Huyện Cai Lậy: Năng động, sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Thời gian qua, kinh tế - xã hội của huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang có bước phát triển mạnh mẽ; văn hóa, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện; trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh được đảm bảo. Đây là kết quả của sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của Huyện ủy, UBND huyện; cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn.NÔNG NGHIỆP, CÔNG NGHIỆP CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC

Dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, song với những cách làm hiệu quả, huyện Cai Lậy đã đạt nhiều kết quả trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao. Cụ thể như mô hình nuôi cá xuất khẩu, cá bè, cá tra giống duy trì và phát triển. Giá bán các nông sản chủ lực của huyện bình quân cao hơn cùng kỳ năm 2022, từ đó nông dân phấn khởi, yên tâm sản xuất.

Tuyến đường liên 6 Long Trung- Cẩm Sơn xẻ dọc vườn sầu riêng sai trĩu quả.

Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Trần Quốc Bình chia sẻ, lĩnh vực nông, ngư nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực, thế mạnh và đã đạt nhiều kết quả quan trọng. 6 tháng đầu năm, mô hình liên kết chuỗi giá trị trên cây lúa được tiếp tục triển khai ở các xã Mỹ Thành Bắc, Mỹ Thành Nam, Thạnh Lộc và Phú Cường với tổng diện tích qua 2 vụ là 1.450 ha, chiếm 11,38 tổng diện tích gieo trồng (tăng 0,21% so với cùng kỳ).

Phấn khởi nhất là thu nhập nông dân được nâng lên gấp nhiều lần nhờ vào trồng sầu riêng. Đây là cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác có trên địa bàn huyện với diện tích 10.589 ha, sản lượng ước đạt 212.400 tấn/năm”.

" Sạt lở bờ sông tiếp tục diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở nhiều nơi; giá vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón vẫn ở mức cao đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của người dân... Tuy gặp không ít khó khăn nhưng dưới sự chỉ đạo, điều hành của Huyện ủy, UBND huyện, sự giám sát chặt chẽ của HĐND huyện cùng với sự nỗ lực của các ngành và UBND các xã, thị trấn, sự đồng tình của nhân dân, dự báo kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện năm 2023 sẽ đạt được hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu như kế hoạch đã đề ra”.

CHỦ TỊCH UBND HUYỆN CAI LẬY TRẦN QUỐC BÌNH

Lĩnh vực công nghiệp cũng có kết quả đáng ghi nhận. Sản phẩm công nghiệp phát triển ngày càng đa dạng, phong phú hơn về chủng loại, chất lượng được cải thiện, từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh, với chủ yếu là lĩnh vực xay xát, đóng gói trái cây, may gia công túi xách, may trang phục… 6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước đạt 693 tỷ đồng, đạt 50,63% so với nghị quyết và tăng 9,51% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện đạt 437 tỷ đồng, đạt 51,53% so với kế hoạch và vượt 16,47% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện tại, trên địa bàn huyện có 68 doanh nghiệp và 239 cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động ổn định trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, với tổng vốn đăng ký gần 670,5 tỷ đồng.

NÂNG CHẤT NÔNG THÔN MỚI, THÚC ĐẨY SẢN XUẤT, KINH DOANH

Theo đồng chí Trần Quốc Bình, địa phương không thỏa mãn với những thành tựu đã đạt được, mà tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa các tiêu chí NTM theo hướng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; tích hợp tiêu chí xây dựng NTM với tiêu chí xây dựng và phát triển đô thị vệ tinh.

Theo đó, huyện tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 gắn với xây dựng NTM; tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp...

Cùng với đó là tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ vào sản xuất; đổi mới tổ chức sản xuất; thực hiện chuỗi giá trị trên lúa, cây ăn trái, chăn nuôi và thủy sản; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, từng bước kết nối với chuỗi cung ứng trong nông sản. Huyện cũng tiếp tục quảng bá và giữ vững nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cai Lậy”..., bảo vệ môi trường sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng NTM.

Song song đó, huyện tập trung thực hiện các giải pháp phát triển công nghiệp theo kế hoạch đề ra trên cơ sở đảm bảo ổn định và an toàn trong sản xuất, đặc biệt là ở các doanh nghiệp tập trung nhiều công nhân. Huyện phấn đấu giá trị sản xuất khu vực công nghiệp - xây dựng năm 2023 đạt trên 1.393 tỷ đồng; trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp địa phương ngoài quốc doanh đạt 857 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, huyện chú trọng phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, có giá trị gia tăng cao như thương mại, du lịch, với mục tiêu phấn đấu giá trị thương mại - dịch vụ năm 2023 đạt trên 2.463 tỷ đồng, đạt 101,16% nghị quyết, tăng 25,1% so với năm 2022.

Huyện cũng sẽ phối hợp các sở, ngành tỉnh triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận kênh thông tin về xuất, nhập khẩu nhằm tìm kiếm thị trường mới nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo ổn định hoạt động phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, hỗ trợ và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, phát triển sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm trên thị trường.

TUẤN LÂM

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202307/huyen-cai-lay-nang-dong-sang-tao-thuc-day-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-985416/