Huyện Gò Công Tây: Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường

Thời gian qua, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang luôn chủ động đề ra nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT) đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường (TN&MT) của người dân trên địa bàn huyện.NHIỀU GIẢI PHÁP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

MTTQ, các đoàn thể từ huyện đến xã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về BVMT.

MTTQ, các đoàn thể từ huyện đến xã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về BVMT.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của trung ương, nhất là Nghị quyết 24 ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT và Kế hoạch 06 ngày 19-01-2015 của UBND tỉnh, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Gò Công Tây đã ban hành các văn bản về TN&MT, chỉ đạo các ngành, các cấp trong huyện triển khai thực hiện theo đúng chức năng và thẩm quyền được giao. Hằng năm, UBND huyện đều xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chương trình hành động về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT trên địa bàn huyện…

Đặc biệt, năm 2022, UBND huyện tham mưu Huyện ủy xây dựng Nghị quyết 13 ngày 25-3-2022 về tăng cường BVMT, xây dựng cảnh quan giai đoạn 2022 - 2025 và Kế hoạch 90 ngày 28-7-2023 về thực hiện Nghị quyết 18 ngày 7-7-2023 của Tỉnh ủy về tiếp tục lãnh đạo thực hiện công tác BVMT trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, chỉ đạo Phòng TN&MT hằng năm phối hợp với MTTQ huyện và các đoàn thể tổ chức hưởng ứng các chiến dịch BVMT như: Tuần lễ Quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường, Ngày Môi trường thế giới (5-6), Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn… với nhiều hình thức như tổ chức mít tinh, treo băng rôn, áp phích, phát tờ bướm tuyên truyền, tham gia dọn dẹp vệ sinh, thu gom và xử lý rác thải, khai thông cống rãnh, trồng cây xanh...

Bên cạnh đó, Phòng TN&MT phối hợp với Hội Nông dân huyện ra quân thực hiện công trình “Nông dân Tiền Giang tích cực tham gia BVMT nông thôn”, dọn dẹp vệ sinh, trồng cây xanh, hoa kiểng; phát quang bụi rậm trên các tuyến đường và thu gom xử lý rác thải tại các tụ điểm chợ; vớt lục bình trên các tuyến kinh, rạch... Phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện thường xuyên tuyên truyền về hưởng ứng xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, nâng cao ý thức người dân trong công tác vệ sinh môi trường, tuyên truyền các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong việc bỏ rác đúng nơi quy định.

Cùng với đó, UBND huyện phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện ban hành Kế hoạch 102 ngày 7-6-2022 về thực hiện phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2025 và đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch này đến Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện, Bí thư, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, nhằm đưa việc thực hiện phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn huyện dần đi vào nền nếp. Đến nay, số hộ dân đã ký cam kết thực hiện đúng quy trình phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình là 35.243/35.243 hộ, đạt 100%. Số hộ đã thực hiện phân loại rác thải là 33.694/35.243 hộ, đạt 95,6%. Số hộ dân đã đăng ký thu gom rác thải là 34.010/35.243 hộ, đạt 96,5%.

Về thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, huyện đã bố trí từ năm 2018 đến nay được 493 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; tổ chức thu gom 12 đợt, khối lượng 54,175 tấn bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và đã xử lý đúng quy định. Thu gom, xử lý rác thải vô cơ không tái chế 4 đợt, tổng khối lượng 44,364 tấn.

Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Gò Công Tây Lê Kiến Thông cho biết, để quản lý chặt chẽ việc triển khai các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn huyện, phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm tác động xấu đến môi trường, UBND huyện chỉ đạo Phòng TN&MT phối hợp Phòng Tài chính - Kế hoạch hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh biết các quy định về lập hồ sơ môi trường theo Nghị định 08 ngày 10-01-2022 của Chính phủ, tránh để tiếp tục phát sinh các cơ sở thuộc đối tượng lập hồ sơ môi trường khi đi vào hoạt động mà không có hồ sơ môi trường. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải phải lập hồ sơ môi trường trước khi đi vào hoạt động. Không cho đưa vào xây dựng, vận hành, khai thác các dự án chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu BVMT, qua đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành trong việc lập hồ sơ môi trường của các cơ sở.

Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo tăng cường các hoạt động kiểm tra về lĩnh vực môi trường. Theo đó, thành lập Tổ kiểm tra công tác BVMT trên địa bàn huyện, chỉ đạo Phòng TN&MT phối hợp với các ngành chức năng và UBND các xã, thị trấn thực hiện công tác kiểm tra vệ sinh môi trường tại nơi công cộng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Qua kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh và chăn nuôi thực hiện các biện pháp BVMT như thu gom và xử lý chất thải; xây dựng hầm biogas; lập hồ sơ môi trường theo quy định.

CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI BĐKH

Đối với công tác ứng phó BĐKH, lãnh đạo huyện luôn quan tâm chỉ đạo nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại về cây trồng, vật nuôi cho nhân dân. Năm 2016, do chịu ảnh hưởng nặng nề của tình hình BĐKH, hạn hán kéo dài, mặn xâm nhập và lấn sâu vào đất liền, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp trên cả nước nói chung và huyện Gò Công Tây nói riêng.

Đứng trước tình hình này, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của trung ương, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định 3064 ngày 27-10-2016 về phê duyệt Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch 413 về thực hiện đề án này.

Để triển khai và tổ chức thực hiện, Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện ban hành Kế hoạch 262 ngày 20-12-2016 về thực hiện Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”. Trên cơ sở chỉ đạo, UBND các xã, thị trấn của huyện đều xây dựng kế hoạch cho đơn vị mình. Đến ngày 21-2-2018, Huyện ủy cũng đã ban hành Công văn 356 về việc lãnh đạo chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.

Tính đến ngày 30-11-2022, huyện Gò Công Tây đã chuyển đổi 13.055,63 ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác; trong đó, chuyển sang trồng cây ăn trái là 1.646,67 ha (mãng cầu Xiêm: 49,15 ha; thanh long: 739,99 ha; bưởi da xanh: 170,4 ha; dừa: 637,54 ha; cây ăn trái khác: 49,59 ha); chuyển sang trồng màu chuyên canh: 493,6 ha, chuyển sang trồng màu luân canh: 10.408,7 ha… với các loại cây màu có giá trị kinh tế cao như dưa hấu, ớt, bắp, rau các loại.

Với những kết quả trong lãnh đạo thực hiện ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, huyện Gò Công Tây vừa được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen có thành tích trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT.

QUẾ ANH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202309/huyen-go-cong-tay-chu-dong-ung-pho-bien-doi-khi-hau-quan-ly-tai-nguyen-bao-ve-moi-truong-990342/