Huyện Hoài Đức hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2024

Ngày 26/4, UBND và Liên đoàn Lao động huyện Hoài Đức đã tổ chức lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động với chủ đề: 'Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và chuỗi cung ứng'; Tháng Công nhân với chủ đề: 'Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết''.

Nâng cao đời sống đoàn viên, người lao động

Phát động hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2024, ông Trần Văn Nghĩa - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hoài Đức nhắc đến lịch sử hào hùng của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động. Ông Nghĩa nêu rõ: Trong thời kỳ đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc và giải phóng đất nước, Ngày Quốc tế Lao động là dịp để công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp và các tầng lớp nhân dân lao động biểu dương lực lượng, tổ chức mít tinh, biểu tình, đấu tranh, với các khẩu hiệu đòi quyền dân sinh, dân chủ, chống áp bức, bóc lột, đòi độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Vào dịp kỷ niệm quan trọng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta đã ra nhiều lời kêu gọi công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động ra sức thi đua yêu nước, giết giặc lập công; đồng thời Bác biểu dương các điển hình tiên tiến, khích lệ mọi người lao động nỗ lực không ngừng vì sự nghiệp chung.

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Hoài Đức (ngoài cùng bên trái) và ông Nguyễn Trung Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức (ngoài cùng bên phải) tặng quà CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn.

Trong tiến trình phát triển của cách mạng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt tới giai cấp công nhân, người lao động và tổ chức Công đoàn. Giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thực hiện khát vọng dân tộc.

Năm 2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã quyết định lấy tháng 5 hằng năm là “Tháng Công nhân”. Từ đó đến nay, “Tháng Công nhân” hằng năm được Công đoàn Việt Nam chủ trì phối hợp với các địa phương, ngành, doanh nghiệp tổ chức với nhiều hoạt động thiết thực, nhằm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; đồng thời phát huy vai trò tiên phong, năng lực sáng tạo của công nhân, viên chức, lao động trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Theo ông Trần Văn Nghĩa, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương, Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 6/3/2024 của UBND Thành phố Hà Nội về tổ chức “Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động” và “Tháng Công nhân” năm 2024, Ban Chỉ đạo Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động UBND huyện đã phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện phát động đồng thời Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân triển khai sâu rộng ở các cấp, các ngành trên địa bàn huyện.

Chủ đề năm 2024 với Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động là: “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và chuỗi cung ứng”; Tháng Công nhân với chủ đề: “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết’’.

“Đây là cách làm phù hợp với thực tiễn, tạo sức mạnh cộng hưởng nguồn lực và những hoạt động thiết thực của cấp ủy, chính quyền và doanh nghiệp trong việc quan tâm, bảo vệ người lao động” - ông Nguyễn Trung Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Tổ chức Lễ phát động nhấn mạnh, đồng thời khẳng định, chủ đề của Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm nay là rất phù hợp trong bối cảnh chúng ta đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện Hoài Đức thành quận.

Đẩy mạnh thi đua, đưa huyện sớm lên quận

Theo lãnh đạo huyện Hoài Đức, hiện nay, huyện có 20 đơn vị hành chính gồm 19 xã và 1 thị trấn, dân số 291.450 người. Là huyện có tốc độ phát triển nhanh về đô thị, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; có 52 dự án đô thị phát triển nhà ở, dịch vụ thương mại đang triển khai thực hiện; có trên 4.000 doanh nghiệp, có 51/53 làng có nghề với nhiều ngành nghề truyền thống, 12 cụm công nghiệp; hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các cụm công nghiệp và làng nghề tiếp tục phát triển và duy trì tốt; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới; mang lại nguồn thu cho ngân sách, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân; tạo thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn.

Toàn cảnh Lễ phát động tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động huyện Hoài Đức năm 2024.

Kinh tế hiện nay phát triển đúng hướng, tăng trưởng khá, giá trị sản xuất năm 2023 đạt 100,16% kế hoạch năm, tăng 12,12% so với năm 2022. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Thương mại - dịch vụ; công nghiệp - xây dựng; nông nghiệp. Công tác đầu tư, xây dựng huyện Hoài Đức thành Quận được chỉ đạo quyết liệt, huyện đã đạt 27/31 tiêu chí. Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tiếp tục được quan tâm đầu tư và chỉ đạo quyết liệt, 9 xã đã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới nâng cao; 2 xã đã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.

