Huyền thoại trái tim hóa đá Trương Chi - Mỵ Nương

Viết về bi kịch tình yêu, nền văn học nhân loại đã sáng tạo một mô-típ độc đáo: Tình yêu 'bất đăng đối' (Hoàng tử cóc). Điển hình trong các tác phẩm kinh điển như Thằng gù nhà thờ Đức Bà (Victor Hugo), Romeo và juliet (William Shakespeare)...Hệ thống truyện cổ Việt Nam cũng có rất nhiều bản kể kiểu mô-típ này, trong đó có Truyện tình Trương Chi - Mỵ Nương (Thể loại cổ tích tình cảm).

Truyện kể rằng, Mỵ Nương- một tiểu thư lầu son gác tía, sống trong sự bủa vây của nhung lụa, ít tiếp xúc với cuộc sống đời thường. Hàng ngày từ cửa phòng nàng vén rèm nhìn ra dòng sông đều thấy một con thuyền nhẹ trôi cùng tiếng sáo buồn man mác. Tiếng sáo nao lòng đó đã làm Mỵ Nương phút chốc rung động. Thế rồi chiều nào nàng cũng lặng nghe với nỗi xao xuyến trong lòng. Bất chợt ngày nọ sáo bặt tiếng im hơi, nàng rơi vào trầm uất đến nỗi những vị danh y nổi tiếng đều tỏ ra bất lực trước bệnh trạng của nàng. Sau một thời gian tiếng sáo buồn lại du dương vang vọng, Mỵ Nương dần hồi phục tâm tính, rồi tiếp tục lặp lại sự tỉnh- mê của nàng theo tiếng sáo lúc ẩn lúc hiện. Biết được con gái vì si tình mà tâm sinh tương luyến, ảo não, u sầu, quan ông cho mời người hát sáo trên sông.

Dù thân xác có tiêu tan nhưng anh hồn Trương Chi-con người đích thực của chàng đã kết thành khối ngọc đá. Ảnh internet.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên vì ngoại hình xấu xí của chàng trai mà Mỵ Nương hụt hẫng và tỉnh mộng yêu đương. Còn oái ăm thay, chàng dân chài lại phải lòng nhan sắc của cô tiểu thư đài các và mang theo mối tình tuyệt vọng lầm lũi ra về. Chàng buồn tủi cho thân phận của mình và biết rằng tình tan mộng vỡ, nhưng vẫn cố chấp mang tình yêu đầu đời xuống cõi hoàng tuyền để chờ kiếp sau đặng "gương vỡ lại lành". Trong đau thương buồn nhớ, Trương Chi đã lâm trọng bệnh và gục ngã. Không còn nghe tiếng sáo nao lòng và biết tin Chàng thuyền chài đã chết, Mỵ Nương lại bồi hồi, xao xuyến, bất chợt trong lòng buồn hận, xót thương bởi mánh khóe sắp đặt tàn nhẫn của con tạo.

Ba năm sau, người nhà liệm kết nấm mồ chàng Trương thấy xương tàn cốt rụi nhưng riêng trái tim chàng đã hóa thành cẩm thạch lấp lánh. Thân nhân vì tiếc thương đã lấy đá ngọc gắn đầu mũi thuyền, quan đại thần (cha Mỵ Nương) tình cờ qua sông thấy viên đá quý đã mua về, thuê thợ đẽo gọt thành chén thưởng trà mỹ diệu. Mỗi ngày hễ rót nước vào thì đáy chén thấp thoáng hình ảnh người lái thuyền trên sông. Mỵ Nương nghe chuyện, vội đòi xem, rót trà vào chén thì thấy kí ức hiện về, bên tai vẳng tiếng sáo của một thời đã ru hồn vào mộng. Lòng thương cảm trào dâng, bất giác lệ chảy vào chén ngọc, phút chốc chén hóa thành nước tan ngay trên tay "thiếu phụ".

Trái tim hóa đá đựng giọt nước mắt cảm thông thì tan biến, mối tình ngang trái đã có kết quả xứng đáng. Câu chuyện kết thúc, mở ra một đời sống thẩm mỹ đầy nhân bản.

