Huyện Cao Lãnh phát huy các nguồn lực của nền kinh tế

Trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế và các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Cao Lãnh chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, cơ quan thuộc UBND huyện và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ được giao nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực kinh tế đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững; thường xuyên kiểm kê, đánh giá các nguồn lực để làm cơ sở đầu tư, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, trung hạn, dài hạn; kiểm tra, kiểm soát đối với việc khai thác, phân bổ và sử dụng các nguồn lực, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, cạn kiệt nguồn lực và hủy hoại môi trường.

Với tinh thần vượt khó, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân cùng với các chính sách thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế được tập trung thực hiện, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực nông, lâm, thủy sản từ 49,6% năm 2019, xuống còn 35,56% năm 2023, giảm 14,04% sang khu vực phi nông nghiệp; tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 66,4% năm 2019 lên 76%, tăng 9,6% đến cuối năm 2023; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trung bình giai đoạn 2019 - 2023 đạt 215,589 tỷ đồng/năm, vượt 13,46% so với chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025; cơ bản đáp ứng nhiệm vụ chi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Huyện Cao Lãnh có tổng diện tích tự nhiên 49.077,5ha, trong đó đất nông nghiệp 40.408,3ha, chiếm 82,1%; đất phi nông nghiệp 8.669,2ha, chiếm 17,9% (theo số liệu thống kê đất đai năm 2023). Việc quản lý, khai thác, sử dụng nguồn lực tài nguyên thiên nhiên cơ bản đáp ứng được yêu cầu; công khai, minh bạch kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, phê duyệt phương án bồi thường các dự án đầu tư trên địa bàn huyện theo quy định. Huyện đã lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2023 để làm cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả, đúng quy định; phối hợp kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường tại các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất... để kịp thời khắc phục và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật, góp phần giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường.

Huyện tập trung đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, trường học, trụ sở làm việc UBND xã, thị trấn, điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân, trạm cấp nước, sửa chữa nhà lồng chợ, cống thủy lợi...; phối hợp thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, hệ thống giao thông của huyện kết nối liên thông với đường tỉnh và quốc lộ, tạo nền tảng kết nối và phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch gắn kết hài hòa với phát triển đô thị; thực hiện điều chuyển vốn nội bộ theo thẩm quyền từ dự án chậm tiến độ sang dự án có tiến độ tốt, khả năng hoàn thành theo kế hoạch; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiên quyết xử lý các trường hợp chủ đầu tư, nhà thầu thi công chậm tiến độ, chậm giải ngân vốn đầu tư do yếu tố chủ quan đúng theo quy định. Kết quả trong 5 năm qua, đầu tư với tổng kinh phí 720,729 tỷ đồng.

Mạng lưới hạ tầng giao thông đường bộ của huyện được chú trọng đầu tư, xây dựng, đến nay cơ bản đã được nhựa hóa, bê tông hóa; các tuyến giao thông nông thôn, giao thông kết hợp đê bao được đầu tư đồng bộ, kiên cố, tạo thuận lợi cho hàng hóa lưu thông, dịch vụ phục vụ phát triển đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Toàn huyện có 33,5km đường Quốc lộ, 56,8km đường tỉnh, 73,6km đường huyện, 25,5km đường đô thị và 841km đường xã, liên xã, đường xóm ấp; đã và đang triển khai đầu tư xây dựng tuyến tránh TP Cao Lãnh dài 5km, xây dựng tuyến ĐT.587 dài 14km và tuyến đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 (thành phần 1) dài 16km, đang khảo sát bồi thường giai đoạn 2 dài 1,5km; đầu tư hạ tầng thiết yếu, chỉnh trang đô thị loại IV thị trấn Mỹ Thọ và đô thị loại V xã Mỹ Hiệp, từng bước xây dựng, hình thành đô thị loại V xã Bình Hàng Trung và xã Phương Trà theo lộ trình.

Hạ tầng khu, cụm công nghiệp (CCN) của huyện cũng được quan tâm đầu tư, hiện có 4 cụm công nghiệp (Mỹ Hiệp, An Bình, Cần Lố, Phong Mỹ). Đến nay, đã giao đất cho 13 nhà đầu tư để triển khai thực hiện 19 dự án, trong đó, 11/19 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư các dự án khoảng 1.200 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động; đang triển khai xây dựng hạ tầng CCN Quảng Khánh (giai đoạn 1) và được tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án CCN Quảng Khánh (giai đoạn 2); Khu công nghiệp Ba Sao đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết, tiếp tục mời gọi đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Cao Lãnh, Khu Công nghiệp Cao Lãnh II, III.

Công tác quản lý, điều hành ngân sách được thực hiện theo quy định, hiệu quả và tiết kiệm; nâng cao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sử dụng ngân sách; triển khai thanh toán, quyết toán ngân sách nhà nước và các dịch vụ công bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Các nguồn thu được khai thác có hiệu quả, từng bước triển khai nâng cao hiệu quả, quản lý chi ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hàng năm đều tăng theo tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của huyện, bình quân giai đoạn 2019 - 2023, thu 215,589 tỷ đồng, vượt 13,46% so với chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 (190 tỷ đồng/năm)...

TN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/huyen-cao-lanh-phat-huy-cac-nguon-luc-cua-nen-kinh-te-121795.aspx