Huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư các công trình giao thông quan trọng vùng ĐBSCL

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị Chính phủ cân đối tối thiểu khoảng 57.346 tỷ đồng để triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2021-2025.

Trong giai đoạn từ 2016-2021, Bộ GTVT đã triển khai đầu tư xây dựng 31 dự án, công trình giao thông vùng ĐBSCL với tổng mức đầu tư khoảng 88.963 tỷ đồng; trong đó, 14 dự án đã hoàn thành nâng cấp và xây dựng mới 281 km đường quốc lộ, một số cầu lớn như: Cổ Chiên, Cao Lãnh, Vàm Cống, Hòa Trung, Mỹ Lợi..., hoàn thành 46,5 km luồng tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 1, nạo vét 28 km tuyến Kênh Chợ Gạo giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư là 41.474 tỷ đồng; 14 dự án đang triển khai thực hiện bao gồm: 720 km đường quốc lộ và cao tốc, xây dựng cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi, hoàn chỉnh luồng tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu và tuyến kênh Chợ Gạo với tổng mức đầu tư là 40.494 tỷ đồng, 03 dự án đang chuẩn bị triển khai với tổng mức đầu tư khoảng 6.995 tỷ đồng.

Về đường bộ, đã cơ bản nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 (QL), đưa vào khai thác toàn tuyến N2 với quy mô 4 làn xe từ Cao Lãnh đến Rạch Sỏi trong đó có 2 cầu đặc biệt lớn; nâng cấp một số đoạn tuyến và cầu lớn trên tuyến hành lang ven biển phía Đông như QL50, QL60, cầu Mỹ Lợi, cầu Cổ Chiên; cơ bản thông tuyến đường cao tốc đoạn Trung Lương đi Mỹ Thuận, đang đầu tư cầu Mỹ Thuận 2 và đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ, nâng cấp một số tuyến QL trọng yếu (QL53, 57, 30…).

Về đường thủy nội địa, đã đầu tư nâng cấp 6 tuyến vận tải thủy chính kết nối TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ với vùng ĐBSCL đạt chuẩn tắc luồng; đã nâng cấp giai đoạn 1 kênh Chợ Gạo đảm bảo cho tàu trọng tải 800 - 1.000 tấn lợi dụng thủy triều hành thủy.

Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã triển khai đầu tư nhiều tuyến đường giao thông quan trọng trong vùng ĐBSCL

Về hàng hải, đã hoàn thành đầu tư 12 cảng biển, 40 bến cảng, 7,6 km cầu cảng, công suất thiết kế của các bến cảng trong khu vực khoảng 31 triệu tấn/năm. Trong đó việc hoàn thành và đưa vào sử dụng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu đã nâng cao hiệu quả khai thác các bến cảng tiếp nhận tàu trọng tải 20.000 tấn hiện có và phát triển những khu bến tiếp theo theo quy hoạch; đã bắt đầu hình thành những tuyến vận tải công ten nơ mới trên các tuyến biển gần cho các tàu công ten nơ sức chở 500 - 1.000 Teu.

Về hàng không, đã hoàn thành đầu tư 04 cảng hàng không, trong đó có 2 cảng hàng không quốc tế và 2 cảng hàng không nội địa với tổng công suất thiết kế 7,6 triệu hành khách/năm.

Các dự án được đầu tư và đưa vào khai thác đã thực sự phát huy hiệu quả, đều là những dự án động lực, quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng; các giải pháp đầu tư đã chú trọng đến thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đảm bảo ổn định bền vững.

Bên cạnh các kết quả đạt được, kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL vẫn chưa thực sự đột phá, đáp ứng nhu cầu phát triển, lên kết nội vùng và liên vùng, đặc biệt liên kết vùng ĐBSCL với Đông Nam Bộ còn yếu.