Nhạc sáo buồn văng vẳng trên sông có vô số người nghe thấy, nhưng chỉ có một người hiểu được tiếng lòng của người thổi, giống như tích xưa truyện cũ Bá Nha- Tử Kì. Thế nhưng, câu chuyện thời Xuân thu đó, thì mọi thứ rất dễ giải quyết. Khi hai tâm hồn đồng điệu về nghệ thuật không còn có sự thưởng thức, thì đập vỡ cây đàn là xong. Nhưng tiếng sáo Trương Chi đã đi vào tâm tư, tình cảm của một người con gái chưa từng được yêu, cho nên đã nung chảy một ngọn lửa cảm ái chưa từng được trải nghiệm. Còn người thổi sáo, thanh âm là tiếng lòng, mà trong con mắt thế nhân thì ngoại hình xấu xí khó lòng được chấp nhận khi đi đôi với sự trắng trong, trinh bạch của một nhan sắc tuyệt thế lại còn được sinh ra nơi cao sang quyền quý. Vẻ đẹp tài tử đích thực của chàngTrương lại không nằm nơi thân xác, nhưng oái ăm người đi vào cõi hồn chàng lại là một giai nhân. Tác giả dân gian đã giải quyết bi kịch không môn đăng hộ đối bằng việc đẩy sự lãng mạn thăng hoa đến tận cùng. Đưa chuyện tình trường tồn bất tử với hình ảnh trái tim hóa đá.

Chàng Trương không còn trải bến sông xưa mà họa nỗi cô đơn trong tiếng sáo, khi mảnh hồn trần không được chấp nhận nhất thể ở cõi trần gian, tình yêu chàng không dành cho sự hòa hợp thân xác, bằng nụ hôn trần thế, mà ở sự đồng tâm của hai linh hồn. Cho nên chàng đã hóa thân thành trạng thái khác, dù thân xác có tiêu tan nhưng anh hồn Trương Chi-con người đích thực của chàng đã kết thành khối ngọc đá. Chính trái tim đá như sự sẵn sàng thách thức với thiên thu, chờ đợi một khẳng định của giai nhân và khẳng định của Mỵ Nương là giọt nước mắt hồn nhiên, chân tình của một trái tim chưa một lần yêu rơi xuống chén ngọc. Khi bưng chén khóc, dư âm tiếng sáo của một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ đó vọng về. Nàng khóc khi thấy hình bóng của con thuyền trên sông và tiếng/ hình kẻ hải hành đã từng rung động mảnh tình trinh nữ khôi nguyên.

Ảnh tượng nghệ thuật trái tim hóa đá, có thể nói đã đẩy tình yêu lên một trạng thái tuyệt đối hóa, đẹp một mức vi diệu. Khi cõi thực thô sơ và sự hẹp hòi trong tư duy con người về sự phân tầng đẳng cấp không thể là mảnh đất để nẩy nở một khối tình mất đối xứng nơi xác và vật thì tình sẽ lên ngôi ở sự hóa thân thành trạng thái khác như một cách để trọn vẹn tồn tại và đẹp đẽ.

Hình tượng đá ở các tác phẩm văn học dân gian khác như hòn vọng phu chỉ dừng lại ở đá. Tượng đá rêu phong tuôn đổ hàng ngàn giọt nước mắt hàm chỉ nỗi lòng chinh phụ chờ chồng đến thành thạch cổ, cưỡng chống sức mài nghiệt ngã của thời gian. Tượng đá như một biểu tượng của cái thủy chung son sắt và cũng là một câu phán quyết mạnh mẽ về tội ác chiến tranh. Còn trái tim hóa đá của Trương Chi lại hóa thân hai lần. Để gặp gỡ được giọt lệ rơi trên đá thì chàng đã trở thành chén trà. Chén trà là biểu tượng của nghĩa phu thê, của tình yêu đôi lứa, của điều màchàng đang muốn hướng tới và đã hạnh nguyện khi gặp sự đồng điệu của thiếu phụ với giot lệ tương tình rơi vỡ và tan ra thành trăm sóng ngàn gió…

Tưởng chừng như đá mang cơ cấu chất thể cứng cỏi, lạnh lùng và đã chấp nhận sự xa cách, lạnh lẽo không còn chuyển lưu, thay đổi như nỗi đau bồng con ngàn năm đợi chồng nơi chiều quan tái của thiếu phụ. Nhưng đá chàng Trương lại hóa tạm thời để đợi thời cơ mà gặp lại cố nhân. Đây quả thực là một sáng tạo thẩm mỹ độc đáo của người xưa.

