Huyện Tân Lạc: Phát triển sản xuất tạo thêm động lực xây dựng nông thôn mới

Không chỉ có cây ngô, su su lấy ngọn mà giờ đây, nhiều hộ gia đình ở xã vùng cao Quyết Chiến (Tân Lạc) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa nhiều loại giống mới vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Người dân xóm Bào, xã Thanh Hối (Tân Lạc) phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống.

Cuộc sống của gia đình anh Bùi Văn Hoàng, xóm Biệng, xã Quyết Chiến có sự đổi thay đáng kể từ khi mạnh dạn chuyển đổi hơn 2.500m2 đất trồng rau su su lấy ngọn sang trồng các loại rau an toàn, trong đó có giống củ cải trắng Song Jeong Hàn Quốc. Tuy là loại giống mới nhưng do phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên cây phát triển tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ từ 75 - 85 ngày có thể thu hoạch, năng suất bình quân đạt 45 - 50 tấn/ha/vụ, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chú trọng thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trên địa bàn huyện Tân Lạc xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, giúp người dân ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập, tạo thêm động lực xây dựng nông thôn mới (NTM). Điển hình như việc thay thế các loại giống mía cũ để trồng theo phương pháp nuôi cấy mô ở xã Mỹ Hòa; chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả bằng các loại cây trồng có giá trị cao hơn như mướp đắng, bí xanh lấy hạt, ớt... ở các xã: Nhân Mỹ, Lỗ Sơn, Do Nhân; chuyển đổi diện tích vườn tạp sang trồng các loại cây có múi ở các xã: Tử Nê, Đông Lai, Thanh Hối, Ngọc Mỹ... Đó là những điểm sáng về phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng NTM.

Được biết, để thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, huyện Tân Lạc đã triển khai các đề án: tái cơ cấu ngành trồng trọt, chăn nuôi, cải tạo vườn tạp, trồng rau sạch, trồng mía theo mô hình nuôi cấy mô, trồng bưởi, nuôi cá lồng theo hướng liên kết chuỗi, gắn sản xuất và tiêu thụ; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, chuyển dịch nhanh từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất… Từ đó, huyện từng bước hình thành các chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, đảm bảo cho người dân yên tâm sản xuất.

Thống kê hiện nay có 24 tập đoàn, công ty, doanh nghiệp đầu tư vào huyện, trong đó có 13 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ du lịch, thương mại và 2 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Trên địa bàn huyện có 11 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm nông - lâm nghiệp. Bên cạnh đó, 31 hợp tác xã tham gia khá tích cực vào chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp…

Những kết quả nổi bật trong phát triển sản xuất đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng phát triển hạ tầng KT-XH cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền. Tính đến hết tháng 9/2023, toàn huyện Tân Lạc có 10/15 xã đạt tiêu chí về giao thông; 14/15 xã đạt tiêu chí về thủy lợi và phòng, chống thiên tai; 15/15 xã đạt tiêu chí về điện; 10/15 xã đạt tiêu chí về trường học; 9/15 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa; 15/15 xã đạt tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 15/15 xã đạt tiêu chí về thông tin và truyền thông; 10/15 xã đạt tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm; 13/15 xã đạt tiêu chí về thu nhập; 10/15 xã đạt tiêu chí về lao động; 10/15 xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Toàn huyện có 9/15 xã hoàn thành các tiêu chí NTM.

Theo đồng chí Đinh Duy Khải, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc: Đây chính là nền tảng để huyện phấn đấu thực hiện các tiêu chí NTM đến cuối năm 2023 bình quân đạt 16 tiêu chí/xã; năm 2023 có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt NTM nâng cao, 18 khu dân cư NTM kiểu mẫu, 65 vườn mẫu và 14 sản phẩm OCOP.

Khánh An

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/182901/huyen-tan-lac-phat-trien-san-xuat-tao-them-dong-luc-xay-dung-nong-thon-moi.htm