Huyện Đà Bắc tăng cường bảo vệ và phát triển rừng

Với tiềm năng, lợi thế lớn, những năm qua, huyện Đà Bắc triển khai có hiệu quả các giải pháp bảo vệ và phát triển rừng cũng như đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng để nâng cao thu nhập cho người dân.

Với tiềm năng, lợi thế lớn, những năm qua, huyện Đà Bắc triển khai có hiệu quả các giải pháp bảo vệ và phát triển rừng cũng như đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng để nâng cao thu nhập cho người dân.

Những năm qua, huyện Đà Bắc thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Trong ảnh: Tổ tuần tra bảo vệ rừng cộng đồng xóm Riêng, xã Tú Lý thực hiện tuần tra rừng hàng tháng.

Huyện Đà Bắc có tổng diện tích tự nhiên gần 77.980 ha, trong đó có hơn 65.995 ha rừng và đất lâm nghiệp, phân bố trên địa bàn 17 xã, thị trấn, chiếm trên 84,6% diện tích tự nhiên. Trong đó, đất có rừng đặc dụng hơn 4.850 ha, đất rừng phòng hộ hơn 23.960 ha, đất rừng sản xuất hơn 18.720 ha với độ che phủ của rừng là 60,96%. Đồng chí Bùi Khắc Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc cho biết: Thời gian qua, huyện đã triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 53-CT/TU, ngày 6/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất rừng gắn với bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng bền vững. Theo đó, các cấp ủy đảng, chính quyền đã quán triệt nội dung của chỉ thị đến hơn 47,5 nghìn lượt cán bộ, đảng viên và nhân dân; cấp phát 2.078 cuốn sổ tay, 4.300 cuốn lịch tuyên truyền về pháp luật bảo vệ và phát triển rừng. Ngoài ra, huyện bàn giao 120 chiếc bàn dập lửa, 150 chiếc cào dập lửa và 150 con dao cán dài phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Huyện đã triển khai các giải pháp nhằm khuyến khích phát triển đất lâm nghiệp có rừng, tạo thuận lợi cho các chủ thể khai thác tiềm năng, lợi thế để tăng thu nhập, phát triển kinh tế và bảo đảm lợi ích của Nhà nước. Trong giai đoạn 2019 - 2023, toàn huyện trồng rừng tập trung được 3.489,5 ha, bình quân mỗi năm trồng được 697 ha, chủ yếu là rừng sản xuất với các loài cây như: keo tai tượng thực sinh, bồ đề, trẩu, mỡ. "Mặc dù diện tích không tăng những chất lượng rừng ngày một tăng lên, do chất lượng giống dần được kiểm soát. Hiện tượng khai thác rừng non cũng giảm dần, mô hình kinh doanh gỗ lớn dần được quan tâm phát triển”, đồng chí Trưởng phòng NN&PTNT huyện nhấn mạnh.

Gia đình bà Lò Thị Tâm, xóm Khem, xã Đoàn Kết gắn bó nghề trồng rừng nhiều năm nay với diện tích gần 2 ha. Theo bà Tâm, trước đây bà con thường khai thác keo khi được khoảng 4 - 5 năm tuổi. Nhưng những năm gần đây đã kéo dài thời gian khai thác nên hiệu quả kinh tế cao hơn. Đặc biệt, tận dụng lợi thế đồi rừng, gia đình bà và nhiều hộ ở xã Đoàn Kết đã kết hợp chăn nuôi gia súc dưới tán rừng. "Ngày trước thì chăn nuôi thả rông nhưng nay Nhà nước giao rừng, mình chỉ chăn thả gia súc trong đồi rừng của gia đình. Ngoài nuôi trâu, bò, gia đình tôi còn nuôi thêm lợn đen bản địa”, bà Tâm chia sẻ.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả thiết thực nhưng hiện nay, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở huyện Đà Bắc vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Điển hình như tình trạng san lấp mặt bằng vào rừng tự nhiên để làm công trình khi chưa thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng còn xảy ra ở một số nơi. Kết quả phát triển rừng không đồng đều giữa các vùng, chất lượng rừng và tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên còn suy giảm ở một số địa phương. Ngoài ra, chất lượng gỗ rừng trồng khai thác thấp, chưa tạo được chuỗi sản xuất sản phẩm trong lâm nghiệp; giá trị thu nhập từ rừng còn khá thấp so với bình quân chung cả nước và khu vực.

Đồng chí Bùi Khắc Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc cho biết: Trong thời gian tới, việc xác định cơ cấu cây trồng hợp lý có ý nghĩa quan trọng để Đà Bắc nâng cao năng suất và chất lượng rừng. Huyện tập trung phát triển rừng trồng theo hướng thâm canh rừng gỗ lớn phù hợp với từng vùng sinh thái và điều kiện lập địa cụ thể, đáp ứng nhu cầu gỗ nguyên liệu và chế biến lâm sản. Phát triển lâm nghiệp gắn với phát triển kinh tế, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, phát triển kinh tế rừng toàn diện, bền vững. Qua đó góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định và từng bước cải thiện, nâng cao đời sống người dân.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/189098/huyen-da-bac-tang-cuong-bao-ve-va-phat-trien-rung.htm