Huyện Cai Lậy: Kỳ vọng du lịch phát triển

Tận dụng thế mạnh vùng sông nước, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng là định hướng được huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang tập trung thực hiện. Địa phương cũng tăng cường thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh, thông tin những điểm đến, tuyến du lịch trên địa bàn...KHAI THÁC TIỀM NĂNG

Huyện Cai Lậy hiện có 12 điểm kinh doanh du lịch, tập trung tại xã Tân Phong, Tam Bình, Phú An và Cẩm Sơn. Phục vụ hoạt động du lịch, địa bàn huyện có 2 đội đò chèo, 1 đội thuyền kayak, 2 đội đờn ca tài tử, 7 nhà vườn liên kết phục vụ tham quan vườn cây ăn trái, 5 hộ gia đình làm nghề truyền thống kết hợp phục vụ du lịch. Năm 2023, các điểm du lịch trên địa bàn đón gần 37.000 lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng, cho thấy tín hiệu phục hồi khả quan hoạt động du lịch sau đại dịch Covid-19.

Xã Tân Phong phát triển du lịch gắn với phát triển vườn chuyên canh cây ăn trái.

Tài nguyên thiên nhiên phong phú, môi trường sinh thái sông nước đặc trưng của vùng đất Nam bộ, các di tích lịch sử văn hóa là thế mạnh để huyện Cai Lậy phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Những năm qua, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đầu tư sản phẩm du lịch gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Không gian gần gũi với thiên nhiên là điều du khách có thể cảm nhận khi đến Điểm du lịch Mekong Rustic - Cái Bè Sáu Vân (ấp Tân Thiện, xã Tân Phong).

Bà Nguyễn Thị Mỹ Sáu, chủ Điểm du lịch Mekong Rustic - Cái Bè Sáu Vân, chia sẻ: “Gia đình muốn giữ nét gần gũi, mộc mạc, tạo cho du khách cảm giác được trở về nhà. Con đường, ao cá, vườn cây đều gợi không gian xưa cũ, tạo cho du khách trải nghiệm thật yên bình.

Chợ nổi được phục dựng tại sông Đồn (ấp Tân Thái, xã Tân Phong) do Công ty cổ phần Vườn Mekong làm chủ đầu tư.

Đến đây, mọi người có thể đạp xe len lỏi trong khu vườn, tát mương bắt cá thư giãn, thu hoạch trái cây trong vườn. Phòng ngủ cũng được thiết kế như căn hộ thu nhỏ, được bao bọc bởi cảnh sắc thiên nhiên xanh mướt”...

Anh Lê Tấn Đạt, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh bộc bạch: “Thông qua các trang mạng xã hội và những video trên Youtube, chúng tôi bị cuốn hút bởi vẻ đẹp mộc mạc của các điểm du lịch ở xã Tân Phong, huyện Cai Lậy. Tranh thủ cuối tuần, tôi cùng bạn bè đến trải nghiệm. Ấn tượng là sự thân thiện, hiếu khách của người dân địa phương, không khí nơi đây rất mát mẻ”.

Thời gian qua, huyện Cai Lậy tập trung truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng đa dạng sản phẩm du lịch gắn với đặc trưng văn hóa vùng miền, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân…

Đặc biệt, Huyện ủy Cai Lậy đã ban hành Nghị quyết 06 về “Lãnh đạo phát triển du lịch xã cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” với những giải pháp cụ thể, tạo đà cho du lịch phát triển đúng tiềm năng.

Tuy nhiên, phát triển du lịch ở huyện Cai Lậy vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm, tháo gỡ: Sản phẩm du lịch chưa mang tính đặc trưng, doanh nghiệp, điểm kinh doanh du lịch quy mô vừa và nhỏ, tính chuyên nghiệp chưa cao, thiếu sự gắn kết. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch chưa chuyên nghiệp, chưa hiệu quả, thiếu sự phối hợp chặt chẽ để tạo thành chuỗi dịch vụ hoàn chỉnh...

THU HÚT ĐẦU TƯ, ĐA DẠNG SẢN PHẨM DU LỊCH

Theo định hướng phát triển du lịch trên địa bàn huyện Cai Lậy, địa phương tận dụng lợi thế về thiên nhiên, tăng cường công tác quản lý nhà nước và sự tham gia của các thành phần kinh tế. Trong đó, huyện lấy du lịch sinh thái sông nước cù lao Tân Phong làm điểm đột phá phát triển các loại hình du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng, mở rộng liên kết vùng với các xã lân cận, huyện Cái Bè, huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), cù lao An Bình (tỉnh Vĩnh Long)…

Du khách trải nghiệm dịch vụ tại Khu du lịch Mekong Rustic - Cái Bè Sáu Vân.

