Huyền thoại ban công an xã anh hùng đầu tiên của Tây Bắc

Ở ngã ba biên giới A Pa Chải, người Hà Nhì ngày ngày vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện huyền thoại về Ban Công an xã anh hùng đầu tiên của Tây Bắc. Truyền thống ấy đang được viết tiếp bởi rất nhiều con người thuộc thế hệ hôm nay...

Những năm qua, với chủ trương đưa công an chính quy về xã của Bộ Công an, lực lượng công an chính quy trên cả nước đã nỗ lực bám địa bàn, phát huy tốt vai trò là chỗ dựa tin cậy của quần chúng nhân dân, giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự; đồng thời triệt phá nhiều vụ việc, cảm hóa nhiều đối tượng lầm lỡ nhằm từng bước chuyển hóa địa bàn trọng điểm và khẳng định được hiệu quả mô hình công an xã chính quy, tạo dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân.

Tại hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện chủ trương xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy trên toàn quốc ngày 3/6/2022, theo số liệu báo cáo Công an các địa phương đã quyết liệt, bài bản, khoa học trong việc điều động, bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã. Đến nay, Công an 63/63 địa phương đã điều động hơn 48.000 cán bộ Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã tại 100% xã, thị trấn trên toàn quốc.

Trong những ngày cuối năm Quý Mão, nhóm phóng viên Báo Nhân Dân đã có chuyến đi thực tế tại các huyện vùng biên tỉnh Điện Biên để ghi nhận hiệu quả từ quyết sách đúng đắn này.

Khoang La San một chiều cuối năm…

Chủ tịch xã Sín Thầu Pờ Chinh Phạ khấp khởi đón chúng tôi vượt qua con dốc cuối cùng để vào bản. Sau gần 20 năm, sau cùng tôi cũng được gặp lại anh, người con trai của Trưởng ban Công an xã anh hùng đầu tiên của Tây Bắc.

Trong một chốc, những ký ức chưa từng phai về vùng đất huyền thoại, nơi đặt nét bút đầu tiên khi vẽ bản đồ nước Việt lại ùa về trong tôi một cách rõ nét.

MỞ ĐẤT BÊN CHÂN THẬP TẦNG ĐẠI SƠN

Vượt gần 250km từ thành phố Điện Biên Phủ theo những con đường quanh co, với vô số khúc cua tay áo cùng những đèo dốc nguy hiểm, chúng tôi đã đặt chân tới xã Sín Thầu trong một sáng giáp Tết. Đây là điểm cực Tây Tổ quốc, nơi mặt trời lặn sau cùng trên lãnh thổ Việt Nam. Từ xa, đỉnh Khoang La Sơn (Thập tầng đại sơn) đón cả đoàn trong cơn mưa ngày một nặng hạt.

Trong lần trở lại, Cực Tây đã đổi thay rất nhiều. Những ngầm, suối, dốc đứng được thay thế dần bằng một con đường trải nhựa thẳng tắp chạy dài từ trung tâm huyện lỵ. Điện về với dân bản. Trụ sở xã, trường học, trạm y tế xây dựng khang trang. Vết tích từ thời hạ sơn, mở đất chỉ còn được lưu lại trong ký ức của lớp người đi trước.

Sau nhiều năm trở lại, cực Tây Tổ quốc đã đổi thay diện mạo với những con đường phẳng lỳ chạy qua những ngầm, suối cũ...

Sau nhiều năm trở lại, cực Tây Tổ quốc đã đổi thay diện mạo với những con đường phẳng lỳ chạy qua những ngầm, suối cũ...

Ông Pờ Dần Xinh, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sín Thầu kể lại: Trước đây, Sín Thầu có tên gọi cũ là Xính Phình thuộc huyện Mường Tè, nằm cách tỉnh lỵ Lai Châu cũ hơn 300km. Sín Thầu nằm lọt thỏm giữa cả chục quả núi lớn. Muốn ra tỉnh, người dân đều phải cõng gạo, cõng muối đi bộ vượt núi, bơi sông cả mấy tuần trời.

Năm 1954, bộ đội ta giải phóng Mường Tè. Đến năm 1959, Đồn Công an vũ trang Leng Su Sìn được thành lập. Thiếu úy công an vũ trang, anh hùng Trần Văn Thọ đến giúp bà con trồng lúa, cai thuốc phiện và cùng các ông Pờ Pố Chừ (cụ thân sinh ông Pờ Dần Xinh), Pờ Xừ Pao, Lý Nhù Xá, Chang Pố Hừ thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở ngã ba biên giới với tên Trung Thầu.

Cụ Chừ sau đó nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sín Thầu trong nhiều năm, đồng thời cũng là người có công lớn trong việc vận động bà con về định cư tại vùng đất mới Sín Thầu.

Ông Pờ Dần Xinh, một người đảng viên kiên trung tại ngã ba biên giới vẫn chưa thể quên những câu chuyện về mở đất, mở bản của dân tộc Hà Nhì biên viễn.

