Hy Lạp cảm thấy đơn độc trong việc giải quyết áp lực di cư

Với việc xây dựng các trại tị nạn có tường bao quanh và nhiều biện pháp kiểm soát biên giới khắt khe hơn, Hy Lạp đang nỗ lực thắt chặt lối vào nước này trước khi lượng người di cư kéo đến vào mùa hè, bất chấp những lời chỉ trích từ các nhóm viện trợ, viện dẫn lý do họ có rất ít lựa chọn do thiếu sự ủng hộ từ phần còn lại của châu Âu.

Ảnh chụp những người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp năm 2016. (Ảnh: EuraCtiv)

Năm ngoái, Hy Lạp đã bác bỏ các cáo buộc lặp đi lặp lại về việc "đối xử không phù hợp" với những người di cư, và việc đã dùng nhiều biện pháp đẩy lùi thuyền của dòng người di cư trở lại Thổ Nhĩ Kỳ khi đang trên biển, lẫn khi đã cập bờ phần đất của Hy Lạp.

Bộ trưởng Bộ Di trú Hy Lạp Notis Mitarachi cho biết chính phủ nước này đang thực hiện một cách tiếp cận cứng rắn hơn, nhằm tránh gửi sai thông điệp khuyến khích người di cư tiếp tục đổ về Hy Lạp: "Chính sách của chúng tôi nghiêm ngặt nhưng công bằng."

Hy Lạp là tiền tuyến của cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu vào năm 2015, khi một triệu người tị nạn từ Syria, Iraq và Afghanistan kéo đến. Số người đến xin tị nạn tại đây đã tăng chậm lại đáng kể sau này, nhưng Hy Lạp cho biết họ vẫn còn gánh nặng.

Tại trại tị nạn Ritsona, các dấu hiệu của chính sách nghiêm ngặt hơn có thể nhìn thấy rõ. Trại được rào bằng bê tông, giống như một thị trấn nhỏ có tường bao quanh, với các cửa hàng tạp hóa tạm bợ, một tiệm bán thịt và một quán cà phê. Nhưng đối với nhiều người xin tị nạn, nó giống như một nhà tù.

Liban, người đã rời khỏi Somalia vào năm 2018 do hạn hán và xung đột khiến một nửa dân số không có đủ thức ăn, nước uống hoặc chỗ ở, cho biết: "Trước đây, chúng tôi ở trong một nhà tù vô hình. Bây giờ, thì là một nhà tù hữu hình". Hiện, đơn xin tị nạn của anh vẫn đang chờ xử lý.

Athens cho biết các biện pháp thắt chặt sẽ giúp các trại an toàn hơn, nhưng các nhóm viện trợ nhân đạo cho rằng việc này càng làm tổn thương sâu sắc những người vốn đã bị tổn thương bởi chiến tranh và xung đột. Ủy viên Nhân quyền của Hội đồng Châu Âu đã thúc giục Hy Lạp xem xét lại các chính sách của mình.

Tổ chức từ thiện y tế Medecins Sans Frontieres (MSF) cho biết một "cuộc khủng hoảng nhân đạo do chính sách định hướng" đang diễn ra trên năm hòn đảo gần Thổ Nhĩ Kỳ, nơi họ điều trị cho hơn 1.300 người, một phần ba trong số đó là trẻ em gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần. Giám đốc MSF tại Hy Lạp Christina Psarra nói: “Nỗi ám ảnh về sự răn đe và kiểm soát, đồng thời không đầu tư vào hội nhập chỉ gây ra nỗi đau và không gì khác”.

Hy Lạp đã thúc đẩy các nước EU ủng hộ thông qua đề xuất sửa đổi các quy tắc di cư của EU. "Chúng tôi vẫn cảm thấy mình đơn độc trong việc giải quyết những áp lực từ di cư."

Amir là một thanh niên 17 tuổi người Afghanistan, cậu đã học tiếng Hy Lạp kể từ khi đến Ritsona 18 tháng trước và muốn trở thành bác sĩ. Cậu cho biết mình cảm thấy "bị ngăn cách bởi những bức tường mà họ đã xây dựng."

Hy Lạp cho biết các chính sách của mình đang cho thấy kết quả. Theo Bộ Di trú, dòng chảy di cư đã giảm 68%. Số người trong các trại đã giảm 71% kể từ tháng 5 năm ngoái. Nhưng với sự bất ổn ở Syria, xung đột ở Somalia và Taliban đang gia tăng, động lực di cư vẫn rất mạnh mẽ.

Vào tháng 6, Hy Lạp đã ban hành quyết định nhận định Thổ Nhĩ Kỳ là "quốc gia an toàn", khiến yêu cầu xin tị nạn của những người đến từ Thổ Nhĩ Kỳ khó được chấp thuận hơn.

Quỳnh Hoa

Theo Reuters

Nguồn Ngày Nay: https://ngaynay.vn/hy-lap-cam-thay-don-doc-trong-viec-giai-quyet-ap-luc-di-cu-post109030.html