Hệ thống đường bộ cao tốc chưa hình thành, chất lượng mặt đường và quy mô một số tuyến còn hạn chế. Hệ thống đường thủy cơ bản đã được đầu tư phần luồng, tuy nhiên còn hạn chế tại các vị trí tĩnh không cầu nên chưa khai thác được hết công suất của tuyến luồng; logistics chưa phát triển.

Về đường biển, đã đầu tư các cảng trong khu vực, tuy nhiên luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu chưa được đầu tư hoàn thiện; chưa có cảng biển lớn cho cả vùng. Hàng không đã được quy hoạch và đầu tư xây dựng 04 cảng hàng không, tuy nhiên chưa khai thác hết công suất thiết kế do mật độ đường bay chưa cao, các cảng hàng không Cà Mau và Rạch giá chưa được nâng cấp. Đường sắt kết nối với TP. Hồ Chí Minh đã được quy hoạch nhưng do nguồn lực quá lớn nên chưa thể đầu tư được.

Về phương hướng, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL trong thời gian tới, Bộ GTVT cho biết sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực và tập trung phân bổ để đầu tư các công trình quan trọng có tính động lực, lan tỏa kết nối vùng và liên vùng như: các tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam kết nối ĐBSCL với Đông Nam Bộ, tuyến Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, An Hữu – Cao Lãnh, Mỹ An – Cao Lãnh, luồng cho tàu biển lớn vào Sông Hậu giai đoạn 2, các tuyến đường thủy chính… triển khai nghiên cứu để kêu gọi đầu tư tuyến đường sắt từ TP. HCM đi Cần Thơ.

Cụ thể, về đường bộ, tập trung hoàn thành các dự án trọng điểm đang triển khai trong vùng như: tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2, nâng cấp QL53 đoạn Trà Vinh – Long Toàn, QL57 đoạn Mỏ Cày đến Vĩnh Long, QL30 đoạn Cao Lãnh – Hồng Ngự, nâng cấp mặt đường tuyến Quản lộ - Phụng Hiệp, tuyến tránh QL1 qua thành phố Cà Mau, mở rộng QL1 đoạn Hậu Giang, Sóc Trăng…

Ưu tiên nguồn lực trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đầu tư các tuyến cao tốc trục dọc kết nối ĐBSCL với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ cũng như các tuyến kết nối nội vùng, như Cần Thơ - Cà Mau, Mỹ An - Cao Lãnh, An Hữu - Cao Lãnh, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh một số hạng mục trên tuyến N2 từ Cao Lãnh - Rạch Sỏi để đảm bảo khai thác theo tiêu chuẩn đường cao tốc, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành khoảng 300 km đường bộ cao tốc trong vùng.

Ưu tiên đầu tư các cầu đặc biệt lớn như Rạch Miễu 2, Đại Ngãi và nâng cấp một số tuyến quốc lộ là điểm nghẽn trong vùng.

Về hàng hải, triển khai Dự án luồng tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn hoàn chỉnh để đảm bảo cho tàu 10.000 tấn đầy tải, 20.000 tấn giảm tải vào các bến cảng khu vực Cần Thơ (khu bến Cái Cui, Hoàng Diệu); phối hợp với EVN để nạo vét đoạn luồng dùng chung vào bể cảng Nhà máy nhiệt điện trung tâm duyên Hải (Trà Vinh) cho tàu 30.000 tấn; tổ chức khai thác hiệu quả, hình thành các tuyến vận tải công ten nơ kết nối khu vực ĐBSCL với các cảng biển khu vực Đông Nam Bộ (Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải).

Khẩn trương hoàn thiện quy hoạch cảng đầu mối của vùng ĐBSCL (Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), phối hợp với các địa phương kêu gọi đầu tư, sớm xây dựng để có thể xuất khẩu hàng hóa trực tiếp, giảm chi phí trung chuyển...