Ông Pờ Dần Xinh, một người đảng viên kiên trung tại ngã ba biên giới vẫn chưa thể quên những câu chuyện về mở đất, mở bản của dân tộc Hà Nhì biên viễn.

Ngừng lại một lát, ông Pờ Dần Xinh tiếp lời: Trước đây, người Hà Nhì vốn chủ yếu quần tụ trên A Pa Chải và Tả Lao San, địa điểm cách trung tâm hành chính hiện tại chừng 8km. Lúc này, hoạt động giao thương chủ yếu thực hiện tại các đường biên, thông qua quan hệ thân tộc. Kinh tế nông nghiệp chưa phát triển do các triền đất trên cao không đủ màu mỡ. Trong khi đó, mảnh đất hiện là bản Tả Kố Khừ hiện tại lại vô cùng trù phú, thuận lợi để phát triển cây lúa.

“Nhận thấy điều này, ông cụ nhà tôi mới vận động bà con về Tả Kố Khừ xây dựng bản mới sát các con suối lớn như bây giờ”, ông Pờ Dần Xinh nhớ lại.

Chỉ ra dòng Mo Phí đang cạn nước dịp cuối năm, ông Sinh hồi tưởng: Ngày ấy, cá sông nhiều lắm, có cảm giác chỉ cần “vén nước” đã bắt được đầy cá tôm. Hươu, nai in dấu chân trên bờ cát. Hổ thi thoảng cũng từ rừng sâu trở về. Đất đai phì nhiêu nên lúa mọc tốt bời bời.

Ban đầu, khi cụ Chừ vận động bà con xuống vùng đất mới, người Hà Nhì vẫn còn nhiều nghi ngại. Gia tộc họ Pờ quyết định đi đầu, làm trước. Từ Tả Lao San, họ gồng gánh nhau về sát dòng Mo Phí. Rồi cấy cày, rồi chăn nuôi. Mấy vụ liền đều thuận lợi. Một căn nhà gỗ khang trang cũng được hình thành.

Một góc bản Tả Kố Khừ hôm nay.

Một góc bản Tả Kố Khừ hôm nay.

Không đành lòng nhìn đồng bào khốn khổ, một lần nữa, cụ Pờ Pố Chừ lại lên núi, kêu gọi mọi người về vùng đất hứa. Cụ kể cho họ nghe về Tả Kố Khừ, về những đàn trâu béo ních đang thả rông trên 7 ngọn đồi lân cận, về hạt thóc nảy mầm xanh mướt trên từng triền ruộng. Cụ bảo, về đây, nước trong lành và đủ đầy như sữa mẹ.

Nghe chuyện, ai cũng mừng. Nhưng bảo chuyển nhà, họ lại e ngại. Lúc này, để việc “hạ sơn” được thuận, cụ Chừ lại tập hợp thanh niên xã, xin bộ đội giúp sức. Từ trên triền núi cao, người Hà Nhì nối hàng dài, dắt trâu, dắt lợn, địu lúa hướng về dòng Mo Phí đang chảy rì rầm.

Năm đó, những hộ đầu tiên đã về Tả Kố Khừ. Điều kiện tự nhiên thuận lợi dần dần khiến bà con tin hơn vào tương lai. Cũng từ đây, một chương mới đã được mở ra cho cả dân tộc Hà Nhì nơi ngã ba biên giới.

“Trong tiếng Hà Nhì, Sín Thầu nghĩa là mảnh đất mới. Còn Tả Kố Khừ có thể hiểu là con đường lớn. Từ bản trung tâm mảnh đất mới, có thể đi lên mốc số 0, cũng có thể ngược về huyện lỵ”, ông Xinh giải thích.

HUYỀN THOẠI BAN CÔNG AN XÃ ANH HÙNG Ở CỰC TÂY TỔ QUỐC

Mặc dù đã ổn định cuộc sống, nhưng nguy cơ với người Hà Nhì chưa dứt. Suốt trong nhiều năm, nạn phỉ vẫn hoành hành. Chúng liên tục chống phá, mở nhiều đợt tấn công, bắt và giết không ít cán bộ, đảng viên trong khu vực.

Lúc này, Pờ Xì Tài, con cả của cụ Pờ Pố Chừ được giao phụ trách Ban Công an xã Sín Thầu. Năm 1968, tỉnh Lai Châu quyết định mở chiến dịch phối hợp với lực lượng vũ trang nước bạn Lào nhằm chiến đấu tiêu diệt phỉ tại khu vực biên giới. Ban Công an xã Sín Thầu được lệnh lên đường tham gia chiến dịch cùng với các đơn vị vũ trang khác. Lực lượng ta chia thành nhiều mũi tổ chức tấn công liên tục trong nhiều tháng vào sào huyệt của phỉ; tiêu diệt và bắt sống gần 2.000 tên, thu hàng trăm súng các loại và nhiều tấn khí tài đạn dược, xóa sổ toàn bộ căn cứ phỉ đặc vụ sát nách Điện Biên...

