Huy động sức mạnh toàn dân trong bảo vệ môi trường

Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về Cuộc vận động 'Người dân TP. Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước', nhiều quận, huyện tại TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng, nhân rộng mô hình, cách làm hay trong bảo vệ môi trường, từ đó, tạo được sự đồng thuận của đông đảo người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Triển khai nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả

Trưởng ban Dân vận Quận ủy quận 12 Nguyễn Văn Năm cho biết, trong 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Thành ủy, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ quận đến cơ sở đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc tăng cường xử phạt hành vi vi phạm về lĩnh vực môi trường; phát động nhiều phong trào hành động, hình thành nhiều mô hình, cách làm hay, huy động sức mạnh của nhân dân tại các địa bàn dân cư thực hiện cuộc vận động bảo vệ môi trường.

Chương trình "Đổi rác lấy quà" tại TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: ITN

Đồng thời, tuyên truyền, vận động đến các tầng lớp nhân dân và hộ gia đình; trong đó, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên làm nòng cốt, nêu gương trong tuyên truyền, vận động và thực hiện. Bên cạnh đó, hàng tuần vệ sinh, thu gom rác trở thành hoạt động thường xuyên, được sự quan tâm, phối hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của người dân. Nhiều khu vực về rác lưu cữu được tập trung xử lý, chuyển hóa thành khu sinh hoạt cộng đồng, mảng xanh. Đến nay, đã xử lý 78 điểm ô nhiễm về rác thải, trong đó đã chuyển hóa 30 điểm thành khu sinh hoạt cộng đồng như sân chơi thể thao, công viên, vườn hoa, cây xanh; 29 mảng xanh và giữ không để tái phát sinh rác thải là 19 điểm…

Khẳng định việc triển khai thực hiện cuộc vận động đã góp phần quan trọng giúp nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh về bảo vệ môi trường; Trưởng ban Dân vận Quận ủy quận 12 Nguyễn Văn Năm thông tin thêm, năm 2022, có 11/11 phường của quận được công nhận danh hiệu "Phường sạch, xanh và thân thiện môi trường" và 1 phường được đề xuất tuyên dương cấp thành phố; 80/80 khu phố được công nhận danh hiệu "Khu phố sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch"; 1 công trình, giải pháp, sáng kiến xanh được đề xuất tuyên dương cấp thành phố.

Nhờ triển khai quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị số 19-CT/TU rộng khắp trong hệ thống chính trị, trong các tầng lớp nhân dân, tình hình môi trường chung trên địa bàn huyện Củ Chi cũng có cải thiện; hình thành một số tuyến đường kiểu mẫu "Xanh - sạch - đẹp", các tuyến đường hoa tự quản "Xanh - sạch - đẹp - an toàn"; nhiều điểm đen về rác thải gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân được xử lý dứt điểm.

Đặc biệt, nhiều mô hình, cách làm hay đã phát huy hiệu quả và được duy trì thực hiện, tác động tích cực đến nhận thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Điển hình như mô hình tổ chức vận động người dân không rải vàng mã trên đường khi di quan của xã Tân Thạnh Tây, Trung Lập Thượng, Thái Mỹ; mô hình in quạt nhựa có nội dung tuyên truyền hướng dẫn phân loại rác tại nguồn và thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU của UBND xã Nhuận Đức. Hay mô hình tặng thùng chứa rác cho khu dân cư của xã Tân Thạnh Tây, Hòa Phú, Trung Lập Thượng, Tân An Hội, Phú Mỹ Hưng, Tân Thông Hội… đã lan tỏa rộng rãi đến 20 xã, thị trấn, với hơn 14.650 thùng rác, nâng tổng số thùng rác của huyện lên hơn 18.460 thùng.

