Huyện Cai Lậy: Dồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng trong những tháng đầu năm 2024, kinh tế - xã hội của huyện Cai Lây, tỉnh Tiền Giang có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu đạt tốt.KINH TẾ TĂNG TRƯỞNG TÍCH CỰC

Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Trần Quốc Bình cho biết, với nỗ lực của các ngành, các xã, thị trấn và nhân dân trong huyện nên kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 tiếp tục phát triển, quốc phòng - an ninh được đảm bảo. Trong đó, một số chỉ tiêu đạt được kết quả khả quan như thu ngân sách từ kinh tế địa phương đạt 45,22% nghị quyết; tổng chi ngân sách toàn huyện đạt 30,99% nghị quyết…

Cây sầu riêng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Cai Lậy nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung.

Đặc biệt, trong tổng số 23 mục tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đến cuối nhiệm kỳ, huyện đã hoàn thành 7/23 mục tiêu. Đối với mục tiêu thu ngân sách, đến nay huyện đạt 85,8% nghị quyết nhiệm kỳ, còn lại 73,867 tỷ đồng sẽ thực hiện thu đạt nghị quyết nhiệm kỳ trong năm 2024.

Như vậy, mục tiêu về thu ngân sách, huyện sẽ hoàn thành trước 1 năm so nghị quyết. Bên cạnh đó, điểm sáng trong bức tranh kinh tế của huyện là lĩnh vực đầu tư xây dựng. Chỉ trong những tháng đầu năm, huyện thực hiện đầu tư xây dựng 52 công trình, với tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng, vốn đã giao trên 222 tỷ đồng, đã giải ngân trên 53 tỷ đồng, đạt 23,9% vốn giao. Về tiến độ, huyện đã hoàn thành 15 công trình; đang thi công 7 công trình; hoàn thiện hồ sơ, trình thẩm định 30 công trình.

Bên cạnh đó, trong quý I-2024, huyện thu hút 6.887 lượt du khách; trong đó, có 4.400 khách quốc tế và 2.487 lượt khách nội địa. Từ sau Tết Nguyên đán, nhiều công ty, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản hàng hóa xuất khẩu hoạt động, đã tạo thu nhập đáng kể cho các hộ nông dân; tạo việc làm ổn định cho công nhân, lao động ở địa phương.

Đến nay, huyện có 47 công ty, 13 doanh nghiệp, 9 chi nhánh công ty và trên 249 cơ sở sản xuất - kinh doanh lĩnh vực công nghiệp tạo nên giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện trong quý I đạt 239 tỷ đồng.

TẠO ĐIỀU KIỆN, THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP

Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Cai Lậy còn không ít khó khăn như tình hình sạt lở, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp trong khi nguồn lực của huyện còn hạn chế nên chưa thể xử lý. Bên cạnh đó, một số tuyến đường và cầu giao thông trên địa bàn huyện không đảm bảo, gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, làm hạn chế liên kết phát triển vùng.

Trước vấn đề trên, UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh chủ động hỗ trợ ứng phó với xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023 - 2024 như khoan 2 giếng tầng sâu, bố trí kinh phí cho 26 công trình cống, đập ngăn mặn... Về lâu dài, huyện đề nghị UBND tỉnh xem xét, cho chủ trương đầu tư 3 cống ngăn mặn trên đường tỉnh 864 (cống Trà Tân, cống sông Ba Rài, cống sông Phú An).

Bên cạnh đó, UBND huyện kiến nghị tỉnh quan tâm, sớm hỗ trợ thực hiện các công trình xử lý sạt lở trên địa bàn huyện, gồm 17 công trình, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 26,235 tỷ đồng; đầu tư trung hạn 8 công trình giao thông, với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 663,2 tỷ đồng nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Huyện cũng kiến nghị tỉnh có kế hoạch đầu tư hệ thống ô bao bảo vệ vườn cây ăn trái trên diện rộng, nhất là hệ thống cống đập, ô bao bảo vệ diện tích cây ăn trái của xã Tân Phong và xã Ngũ Hiệp. Huyện cũng kiến nghị các sở, ngành tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ huyện về công tác đầu tư công trong thời gian tới.

Đặc biệt, trong công tác đầu tư công, các sở, ngành tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ huyện hoàn tất các thủ tục, sớm đầu tư xây dựng các công trình vốn tỉnh, đặc biệt là 2 công trình Trường Tiểu học Hiệp Đức và Trường Mầm non Mỹ Long nhằm phục vụ việc ra mắt xã nông thôn mới nâng cao Mỹ Long và xã nông thôn mới kiểu mẫu Hiệp Đức trong năm 2024.

"Huyện Cai Lậy đã rất mạnh dạn, làm được nhiều việc với nhiều ý tưởng, cách làm mới, đáng biểu dương trong công tác phòng, chống sạt lở và phòng, chống hạn, mặn. Qua đó, người dân đã rất an tâm với các giải pháp của huyện đề ra.

Thời gian tới, huyện cần tiếp tục xây dựng phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho trái sầu riêng, xác định nguyên nhân bệnh trên cây ăn trái.

Đặc biệt, huyện cần tập trung tuyên truyền, vận động người dân trong việc bán nông sản, đặc biệt là với trái đặc sản sầu riêng sao cho phù hợp, giữ thương hiệu cho trái sầu riêng của vùng.

Các sở, ngành cần bổ sung quy chế phối hợp trong việc quản lý mã số vùng trồng cây ăn trái; đề nghị thanh tra, kiểm tra các cơ sở thu mua nông sản, thu mua sản phẩm không đạt chất lượng…”

CHỦ TỊCH UBND TỈNH TIỀN GIANG NGUYỄN VĂN VĨNH

Ngoài các đề xuất hỗ trợ, đồng chí Trần Quốc Bình cũng cho biết, địa phương tập trung giải quyết các vướng mắc về giải phóng mặt bằng các công trình, dự án; tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là việc kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng các công trình, dự án.

Huyện tập trung chỉ đạo đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình chuyển tiếp và các công trình năm 2023, đảm bảo tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2024. Đồng thời, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo nhiều quỹ đất sạch để thu hút đầu tư.

“Cùng với đó, huyện Cai Lậy tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Các cơ sở mở rộng quy mô sản xuất, thúc đẩy hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang doanh nghiệp để tăng hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Địa phương tăng cường quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, tiếp tục củng cố, nâng chất hoạt động các hợp tác xã, tổ hợp tác; hỗ trợ hình thành thêm các hợp tác xã nông nghiệp trên cơ sở nhu cầu, thế mạnh của các xã nhằm tạo liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, ổn định đầu ra và giúp nông dân tăng thu nhập” - đồng chí Trần Quốc Bình cho biết thêm.

TUẤN LÂM

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202404/huyen-cai-lay-don-luc-thuc-day-tang-truong-kinh-te-1008791/