Giai đoạn 2021 - 2025, từ ngân sách và huy động các nguồn lực đầu tư, địa phương xây dựng các hạng mục du lịch tại xã Tân Phong, kết nối các điểm du lịch hiện có; khuyến khích người dân phát triển vườn cây ăn trái theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP với các loại cây trồng chủ lực: Chôm chôm, nhãn, sầu riêng, các loại cây có múi…

Mục tiêu là đón khoảng 80.000 lượt khách/năm (trong đó có 75% khách quốc tế), lượng khách du lịch tăng bình quân hằng năm 8% - 10%. Thời gian qua, xã Tân Phong tận dụng các nguồn lực đầu tư và gắn kết các điểm kinh doanh du lịch hoạt động theo định hướng.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong Lê Văn Bình cho biết: “Chúng tôi xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Đảng ủy, UBND xã Tân Phong luôn tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là đa dạng sản phẩm để thu hút du khách.

Bên cạnh đó, xã Tân Phong cũng tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân chỉnh trang cảnh quan môi trường, giữ lại nếp sinh hoạt truyền thống, những làng nghề, các loại cây ăn trái đặc trưng, văn hóa ẩm thực của địa phương, tạo nét riêng cho du khách khi đến khám phá cù lao Tân Phong”.

Theo Đề án Phát triển du lịch xã cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt, tổng mức đầu tư các hạng mục phục vụ du lịch 1.163 tỷ đồng; trong đó, ngân sách đầu tư hạ tầng giao thông, cung cấp nước sạch.

Du khách tham quan vườn cây ăn trái tại Homestay Hai Mỹ, ấp Đông Hòa, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy. Ảnh: QUẾ NGÂN

Đối với các hạng mục cung cấp dịch vụ và đền bù giải phóng mặt bằng do nhà đầu tư tiến hành. Năm 2023, huyện Cai Lậy đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch; trong đó, có việc quảng bá các điểm đến, tổ chức hội thảo gặp gỡ, trao đổi giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương, đa dạng sản phẩm du lịch và đầu tư hạ tầng, nâng cấp cơ sở vật chất, dịch vụ, nhân lực phục vụ du lịch.

Từ ngân sách Trung ương và tỉnh, công trình bờ kè chống sạt lở và phát triển du lịch tại khu vực ấp Tân Thiện (giai đoạn 3) đã hoàn thiện với tổng kinh phí đầu tư hơn 118 tỷ đồng. Hiện nay, các ngành chức năng của tỉnh, huyện đang khảo sát, phê duyệt Đề án “Xây dựng chợ nổi phát triển du lịch xã Tân Phong” do Công ty cổ phần Vườn Mekong (TP. Hồ Chí Minh) làm chủ đầu tư với kinh phí khoảng 3,5 tỷ đồng.

Chợ nổi được phục dựng tại đoạn đầu sông Đồn (ấp Tân Thái, xã Tân Phong), là điểm đến trong tour du lịch cù lao Tân Phong với hoạt động: Tham quan miệt vườn sông nước bằng tàu du lịch, đò chèo, thưởng thức trái cây tại vườn, tìm hiểu các nghề truyền thống của người dân.

Ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Vườn Mekong cho biết: “Dự kiến chợ nổi sẽ đưa vào hoạt động cuối năm 2023, phục vụ khoảng 150 du khách/ngày. Đây sẽ là điểm nhấn trong hành trình tham quan, trải nghiệm cù lao Tân Phong. Mong muốn của chúng tôi là quảng bá hình ảnh miền Tây sông nước, trong đó có chợ nổi, nét văn hóa độc đáo chỉ có ở nơi đây”.

Tạo động lực để du lịch phát triển đúng tiềm năng được huyện Cai Lậy quyết tâm thực hiện để địa phương trở thành điểm đến thân thiện, an toàn, hấp dẫn, níu chân du khách trên hành trình tham quan, trải nghiệm miền Tây.

TRƯỜNG GIANG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202312/huyen-cai-lay-ky-vong-du-lich-phat-trien-998865/