Huyện Lạc Thủy vinh dự đón Bác Hồ về thăm

Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân huyện Lạc Thủy nói chung và đồn điền Chi Nê, Nhà máy in tiền của chính quyền cách mạng nói riêng đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và làm việc. Đó là dấu ấn không thể phai mờ.

Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân huyện Lạc Thủy nói chung và đồn điền Chi Nê, Nhà máy in tiền của chính quyền cách mạng nói riêng đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và làm việc. Đó là dấu ấn không thể phai mờ.

Di tích lịch sử Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam (xã Phú Nghĩa, Lạc Thủy) là địa chỉ được đông đảo cán bộ, đảng viên, thế hệ trẻ và người dân đến tham quan, tìm hiểu về giá trị lịch sử.

Di tích lịch sử Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam (xã Phú Nghĩa, Lạc Thủy) là địa chỉ được đông đảo cán bộ, đảng viên, thế hệ trẻ và người dân đến tham quan, tìm hiểu về giá trị lịch sử.

Năm 1946, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đặt Nhà máy in tiền ở đồn điền Chi Nê, cùng với một số cơ sở quân giới, kho tàng. Khi chọn vị trí này, Bộ Tư lệnh Chiến khu II đã khảo sát khá kỹ và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý. Đồn điền Chi Nê là nơi có vị trí chiến lược, có thể xuyên tuyến đường 21 (nay là đoạn đường đầu của đường Hồ Chí Minh đi qua) vào Thanh Hóa hoặc ngược lên Tây Bắc. Về kinh tế, đồn điền Chi Nê lúc đó trù phú và dồi dào lương thực, thực phẩm.

Chính vì nơi đây có vị trí chiến lược quan trọng, tiến và lui đều dễ dàng, thuận tiện nên đến cuối năm 1946, đầu năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân ta mới bùng nổ, Chi Nê trở thành nơi trung chuyển một số cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến trên đường lên Việt Bắc. Theo nhật ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến, ngày 18/2/1947, sau khi bế mạc phiên họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng chí Bộ trưởng Bộ Canh nông Cù Huy Cận, đồng chí bảo vệ Hoàng Hữu Kháng và đồng chí lái xe Phạm Văn Ngọc từ Quốc Oai lên đường vào Thanh Hóa công tác.

Đêm 18/2/1947, Bác qua Lạc Thủy. Người nghỉ và làm việc trong ngôi nhà thuộc đồn điền của gia đình nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện (ở làng Bưa Cú, xã Cố Nghĩa - nay là xã Phú Nghĩa). Bác nghỉ lại, làm việc tại đây cả ngày hôm sau. Vì Bác đi bí mật nên rất ít người biết.

Bác đến Thanh Hóa vào khoảng 3 - 4 giờ sáng ngày 20/2/1947. Sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, gặp gỡ các cán bộ phụ trách chính quyền huyện, đại biểu công, nông, thanh niên, phụ nữ, Việt Minh… đêm 20/2, Bác lại dời Thanh Hóa; khoảng 3 - 5 giờ sáng ngày 21/2, Bác về tới đồn điền Chi Nê. Bác đi thăm Nhà máy in tiền và thăm một số làng xóm của đồng bào địa phương.

Sáng 21/2/1947, nhân dân huyện Lạc Thủy vinh dự được đón Bác Hồ. Đầu tiên, Bác đến thăm Nhà máy in tiền đóng tại khu đồn điền Chi Nê (nay thuộc thôn Gốc Xanh - xã Phú Nghĩa); thăm nhà để tiền tại xóm Đồng Thung. Cùng đi với Bác có đồng chí Lê Văn Hiến - Bộ trưởng Bộ Tài chính, đồng chí Phạm Quang Chúc - Giám đốc Nhà máy in tiền, đưa Bác đi thăm xưởng in, thăm và nói chuyện với anh chị em công nhân, tự vệ chiến đấu của nhà máy; thăm kho để tiền và nơi ở của cán bộ, công nhân… Đến nơi nào Bác cũng ân cần hỏi chuyện cán bộ, công nhân, động viên anh em đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, thi đua làm việc phục vụ kháng chiến.

Bác yêu cầu Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã Cố Nghĩa và lãnh đạo Nhà máy in tiền phải cho dời ngay chợ Đầm Đa, sơ tán máy in tiền đến địa điểm kín đáo để đề phòng máy bay địch bắn phá, bảo vệ tính mạng và của cải của Nhân dân. Tối 21/2/1947, Bác dời Đầm Đa - Chi Nê về khu Chùa Một Mái ở xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai).

Đúng như Bác Hồ nhận định, nắm bắt được sự di chuyển của ta, quân Pháp ra sức lùng sục và biết được sự lớn mạnh của lực lượng cách mạng nơi đây gây nguy hiểm cho chúng, ngày 22/2/1947, máy bay giặc Pháp đã oanh tạc đồn điền Chi Nê. Nhưng trước đó, thực hiện theo lời Bác, lãnh đạo nhà máy đã cho sơ tán máy in tiền để trong một hang đá thuộc khu vực đồn điền nên vẫn được an toàn. Máy in chỉ ngừng sản xuất một ngày lại tiếp tục hoạt động trở lại.

Vinh dự được đón Bác Hồ về thăm, ngày nay, Đảng bộ và nhân dân xã Phú Nghĩa luôn khắc ghi lời dạy của Người, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, giành thắng lợi toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đảng ủy, UBND xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, phát triển du lịch tâm linh, thu hút đầu tư, đồng thời tăng cường các hoạt động văn hóa, xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 65 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,36%. Năm 2024, xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Đinh Thắng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/189371/huyen-lac-thuy-vinh-du-don-bac-ho-ve-tham.htm