Hủy quyết định mở thủ tục phá sản Đức Long Gia Lai

TAND Cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng tòa sơ thẩm quyết định mở thủ tục phá sản là có cơ sở, nhưng không triệu tập phiên họp để chứng minh doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và tạo điều kiện cho hai bên thương lượng trả nợ.

Ngày 16-11, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã có quyết định hủy quyết định mở thủ tục phá sản của TAND tỉnh Gia Lai đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Đức Long Gia Lai) theo đơn yêu cầu của công ty này.

Trước đó, ngày 13-10 và 19-10-2023, Đức Long Gia Lai có đơn đề nghị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xem xét lại quyết định "mở thủ tục phá sản" của TAND tỉnh Gia Lai theo đơn yêu cầu của Công ty Cổ phần Lilama 45.3 (Lilama, tỉnh Quảng Ngãi).

Đơn nêu rõ, công ty không mất khả năng thanh toán, không lâm vào phá sản; vụ việc mới có bản án vào tháng 2-2023, số tiền phải thanh toán là rất nhỏ và đơn vị đang đàm phán trả nợ.

Nhận định của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng

Theo nhận định của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, đến ngày 9-10, Đức Long Gia Lai chưa thanh toán được khoản tiền nào cho Lilama. Do đó, TAND tỉnh Gia Lai quyết định mở thủ tục phá sản là có cơ sở.

Tuy nhiên, tòa án cấp sơ thẩm không triệu tập phiên họp để kiểm tra các căn cứ chứng minh doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và đồng thời tạo điều kiện cho hai công ty thương lượng thanh toán nợ.

Theo TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, Đức Long Gia Lai là công ty hoạt động đủ ngành nghề, có nhiều chi nhánh và cơ sở hoạt động ở nhiều địa phương khác nhau; là doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh bình thường và có nhiều công nhân lao động. Báo cáo tài chính trong ba năm gần đây và chín tháng đầu năm 2023, thì kết quả kinh doanh có lợi nhuận.

Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, Đức Long Gia Lai đã chuyển vào tài khoản của Lilama bốn tỉ đồng để trả nợ (cụ thể, chuyển 100 triệu đồng ngày 12-10, 300 triệu đồng ngày 17-10 và 3,6 tỉ đồng ngày 8-11). Đồng thời, có cam kết lộ trình thanh toán nợ theo thủ tục thi hành án dân sự.

“Đây là tình tiết mới chứng minh Đức Long Gia Lai không mất khả năng thanh toán, chưa lâm vào tình trạng phá sản và có thiện chí trả nợ. Vì vậy, cần phải hủy quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2023/QĐ-MTTPS ngày 9-10-2023 của TAND tỉnh Gia Lai, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thực hiện quyền và nghĩa vụ hợp pháp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế và xã hội”, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng nhận định.

 TAND Cấp Cao tại Đà Nẵng quyết định hủy quyết định mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai của TAND tỉnh Gia Lai. Ảnh: LK

TAND Cấp Cao tại Đà Nẵng quyết định hủy quyết định mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai của TAND tỉnh Gia Lai. Ảnh: LK

Trước đó, ngày 15-3, Chi cục Thi hành án dân sự TP Pleiku quyết định thi hành án theo bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Gia Lai (ngày 8-2) đối với Đức Long Gia Lai, buộc trả nợ hơn 17 tỉ đồng cho Lilama.

Quá trình giải quyết, Lilama yêu cầu Đức Long Gia Lai thanh toán nợ, trong đó trả 50% trong vòng ba tháng (4, 5 và 6-2023) và trả dứt điểm trong năm 2023. Tuy nhiên, Đức Long Gia Lai lại đề nghị được trả dần hàng tháng theo lộ trình ba năm, đến quý IV-2026.

Tháng 7-2023, TAND tỉnh Gia Lai đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai theo đơn yêu cầu của Lilama.

Lilama và Đức Long Gia Lai nói gì?

Trước thông tin trên, bà Nguyễn Thị Sương, đại diện Lilama, cho rằng: "Quyết định này của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng là không đúng với quy định của Luật Phá sản 2014 và không đúng với hướng dẫn của TAND Tối cao, có thể dẫn đến sự "dung túng" cho các doanh nghiệp chây ì trả nợ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của chủ nợ".