Chủ tịch xã Pờ Chinh Phạ kể, khi còn nhỏ, anh vẫn được nghe cha kể về những ngày tiễu phỉ. Ban công an xã Sín Thầu hành quân cùng bộ đội, ăn rừng, ngủ suối để bám sát các mục tiêu được giao.

Anh Pờ Chinh Phạ (bên phải) là con trai của cụ Pờ Xì Tài. Hiện đang làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sín Thầu, ngay từ bé, anh đã được nghe những câu chuyện huyền thoại về cha mình trong những lần tiễu phỉ dọc đường biên.

Anh Pờ Chinh Phạ (bên phải) là con trai của cụ Pờ Xì Tài. Hiện đang làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sín Thầu, ngay từ bé, anh đã được nghe những câu chuyện huyền thoại về cha mình trong những lần tiễu phỉ dọc đường biên.

Có lần, Trung đội trưởng Pờ Xì Tài còn lập công lớn khi tiếp cận được thủ lĩnh của một toán phỉ. Sau nhiều ngày theo dõi, ông phát hiện nhóm phỉ có khoảng 20 tên đã xâm nhập về Sín Thầu. Cầm đầu là một người Hà Nhì ông vốn quen biết.

Sau nhiều ngày trinh sát, hôm đó, ông trực tiếp đóng giả người đi nương, đột nhập vào sào huyệt địch. Gặp lại bạn cũ, Pờ Xì Tài cất súng, ngồi… tâm tình. Nghe lời phân tích, thủ lĩnh toán phỉ đồng ý đầu hàng và tiết lộ nhiều tin tức quý giá về nơi đóng quân, trang bị vũ khí của các toán phỉ khác.

Cũng trong chiến dịch lịch sử ấy, riêng xã Sín Thầu đã cung cấp 2/3 số gạo phục vụ chiến đấu. Ban công an xã khi đó với 25 người lập nhiều chiến công xuất sắc. Năm 1973, Ban công an xã Sín Thầu được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên của toàn vùng Tây Bắc.

Bức ảnh ghi lại thời khắc khi Ban Công an xã Sín Thầu được nhận danh hiệu anh hùng.

Bức ảnh ghi lại thời khắc khi Ban Công an xã Sín Thầu được nhận danh hiệu anh hùng.

Về sau, nói về cuộc tiễu phỉ trên ngã ba biên giới, lịch sử Công an tỉnh Điện Biên ghi lại: “Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 1970, tỉnh Lai Châu đã huy động 7 đại đội dân quân du kích đi phục vụ chiến đấu tại chiến trường Lào, với gần 700 người, bằng 48.000 ngày công”.

Không chỉ giúp dân được bình an, trong nhiều năm, Pờ Xì Tài cũng trở thành “ngọn đuốc” vùng biên. Ông tham gia diệt giặc đói, vận động bà con đi học cái chữ để đuổi giặc dốt. Ông cũng tham gia tích cực vào phong trào cùng nhân dân bảo vệ quê hương, gìn giữ chế độ, phát triển sản xuất, đưa cuộc sống đi lên từng ngày. Năm 2013, Trưởng ban công an xã anh hùng Pờ Xì Tài mất sau cơn bạo bệnh, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng bào.

17 năm trước, trong lần đầu vào bản, tôi đã may mắn được gặp và trò chuyện cùng ông. Khi đó, dù đã cao tuổi, nhưng người đàn ông được ví như “con hùm” cao lớn, lưng rộng và chắc chắn như một thân cổ thụ trăm năm giữa rừng già. Ông vẫn có thể phăm phăm cày ruộng, đánh cá và đặc biệt mặn chuyện khi kể cho khách nghe những câu chuyện từ thời dựng đất.

Trong căn nhà cũ, những hiện vật của người Trưởng ban Công an xã anh hùng đầu tiên của Tây Bắc vẫn được lưu giữ vô cùng trang trọng.

Trong căn nhà cũ, những hiện vật của người Trưởng ban Công an xã anh hùng đầu tiên của Tây Bắc vẫn được lưu giữ vô cùng trang trọng.

Thời gian qua đi, ngôi nhà của ông vẫn nằm trên khoảng đất cũ nhìn thẳng ra suối Mồ Phí, nhưng hình bóng “ông hùm” Tây Bắc đã vắng. Những ký ức chỉ còn ùa về thông qua câu chuyện kể của người con trai Pờ Chinh Phạ.

Đi cùng chúng tôi, Thiếu tá Bùi Quang Khải, người vừa viết đơn tình nguyện lên cực Tây làm nhiệm vụ trong 2 năm không khỏi bồi hồi. Anh bảo: Tập thể Công an xã Sín Thầu sẽ noi gương các thế hệ đi trước, quyết tâm bảo vệ vững chắc an ninh biên giới, an ninh nông thôn, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Câu chuyện về Ban công an xã anh hùng đầu tiên của Tây Bắc chắc chắn vẫn sẽ được viết tiếp bởi những người hôm nay…

(Kỳ tiếp theo: Giữ bình yên cho cực Tây Tổ quốc)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/huyen-thoai-ban-cong-an-xa-anh-hung-dau-tien-cua-tay-bac-post795133.html