Về hàng không, Bộ GTVT tiếp tục phối hợp với TP. Cần Thơ làm việc với các hãng hàng không nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách để khuyến khích các hãng hàng không mở thêm đường bay mới kết nối Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ với các thành phố trong nước và quốc tế, phát huy vai trò là thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL, đồng thời giảm tải cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện đang quá tải nghiêm trọng.

Đối với hàng không quốc tế Phú Quốc, trong giai đoạn 2021-2025, sẽ mở rộng sân đỗ và xây dựng nhà ga hành khách mới công suất 6 triệu hành khách/năm, nâng tổng công suất cảng hàng không lên 10 triệu hành khách/năm; điều chỉnh, mở rộng quy hoạch để bổ sung thêm đường cất hạ cánh số 2.

Riêng các cảng hàng không Rạch Giá, Cà Mau, Bộ GTVT sẽ phối hợp với UBND các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch hai cảng hàng không này để làm cơ sở đầu tư phát triển.

Về đường sắt, Bộ GTVT đang chỉ đạo lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ và sẽ phối hợp với các địa phương để kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhằm tăng cường kết nối TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL.

Về nhu cầu vốn để triển khai giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT cho biết, hiện nay, Bộ đã xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với tổng nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông của cả nước khoảng 573.466 tỷ đồng. Riêng đối với vùng ĐBSCL, Bộ GTVT đã cho chuẩn bị đầu tư mới 37 dự án đối với 04 lĩnh vực (đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không) với tổng mức đầu tư khoảng 182.713 tỷ đồng; nhu cầu vốn để hoàn thành 14 dự án chuyển tiếp với kinh phí khoảng 16.110 tỷ đồng (TMĐT là 58.254 tỷ đồng). Như vậy, tổng nhu cầu vốn ngân sách nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 khoảng 198.823 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhu cầu này gần như vượt quá khả năng cân đối. Trong điều kiện nguồn lực khó khăn như hiện này, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ cân đối tối thiểu khoảng 57.346 tỷ (tương đương 22,9% của ngành GTVT với phương án tối thiểu khoảng 250.000 tỷ đồng) để đầu tư cho các dự án động lực vùng.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, về quy hoạch, đến thời điểm này, Bộ GTVT đã hoàn thành 5 lĩnh vực quy hoạch giao thông. Trong quá trình làm, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với 13 tỉnh, thành và cũng yêu cầu các địa phương điều chỉnh quy hoạch giao thông địa phương, kết nối với giao thông Trung ương để làm sao có được hệ thống GTVT tốt nhất. Và trong tháng 4 này, Bộ GTVT sẽ trình 5 lĩnh vực quy hoạch này để Chính phủ phê duyệt quy hoạch GTVT của vùng và cả nước nói chung.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin thêm: “Trong quy hoạch vận tải có một điểm mới mang tính đột phá là sau khi nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng vùng ĐBSCL cần phải có một cảng nước sâu, là cửa ngõ để đưa hàng hóa của vùng ra thế giới cũng như nhập hàng hóa từ thế giới về ĐBSCL thông qua một cảng của khu vực. Do đó, chúng tôi mạnh dạn đề xuất quy hoạch cảng nước sâu Trần Đề có thể đón tàu khoảng 100 nghìn tấn. Chúng tôi sẽ xã hội hóa cảng này bằng cách kêu gọi các nhà đầu tư để hình thành cửa ngõ cho vùng ĐBSCL. Khi có cảng hàng không quốc tế Cần Thơ với cảng biển thì chúng tôi tin chắc rằng khu vực này sắp tới có chuyển dịch cơ cấu kinh tế rất tốt, đặc biệt là chuyển một số vùng đất không còn tiềm năng, thế mạnh, bị nhiễm mặn thành những khu vực công nghiệp để tạo công ăn việc làm, tạo động lực phát triển cho vùng”.

Trúc Giang

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/huy-dong-toi-da-moi-nguon-luc-de-dau-tu-cac-cong-trinh-giao-thong-quan-trong-vung-dbscl-d139352.html