Bà Sương nói: Theo hướng dẫn tại mục 24, công văn 199/TANDTC-PC năm 2020 về thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong giải quyết phá sản do TAND Tối cao ban hành nêu "Mặc dù doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh tốt, có lợi nhuận nhưng có khoản nợ đến hạn trong thời gian ba tháng mà không trả nợ (mất khả năng thanh toán) thì thẩm phán ra quyết định mở thủ tục phá sản theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 42 Luật Phá sản".

Theo Lilama, tại nhiều văn bản của Đức Long Gia Lai thông tin số tài sản thực của công ty không thống nhất, lúc có 6.000 tỉ, 10.000 tỉ và có khi 25.000 tỉ đồng. Đức Long Gia Lai cũng nhiều lần khẳng định có khả năng thanh toán nhưng vì sao không thanh toán nợ cho Lilama. Điều này cho thấy Đức Long Gia Lai thiếu trung thực và coi thường pháp luật trong việc thanh toán các khoản nợ.

Lilama thông tin: Năm 2016, giữa công ty và Đức Long Gia Lai ký kết hợp đồng kinh tế về việc cung cấp, chế tạo và lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công. Năm 2017, công trình đã được nghiệm thu và năm 2018, lập biên bản quyết toán. Tuy nhiên, Đức Long Gia Lai không tuân thủ việc thanh toán.

Qua hai bản án sở thẩm (tháng 6-2022) và phúc thẩm (tháng 2-2023) đều xác định rõ ngày Đức Long Gia Lai vi phạm nghĩa vụ thanh toán, số tiền hơn 17,1 tỉ đồng (nợ gốc hơn 14,7 tỉ và lãi hơn 2,3 tỉ đồng).

 Đến nay, Đức Long Gia Lai mới chuyển trả cho Lilama 4 tỉ đồng.

Đến nay, Đức Long Gia Lai mới chuyển trả cho Lilama 4 tỉ đồng.

Ở phía ngược lại, trao đổi với PLO, ông Nguyễn Tường Cọt, Tổng giám đốc Đức Long Gia Lai, bày tỏ: Việc TAND Cấp cao ra quyết định như vậy là phù hợp theo Luật Phá sản. Đức Long Gia Lai rất có thiện chí trả nợ và cam kết trả nợ theo lộ trình.

PV đặt câu hỏi "Đức Long Gia Lai khẳng định không mất khả năng thanh toán, tài sản đang có 10.000 tỉ đồng nhưng vì sao không trả nợ hơn 17 tỉ đồng một lần, tránh các hệ lụy liên quan?", ông Nguyễn Tường Cọt, nói: "Không phải Đức Long không muốn trả một lần, nhưng thời điểm hiện tại công ty có rất nhiều đối tác, không riêng gì Lilama. Do vậy, công ty không thanh toán một lần mà cam kết trả nợ đến 2026, nếu thuận lợi thì hoàn thành trả sớm".

Theo ông Cọt, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lãi suất ngân hàng tăng cao... khiến công ty gặp nhiều khó khăn. Đối với khoản nợ của Lilama, công ty cam kết trả đầy đủ và đang thực hiện trả nợ.

Cụ thể, sau khi có bản án và quyết định thi hành án dân sự, công ty đã đàm phán và lên kế hoạch trả nợ. Trước đó, công ty đã thực hiện chuyển trả 500 triệu đồng vào ngày 14-6-2023 và 400 triệu đồng vào ngày 29-6-2023 nhưng không chuyển được vì tài khoản của Lalima khi đó bị treo.

Sau khi TAND tỉnh Gia Lai có quyết định mở thủ tục phá sản, công ty đã có ba lần chuyển trả nợ Lilama, số tiền bốn tỉ đồng.

Đối với quyết định của TAND tỉnh Gia Lai, Đức Long Gia Lai cho rằng việc này gây thiệt hại lớn về thương hiệu cho công ty, không lường hết mọi hệ quả nếu hàng ngàn lao động tại địa phương mất việc làm.

LÊ KIẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/huy-quyet-dinh-mo-thu-tuc-pha-san-duc-long-gia-lai-post761797.html