các nhân viên khác trong một tiệm trà sữa ở Bali. Ảnh: Ngân Phạm, Hồng Ngọc.

“Khi Covid-19 ập đến, nơi đây giống như một thế giới không người. Bây giờ mọi thứ đã tốt hơn nhưng hòn đảo vẫn chưa trở lại như cũ”, Kalki mô tả.

Aftari, nhân viên một nhà hàng món Việt và Thái tại Bali, có cái nhìn lạc quan hơn. Cô cho biết nhà hàng cô làm việc chỉ mới mở từ sau đại dịch, nhưng cũng có một số lượng khách ổn định. “Chúng tôi có khoảng 50-60 lượt thực khách mỗi ngày, chủ yếu là khách du lịch ngoại quốc và chỉ có một số ít là người dân địa phương”.

Aftari nói rằng số lượng này không nhiều, nhưng cũng đủ để cho thấy khách quốc tế đang dần trở lại hòn đảo thiên đường du lịch của Indonesia.

Trên báo chí địa phương, lạm phát ở Indonesia được cho là một trong những nguyên nhân khiến kinh tế Bali phục hồi chậm.

Cơ quan Thống kê Trung ương (BPS) của Indonesia hồi đầu tháng 10 cho biết lạm phát trong nước đã tăng trong tháng 9 do giá nhiên liệu được tăng.

Theo cơ quan, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 5,95% trong tháng 9 so với cùng tháng năm ngoái. Đây là tỷ lệ lạm phát cao nhất kể từ tháng 10 năm 2015. Vào tháng 8, tỷ lệ lạm phát là 4,69%, Jakarta Globe đưa tin.

Tuy nhiên, tất cả người dân mà Zing phỏng vấn được ở Bali đều nói rằng họ không quá lo ngại về lạm phát mà lo thiếu khách du lịch hơn.

Aftari và một góc nhà hàng món Việt và Thái nơi cô làm việc ở Bali. Ảnh: Ngân Phạm.

Alquas và Kalki nói rằng họ nhận thấy xăng tăng rõ rệt nhất, khiến một số mặt hàng tăng giá theo nhưng không đáng lo ngại. Trong khi đó, anh Ibenk không cảm thấy có bất kỳ lo lắng nào về vật giá tại Bali hiện tại. Những người khác cho biết chưa thấy lạm phát rõ rệt tới mức họ cần để tâm.

Hy vọng cho khởi đầu mới

Là một nhân viên truyền hình, Ibenk nhận thấy hình ảnh của Bali nói riêng và Indonesia nói chung có thể được biết đến nhiều hơn nhờ các hoạt động quảng bá cho Hội nghị Thượng đỉnh G20, và nhờ vậy du lịch sẽ được thúc đẩy.

“Tôi hy vọng Bali sẽ sớm trở lại như ban đầu, một hòn đảo yên bình có sức hút vô tận với du khách quốc tế. Tôi mong sự kiện G20 lần này sẽ làm được nhiệm vụ của nó là giúp cho khách du lịch trở lại Bali như trước đại dịch vậy”, anh nói với Zing, đồng quan điểm với những người khác.

Dewa Made Indra, quan chức khu vực của tỉnh Bali, cho biết việc mở lại sân bay Bali cho các chuyến bay quốc tế, cùng với việc hàng nghìn người đến tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 và các sự kiện liên quan khác đã thổi thêm hy vọng về một sự thay đổi mạnh mẽ hơn trong việc phục hồi du lịch Bali, đặc biệt là đối với các khách sạn và địa điểm du lịch tổ chức hội nghị cũng như các sự kiện bên lề, theo AP.

Kevin, tài xế xe công nghệ địa phương, lạc quan về cơ hội mà G20 có thể mang lại cho hòn đảo. Ảnh: Ngân Phạm.

Gede Wirata - người đã phải cắt giảm hầu hết trong số 4.000 nhân viên trong các khách sạn, nhà hàng, câu lạc bộ và một chiếc tàu du lịch của mình trong thời gian đại dịch - nhận thấy rằng G20 là thời điểm tốt để thúc đẩy phục hồi.

“Đây là cơ hội để chúng tôi vực dậy trở lại sau những sụp đổ”, ông nói.

Tại nhà hàng món Việt và Thái ở Bali, Aftari mong đợi mình có thể đón nhiều thực khách hơn sau hội nghị G20.

Melly, một nhân viên nhà hàng thường phục vụ khách châu Âu, cho biết nhà hàng của cô đã mở cửa trở lại từ tháng 4 mà đã đón được lượng khách đáng kể mỗi ngày dù chưa bằng lúc trước đại dịch. Cô hy vọng khi sự kiện G20 lần này kết thúc, nhà hàng của cô có thể đón nhiều khách hàng hơn nữa.

Trong khi đó, Kalki, sinh viên, hy vọng mình sẽ sớm nhìn thấy một Bali đông vui, sôi động, trở lại. “Tôi hy vọng G20 sẽ là một khởi đầu mới, thúc đẩy hơn nữa bình thường mới tại hòn đảo, đúng như chủ đề chính của hội nghị là ‘Recover stronger’, nghĩa là phục hồi mạnh mẽ hơn”.

Những ánh mắt khắp thế giới đang tập trung vào Bali Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 15/11 đã khai mạc hội nghị thượng đỉnh G20, nói rằng "những ánh mắt của thế giới" đang tập trung vào cuộc họp lần này.

Hồng Ngọc

từ Bali, Indonesia

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hy-vong-hoi-sinh-cua-bali-post1375602.html