Huyện Hoằng Hóa xây dựng và phát triển các khu, cụm công nghiệp làm động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội

Những năm gần đây, huyện Hoằng Hóa đã huy động nguồn lực để đầu tư mạnh mẽ vào các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài tỉnh, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH. Đây được coi là một trong những định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong giai đoạn 2020-2025.

Cụm công nghiệp Thái Thắng đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng.

Hiện, trên địa bàn huyện Hoằng Hóa có 1 KCN (KCN Phú Quý) và 5 CCN (Thái Thắng, Bắc Hoằng Hóa, Phú Quý, Hoằng Quỳ, Hoằng Đông) với tổng diện tích gần 800 ha. Ngoài ra, CCN Đạt Tài, CCN Hoằng Sơn đã có trong quy hoạch tỉnh và đang hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với CCN Hoằng Đông có diện tích 30 ha, mới được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển CCN tại Quyết định số 1446/QĐ-UBND ngày 5-5-2021 về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch CCN trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, huyện Thiệu Hóa vào Quy hoạch phát triển CCN tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các ngành nghề dự kiến thu hút, kêu gọi vào CCN này đó là nhóm ngành công nghiệp nhẹ, cơ khí, chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng; ngành nghề phụ trợ ngành công, nông nghiệp... Hiện tại, UBND huyện Hoằng Hóa đang phối hợp với các đơn vị liên quan, triển khai các thủ tục thành lập CCN Hoằng Đông để làm cơ sở kêu gọi thu hút các nhà đầu tư.

Đối với các CCN Thái Thắng và Bắc Hoằng Hóa, hạ tầng kỹ thuật đang được triển khai xây dựng. Trong đó, CCN Thái Thắng đã cơ bản được đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đạt khoảng 95% khối lượng; CCN Bắc Hoằng Hóa đạt khoảng 65% của khối lượng đợt 1 trong giai đoạn 1. Huyện đã định hướng rõ lĩnh vực đầu tư của từng CCN, trong đó quan tâm đến ngành nghề ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm môi trường và sử dụng nhiều lao động địa phương. Do vậy, vừa đầu tư hạ tầng, huyện vừa đẩy mạnh quảng bá, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh.

Theo báo cáo của các chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật thì 2 CCN trên đã thu hút được 12 doanh nghiệp vào thuê đất với diện tích khoảng 47 ha đất công nghiệp. Trong đó, CCN Thái Thắng đã cho thuê 12 ha đất công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy đạt 57,14%; CCN Bắc Hoằng Hóa đã cho thuê 35 ha đất công nghiệp, đạt tỷ lệ lấp đầy 100%.

Cùng với việc quy hoạch, xây dựng các CCN, huyện Hoằng Hóa còn đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư hệ thống giao thông theo hướng đô thị, thực hiện mục tiêu kết nối vùng, miền trong huyện, tiếp cận với các khu, CCN trên địa bàn. Nhiều dự án giao thông quan trọng, có tính đột phá đã và đang triển khai không chỉ phục vụ tích cực cho đời sống dân sinh mà còn là động lực đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, trong đó có công nghiệp. Đó là đường Quỳ - Xuyên (4 làn xe), đường Thịnh - Đông (6 làn xe), đường Goòng - Quăng (4 làn xe), đường nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 45... Huyện đã và đang tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về đô thị hóa nông thôn, phát triển hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ với các đường đối ngoại như đường bộ ven biển, đường Bắc sông Mã, đường vành đai 3 và các tuyến đường chuyên dụng khác trong các KCN, CCN.

Giai đoạn 2016-2020, huyện Hoằng Hóa thu hút được 351 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư đăng ký hơn 3.800 tỷ đồng, góp phần nâng tổng mức đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 đạt 25.220 tỷ đồng, gấp 1,74 lần giai đoạn 2011-2015. Quy mô sản xuất công nghiệp của huyện đã có những bước chuyển đáng khích lệ ở giai đoạn trước khi tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 17,94%, giá trị sản xuất toàn ngành năm 2020 ước đạt 3.544 tỷ đồng (theo giá so sánh), gấp 2,28 lần so với năm 2015.

Đến nay toàn huyện có 606 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm cho hàng vạn lao động có thu nhập ổn định, trong đó nhiều doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn với các ngành nghề chiếm ưu thế, như: dụng cụ thể thao; dệt may; vật liệu xây dựng; chế biến nông, lâm, thủy sản... Một số doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn như: Công ty CP Dụng cụ thể thao Delta; Nhà máy giết mổ và chế biến gia cầm xuất khẩu Viet AVIS; Công ty TNHH MTV TCE Jeans; Công ty TNHH Dụng cụ thể thao Sunrise...

Việc quy hoạch và phát triển công nghiệp, đầu tư xây dựng các KCN, CCN của huyện sẽ tạo ra không gian kinh tế thu hút đầu tư trong và ngoài tỉnh vào địa phương, tạo tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đó không chỉ là góp phần tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm, ổn định và nâng cao thu nhập cho lao động địa phương mà còn thúc đẩy các ngành nghề dịch vụ khác phát triển theo.

Với vai trò, ý nghĩa đó, để thực hiện được các chỉ tiêu thu hút doanh nghiệp lấp đầy các KCN, CCN đặt ra cho giai đoạn tiếp theo, huyện Hoằng Hóa tiếp tục tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hỗ trợ nhà đầu tư tìm kiếm mặt bằng, đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư. Đồng thời tăng cường đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, tạo sức hấp dẫn nhiều hơn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, phấn đấu để các KCN, CCN của Hoằng Hóa luôn là điểm đến, cơ hội lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư.

Bài và ảnh: Việt Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doanh-nghiep/huyen-hoang-hoa-xay-dung-va-phat-trien-cac-khu-cum-cong-nghiep-lam-dong-luc-thuc-day-kinh-te-xa-hoi/138523.htm