Huyện Long Thành: Đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giáo dục

Cùng với quan tâm phát triển kinh tế, hạ tầng, thời gian qua, huyện Long Thành đã nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia luôn được địa phương quan tâm.

Học sinh Trường trung học cơ sở Thị Trấn Long Thành trong giờ thực hành tin học. Ảnh: Đức Bảo

Theo ngành giáo dục huyện Long Thành, thời gian tới, với sự phát triển của xã hội, ngành cũng mong muốn được Nhà nước hỗ trợ trong việc tiếp tục chuẩn hóa trường lớp, tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyển dụng giáo viên mầm non...

* Đầu tư cho trường học chuẩn

Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Long Thành hiện quản lý 56 trường công lập gồm: mầm non - mẫu giáo 18 trường; tiểu học 23 trường và trung học cơ sở 15 trường với tổng số 103 điểm học tập. Trong năm 2023, ngành giáo dục của huyện tiếp tục ổn định và phát triển về quy mô trường, lớp, học sinh, giáo viên; chất lượng giáo dục và đào tạo được đánh giá đúng thực chất và phát triển theo hướng tiến bộ; đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ của ngành. Trong đó chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi tiếp tục được giữ vững; duy trì và giữ tỷ lệ 100% xã đạt chuẩn xóa mù chữ; thực hiện vận động tốt trẻ mầm non 5 tuổi ra lớp.

Dự kiến trong năm 2024, ngành giáo dục huyện Long Thành sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp và có thêm 3 trường học đạt chuẩn quốc gia, phục vụ tốt hơn cho việc dạy và học trên địa bàn.

Bên cạnh đó, toàn huyện hiện có 39/56 cơ sở giáo dục được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 69,6%. Cụ thể, mầm non có 12/18 trường; tiểu học có 14/23 trường; trung học cơ sở có 13/15 trường. Cuối năm 2023, Long Thành đã xây dựng thêm 3 trường đạt chuẩn quốc gia và 3 trường tái chuẩn.

Ngành giáo dục tiếp tục tổ chức bồi dưỡng đại trà cho cán bộ quản lý, giáo viên cơ sở giáo dục module 4 môn tiếng Anh, module 9 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018; cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý và dạy học. Song song đó, ngành còn đặc biệt chú trọng việc chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đẩy mạnh công tác kiểm tra để ngăn ngừa, phát hiện sớm những sai phạm, hạn chế trong quản lý; quan tâm công tác sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.

Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Long Thành Nguyễn Văn Toàn cho hay, việc đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục thời gian qua được Nhà nước, địa phương chú trọng.

“Cơ sở vật chất, trường lớp 3 cấp học từ mầm non đến trung học cơ sở đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh và đang từng bước được nâng cấp, đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục” - ông Toàn chia sẻ.

* Ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng dạy học

Hiện nay, công tác chuyển đổi số đang được các ngành, các cấp, các lĩnh vực trong đời sống xã hội quan tâm thực hiện, trong đó có ngành giáo dục và đào tạo. Tại huyện Long Thành, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại hóa, tinh gọn, đặc biệt là giúp cho giáo viên đứng lớp đỡ vất vả, tận tâm cống hiến với nghề.

Khó khăn hiện nay của huyện Long Thành là việc thu hút giáo viên mầm non vào các trường công lập còn nhiều hạn chế. Số lượng giáo viên được tuyển dụng vào các trường chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho ngành nên cần được tạo cơ chế đãi ngộ, thu hút cao hơn nhằm khắc phục hạn chế này.

Cùng với triển khai sử dụng các phần mềm số hóa trong giảng dạy, những năm qua, các cơ sở trường học mầm non - mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở trên toàn địa bàn cũng được UBND huyện quan tâm đầu tư nâng cấp, đồng bộ, đặc biệt là lắp đặt các trang thiết bị hiện đại như: máy tính kết nối internet tốc độ cao, smart tivi, máy chiếu… phục vụ dạy tin học, ngoại ngữ và các môn học khác. Kết quả, chất lượng giáo dục đã nâng cao hơn trước từ 2-3%, giáo viên có thêm động lực gắn bó với nghề.

Đối với các trường đã đạt chuẩn quốc gia thì từ 90-100% trường đã có đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho chuyển đổi số. Còn đối với những trường chưa đạt chuẩn thì trang thiết bị phục vụ cho chuyển đổi số mới đạt khoảng 75%. Từ nay đến năm 2025, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ kinh phí để toàn bộ các trường thực hiện 100% chuyển đổi số, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên tâm huyết với ngành hơn, yên tâm công tác hơn.

Là ngôi trường nằm tại trung tâm huyện, Trường trung học cơ sở Thị Trấn Long Thành thời gian qua đã đạt được nhiều thành tích quan trọng. Trong đó, năm 2023, trường có 3 học sinh đoạt các giải quốc tế được tổ chức ở Indonesia. Hiệu trưởng nhà trường Phan Thị Ngọc Mai cho biết, ngoài việc nỗ lực nâng cao chất lượng dạy học của cán bộ, giáo viên thì trường cũng rất chú trọng giáo dục các em về các hoạt động xã hội, giúp đỡ những người xung quanh, xây dựng môi trường giáo dục nhân văn, lành mạnh.

Vương Thế

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/trang-dia-phuong/202402/huyen-long-thanh-dau-tu-co-so-vat-chat-va-nang-cao-chat-luong-giao-duc-a0566be/