Việc triển khai nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả đã giúp huyện Củ Chi "gặt trái ngọt" với 178/178 khu phố - ấp trên địa bàn huyện được công nhận danh hiệu "Khu phố - Ấp sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch"; 21/21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện được công nhận danh hiệu "Phường - xã - thị trấn không xả rác ra đường và kênh rạch". Trong đó, 26 công trình, 16 giải pháp, 2 sáng kiến được công nhận Công trình giải pháp, sáng kiến xanh; 21/21 xã được công nhận danh hiệu "Phường - xã - thị trấn sạch - xanh"; 19/21 xã, thị trấn được công nhận danh hiệu "Phường - xã - thị trấn sạch - xanh - thân thiện môi trường"; 8 xã, thị trấn có công trình nạo vét các tuyến kênh rạch, trục vớt lục bình, rong cỏ, dọn dẹp vệ sinh môi trường.

Tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động

Tại buổi giám sát của Ban Dân vận Thành ủy TP. Hồ Chí Minh về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU mới đây, các đại biểu đề nghị, huyện Củ Chi cần tăng cường tuyên truyền trong nhân dân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; tiếp tục tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia các hoạt động vì môi trường tại cộng đồng dân cư; chủ động dọn vệ sinh nơi ở, khu vực phía trước nhà và trồng hoa, mảng xanh; tham gia giám sát, phản ánh kịp thời cho cấp ủy, chính quyền các trường hợp vi phạm về lĩnh vực môi trường. Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện; tập trung thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, duy trì chất lượng cuộc sống của người dân, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường.

Ghi nhận và đánh giá cao Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Củ Chi đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Bạch Mai đề nghị, huyện Củ Chi tiếp tục vận động nhân dân đăng ký thu gom rác, phân loại rác tại nguồn, bỏ rác đúng nơi quy định, tạo điều kiện cho người dân tự giác tham gia vệ sinh khu vực nhà ở, khu dân cư, các tuyến đường trên địa bàn huyện; đấu tranh với hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh và duy trì công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, tăng cường công tác tuyên truyền đối với nhóm đối tượng công nhân, người lao động tại các nhà máy, cơ sở sản xuất và tại các khu vực nhà trọ.

Bên cạnh đó, duy trì và nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả trong thời gian qua của các địa phương, cơ quan, đơn vị; phát huy vai trò tự quản của các hội, đoàn thể, chi - tổ hội trong quản lý các tuyến đường phụ trách. Ngoài ra, tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, chức sắc tôn giáo, người có uy tín, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong công tác vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Với quận 12, bà Nguyễn Thị Bạch Mai đề nghị, quận tiếp tục tuyên truyền, quán triệt trong hệ thống chính trị và tăng cường vận động nhân dân nâng cao ý thức tích cực tham gia thực hiện Chỉ thị 19; đẩy mạnh các phong trào, hoạt động ra quân giữ gìn vệ sinh môi trường; giải quyết dứt điểm các vị trí ứ đọng, phát sinh về rác.

Bên cạnh đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm trong tiếp nhận thông tin phản ánh hành vi vi phạm về lĩnh vực bảo vệ môi trường và kiểm tra, xử lý kiên quyết theo thẩm quyền quy định. Ngoài ra, tăng cường thực hiện xã hội hóa về giao thông, cây xanh, trước tiên xác định những vị trí cần tập trung thực hiện trong năm 2023; tiếp tục xây dựng và thực hiện mô hình tự quản về bảo vệ môi trường; xây dựng và tổ chức thực hiện tuyến đường văn minh - mỹ quan đô thị và nhân rộng mô hình, cách làm hay.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, quận 12 cần quan tâm xử lý nghiêm về vứt rác, vật dụng cũ không sử dụng ở nơi trống vắng vào nhiều thời điểm trong ngày. Bên cạnh đó, vận động nhân dân sử dụng túi giấy, túi thân thiện môi trường, túi tự hủy trong kinh doanh; vận động cán bộ, hội viên và nhân dân không xả rác ra đường và kênh rạch… Từ đó, góp phần tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động của người dân trong bảo vệ môi trường.

(1 tin, 1 bài 2 ảnh TRANG 2 số gộp 2.9)

Song Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/huy-dong-suc-manh-toan-dan-trong-bao-ve-moi-truong-i341731/