Duy trì và giữ vững tiêu chí huyện không có hộ nghèo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, môi trường xã hội được cải thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, công tác quân sự địa phương. Công tác xây dựng chính quyền và cải cách thủ tục hành chính được chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, Phó Bí thư Huyện ủy Trần Văn Nghĩa cũng thẳng thắn nhìn nhận, đời sống của một bộ phận công nhân lao động hiện nay vẫn còn khó khăn, trong đó là tiền lương, thu nhập, việc làm; nhà ở; môi trường làm việc; khu vui chơi giải trí; điều kiện lao động; bảo hộ, an toàn lao động. Cấp ủy, chính quyền các cấp cùng tổ chức Công đoàn đã và đang nỗ lực giải quyết có hiệu quả những vấn đề lớn của công nhân, người lao động.

Để tiếp tục đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cũng như xây dựng và nâng cao đời sống cho người lao động, tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo huyện Hoài Đức, ông Trần Văn Nghĩa cũng đã nêu lên 5 ý kiến chỉ đạo cấp ủy và các cấp Công đoàn cơ sở trong huyện.

Thứ nhất, các cấp Công đoàn cần tiếp tục đổi mới cách thức hoạt động, đi sâu, đi sát với đời sống đoàn viên Công đoàn, người lao động. Các cấp ủy và người đứng đầu chính quyền, doanh nghiệp định kỳ gặp gỡ, lắng nghe và đối thoại với công nhân, giải quyết kịp thời những vấn đề công nhân quan tâm, bức xúc. Cần có sự chung tay của các cấp chính quyền và doanh nghiệp với Công đoàn để nâng cao đời sống cho công nhân lao động.

Thứ hai, phát động và triển khai sâu rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết Đại hội Đảng, Đại hội Công đoàn các cấp. Trước mắt, cần nâng cao nhận thức về chủ đề và nội dung hành động trong Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024. Khơi dậy trong đoàn viên, người lao động trên địa bàn huyện tinh thần đổi mới sáng tạo, khát khao cống hiến, quyết tâm chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu; tự tin, tự giác, tự hào khi được đóng góp trí tuệ, nhiệt huyết của mình cho sự phát triển của huyện.

Cũng trong khuôn khổ lễ phát động, LĐLĐ Thành phố Hà Nội đã dành 25 suất quà cho 25 công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại 15 doanh nghiệp, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng, tổng số tiền là 25 triệu đồng.

Thứ ba, các phòng, ban, ngành, các xã, thị trấn, doanh nghiệp tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành để người sử dụng lao động và người lao động thực hiện nghiêm túc trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Cần chủ động phối hợp chặt chẽ trong triển khai các hoạt động; chú trọng mở rộng triển khai các hoạt động về an toàn, vệ sinh lao động tới các xã, thị trấn, cả trong khu vực không có quan hệ lao động, trong nông nghiệp và các làng nghề tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Thứ tư, đối với các doanh nghiệp, cần tăng cường đầu tư, xây dựng hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động; tự kiểm tra, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc để chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại, thường xuyên cải thiện điều kiện lao động; đẩy mạnh công tác đánh giá, rà soát các nội quy, quy trình bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, kỹ năng đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại; tăng cường phòng ngừa hạn chế tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Đối với người lao động, cần tuân thủ chặt chẽ các quy định nội quy về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi sản xuất; tham gia tích cực các phong trào đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, tuân thủ các quy trình, nội quy khi lao động; tích cực học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật làm việc với năng suất cao chất lượng tốt, góp phần phục hồi, thúc đẩy phát triển các hoạt động phát triển về kinh tế xã hội của huyện.

Thứ năm, yêu cầu Công đoàn, các tổ chức đoàn thể, đại diện người sử dụng lao động chung tay góp sức với chính quyền cơ sở nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động về an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên; phát động các phong trào thi đua về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân, xem đây trở thành ngày hội của người lao động và doanh nghiệp.

“Với tinh thần trách nhiệm, sáng tạo và quyết tâm cao của chính quyền các cấp, các cấp Công đoàn, các doanh nghiệp, người lao động và những người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; điều kiện lao động ngày càng được cải thiện, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được kiềm chế, góp phần vào sự phát triển bền vững, xây dựng huyện Hoài Đức thành quận giàu đẹp, văn minh, hiện đại” – ông Đỗ Khắc Dần, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện, Phó ban Tổ chức nhấn mạnh trong bài phát biểu bế mạc buổi lễ.

Cũng trong khuôn khổ lễ phát động, LĐLĐ Thành phố Hà Nội đã dành 25 suất quà cho 25 công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại 15 doanh nghiệp, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng, tổng số tiền là 25 triệu đồng; UBND huyện Hoài Đức dành 10 suất quà cho 10 công nhân lao động khó khăn, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng và 1 phần quà trị giá 500.000 đồng, tổng số tiền 15 triệu đồng; LĐLĐ huyện Hoài Đức tặng quà cho 20 công nhân ở 14 doanh nghiệp có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng.

Anh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/huyen-hoai-duc-huong-ung-thang-cong-nhan-nam-2024-169737.html