Khác với vở bi kịch tình yêu của nền văn học cổ điển Anh, hai kẻ tình si đã tìm đến cái chết và sự hi sinh của họ đã tạo nên một sự kiện vĩ đại: Hai gia tộc vốn hằn học hận thù từ ngàn đời đã bước qua “nấm mồ tình yêu” của đôi trẻ mà ôm nhau đi qua hiềm khích. Tác giả William Shakespeare đã đặt để mối tình vốn dĩ thuần túy của nam nữ thanh niên trong một niềm hi sinh cao cả, nhằm mục đích đi đến giá trị tải đạo sâu sắc, quen thuộc của văn học. Nhưng sáng tạo củatác giả dân gian Việt Nam lại mở ra một đời sống thẩm mỹ tuyệt vời hơn nữa cho tình yêu. Và trái tim hóa đá là sự theo đuổi đến cùng cho giá trị của yêu đương mà không phải là để tạo ra một hệ giá trị nào khác. Khi đã yêu thì bất chấp mọi sự phù hợp của lẽ thường, chỉ cần trái tim đồng điệu thì sẽ hẹn cùng nhau đến non mòn biển cạn. Sự hóa thân của Trương Chi chỉ vì hai chữ yêu, khao khát yêu và bảo vệ đến cùng tình đầu đẹp đẽ của mình. Cuối cùng thì tâm linh, tình nghĩa đã gặp nhau và thường hằng vĩnh cửu. Trái tim hóa đá để đợi chờ, giọt lệ là biểu tượng của ngọn lửa thề nguyền và rồi họ đã gặp nhau trong một cõi “siêu phàm”. Để rồi tan ra, hòa quyện và biến mất như cách để minh chứng cho tình yêu vượt qua mọi giới hạn; không chỉ là giới hạn của truyền thống, tín điều, định kiến, đạo đức, luân lý, giai tầng đẳng cấp… mà còn bất chấp quy luật âm dương cách biệt, vạn dặm quan san.

Ảnh tượng nghệ thuật trái tim hóa đá và giọt lệ cảm thông, đã nói lên giá trị đích thực của tình yêu, đó là sự hồn nhiên, quên mình và sự hòa nhập của tâm hồn. Cái chết ở đây chỉ là một sự chuyển hóa để đợi chờ và là thông điệp về sự tin tưởng vào kiếp lai sinh cùng sự vĩnh hằng của tình yêu chân chính, chứ không chỉ hoàn toàn chôn lấp trong nấm mồ như truyện tình của Anh gù Nhà thờ Đức Bà... Cách mở gút bi kịch với một tư tưởng tuyệt đẹp mà cổ kim chưa từng ai viết. Tình yêu đôi lứa khi hòa nhập về tâm hồn mới là sự đích thực vĩnh cửu. Quan điểm nhân văn và trí tuệ bậc thầy của tác giả Lạc Việt đã lý giải một cách nhân bản, đẹp đẽ về tình yêu, để lại nguồn cảm bất tận cho những sáng tạo nghệ thuật tiếp theo:"Mai ta chết dưới cội đào/ khóc thương xin nhỏ lệ vào thiên thu" (Phạm Thiên Thư).

Đời sống thẩm mỹ của tác phẩm vẫn đang tồn tại và tồn tại một cách đẹp đẽ. Cho thấy sự thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật của dân tộc ta với những cái nhìn độc đáo.Ở đây là cái nhìn vào cõi tinh thần, chạm sâu vào chiều sâu bi kịch để chuyển hóa nó thành những hình tượng nghệ thuật ảo diệu, lãng mạn, thi vị mà lấp lánh sự sống và khát vọng theo đuổi đến cùng cho những điều thấm thía. Đó chẳng phải là thân mệnh đã thắng thiên mệnh, trò chơi con tạo thiết kế cho đã cái “nư” để trêu ngươi con người đã bịchàng Trương phong phá bằng sự hóa đá để đợi chờ trường cửu cho ngày tái ngộ và đồng ý của giai nhân.

Trần Quốc Tuấn

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/huyen-thoai-trai-tim-hoa-da-truong-chi-my-nuong-a22253.html