Huy động nhiều nguồn điện giá đắt để giữ nước cho thủy điện

Hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải huy động tất cả các nguồn nhiệt điện than, kể cả nguồn điện giá cao như khí, dầu, với giá thành lên gần 5.000 đồng/kWh, để đảm bảo giữ nước tối đa cho mùa khô.

Tiêu thụ điện tăng vọt

Theo Báo cáo của Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0), trong 3 tháng đầu năm, lượng điện tiêu thụ toàn quốc trung bình 762 triệu kWh/ngày. Nhưng ngày đầu tháng 4, có thời điểm vọt lên hơn 900 triệu kWh/ngày, tăng 11% so với đầu năm.

Dự báo, vào giai đoạn tháng 4 đến tháng 7, công suất đỉnh hệ thống điện miền Bắc dự kiến đạt 27.481 MW, tương đương mức tăng 17% so với kỷ lục vận hành cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, công suất khả dụng truyền thống chỉ đạt 23.900-24.500 MW - tức là thiếu khoảng 2.981-3.581 MW.

Thủy điện thường dùng để đáp ứng phần đỉnh (công suất cực đại) nhờ yêu cầu cao về tính linh hoạt mang tải.

Với thực trạng trên, ông Nguyễn Quốc Trung, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia lo lắng cho việc cung ứng điện miền Bắc những tháng mùa khô trong bối cảnh dự báo, nắng nóng đến sớm trong năm 2024 khiến nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc cao hơn so với trung bình nhiều năm ngưỡng 0.5-1.5 độ C, dự kiến xuất hiện tình trạng nắng nóng kéo dài, lưu lượng nước về các hồ thủy điện giảm so với hằng năm.

Thủy điện là nguồn điện ổn định, có thể khởi động và phát đến công suất tối đa chỉ trong vòng vài phút, trong khi nhiệt điện (trừ tua bin khí - gas turbine) phải mất vài giờ. Vì thế, thủy điện thường dùng để đáp ứng phần đỉnh (công suất cực đại) nhờ yêu cầu cao về tính linh hoạt mang tải. Đây cũng là lý do từ đầu năm việc giữ nước tối đa cho thủy điện được ưu tiên hàng đầu.

Sức ép giá điện

Thực tế này dẫn đến việc phương án phát điện hiện nay vẫn dựa chủ yếu vào điện than và điện khí. Bởi với năng lượng tái tạo, dù điện mặt trời, điện gió đã tăng lên rất nhiều nhưng sản lượng đóng góp thực tế rất thấp. EVN cũng đã phải nhập nguồn khí hóa lỏng LNG với giá thành cao để cấp điện cho khu vực miền Nam.

"Đây là giải pháp được áp dụng để giảm bớt gánh nặng cung ứng điện cho hệ thống nhưng đồng nghĩa tăng sức ép giá điện rất lớn", Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, hiện tập đoàn phải huy động tất cả các nguồn nhiệt điện than, kể cả nguồn điện giá cao như khí, dầu. Với nguồn điện dầu có giá thành lên gần 5.000 đồng/kWh, trong khi đó, giá bán điện bình quân cho khách hàng chỉ 2.006,79 đồng/kWh. Còn nguồn điện khí với giá thành khoảng 2.500-3.000 đồng/kWh.

Huy động tối đa nguồn nhiệt điện.

Như vậy, EVN chịu lỗ cho mỗi kWh điện chạy khí và dầu ngưỡng từ 500-3.000 đồng.

Theo kế hoạch, năm nay, nguồn nhiệt điện sẽ huy động với mức tăng trưởng 145% so với 2023.

Còn đối với năng lượng tái tạo, EVN sẽ huy động tối đa nguồn năng lượng này vào các ngày trong tuần, trừ các ngày thứ 7, chủ nhật và ngày lễ.

"Năm nay ngành điện sẽ huy động nguồn điện gió cao hơn năm ngoái 25% trong khi đó, nguồn điện mặt trời cũng sẽ được huy động cao hơn năm ngoái 19%", lãnh đạo EVN cho biết.

Trong bối cảnh, nguồn điện phần lớn tập trung ở miền Trung và miền Nam, còn nguồn điện mới tại miền Bắc năm 2024 chỉ tăng khoảng 399 MW - thấp hơn so với mức tăng trưởng công suất đỉnh gần 3.913 MW, lãnh đạo EVN kêu gọi sự chung tay tiết kiệm điện của toàn dân, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn có mức tiêu thụ lớn (có mức tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên) tích cực tham gia các chương trình dịch chuyển phụ tải điện và điều chỉnh phụ tải điện.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/huy-dong-nhieu-nguon-dien-gia-dat-de-giu-nuoc-cho-thuy-dien-192240405144423913.htm