Hữu Lũng: Sức bật từ du lịch

Hữu Lũng là huyện có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ huyện Hữu Lũng đã xác định hướng phát triển và đặt ra những mục tiêu cụ thể. Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, du lịch huyện đã có sự phát triển mạnh mẽ, đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Hữu Lũng là huyện có tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, bao gồm hệ thống 84 di tích văn hóa, lịch sử; danh lam, thắng cảnh độc đáo, cùng các giá trị văn hóa bản địa của dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan (có các làn điệu hát Then, hát Lượn, hát Lượn cổ Tày, Nùng; múa Chầu, múa Sư tử…). Phát huy những lợi thế này, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực nhằm phát triển du lịch. Nhờ đó, huyện đã có 4 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận gồm: đền Bắc Lệ (xã Tân Thành), đền Quan Giám Sát (xã Hòa Lạc), du lịch sinh thái cộng đồng xã Hữu Liên và du lịch cộng đồng xã Yên Thịnh.

Ban hành nghị quyết chuyên đề

Để tạo đột phá trong phát triển du lịch, ngày 13/4/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hữu Lũng ban hành Nghị quyết số 14 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch leo núi thể thao mạo hiểm tại xã Hữu Liên, Yên Thịnh (gọi tắt là Nghị quyết 14).

Du khách trải nghiệm chèo thuyền tại hồ Nong Dùng, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng

Du khách trải nghiệm chèo thuyền tại hồ Nong Dùng, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng

Theo tinh thần Nghị quyết 14, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với phát triển du lịch đã được tăng cường; đồng thời, huyện tập trung rà soát, đánh giá, bổ sung quy hoạch các khu, điểm du lịch trọng tâm, trọng điểm; định hướng, tạo điều kiện khuyến khích phát huy các sản phẩm du lịch có lợi thế cạnh tranh tại xã Hữu Liên, Yên Thịnh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng cường thu hút các nhà đầu tư, tạo động lực thúc đẩy xã hội hóa lĩnh vực du lịch… Một số chỉ tiêu được xác định cụ thể như: thu hút trên 200 nghìn lượt khách tham quan du lịch, trong đó có trên 100 nghìn lượt khách lưu trú du lịch vào năm 2025 và thu hút trên 300 nghìn lượt khách tham quan du lịch, trong đó có trên 150 nghìn lượt khách lưu trú du lịch vào năm 2030; lao động trong lĩnh vực du lịch có trên 300 người vào năm 2025 và trên 500 người vào năm 2030, trong đó có trên 60% lao động được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ…

Để thực hiện từng nội dung, các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn đã xây dựng ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện công tác quản lý, phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

Ông Hoàng Đức Thuận, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hữu Liên cho biết: Ngay sau khi Nghị quyết 14 được ban hành, Đảng ủy xã đã xây dựng chương trình hành động về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong xây dựng môi trường du lịch phát triển bền vững. Nhờ đó, du lịch trên địa bàn đã có nhiều khởi sắc. Nếu như năm 2018, làng du lịch mới có 6 hộ đủ điều kiện đón khách thì đến nay làng đã phát triển được 22 hộ làm du lịch cộng đồng.

Điển hình như gia đình chị Lèo Thị Thim, Chủ Homestay Rừng Xanh, làng du lịch cộng đồng Hữu Liên. Chị Thim cho biết: “Nhờ được tuyên truyền và nghiên cứu nghị quyết của huyện, tôi nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc phát triển du lịch. Kể từ khi làm du lịch đến nay, chúng tôi được cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ trang thiết bị, tập huấn công tác phục vụ khách, tập huấn ngoại ngữ… nhờ đó, gia đình tôi đã có nguồn thu nhập ổn định từ làm du lịch”.

Gia đình chị Thim chỉ là một trong rất nhiều hộ khác đã có cuộc sống đổi thay nhờ Nghị quyết 14. Được biết, từ năm 2021 đến nay, trung bình mỗi năm, doanh thu từ du lịch của Hữu Liên ước đạt khoảng 1 tỷ đồng.

Ngoài Hữu Liên, xã Yên Thịnh hiện nay cũng đã và đang tập trung xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới. Cụ thể ngoài hình thành bộ môn thể thao leo núi với 12 điểm leo với khoảng hơn 148 đường leo ở nhiều cấp độ khác nhau (tăng 4 điểm leo và 38 đường leo so với năm 2020), xã đang tập trung triển khai xây dựng thêm sản phẩm du lịch nông nghiệp trải nghiệm vườn na, quýt, bưởi và hoạt động du lịch camping tại các thôn Tân Yên, Làng Áng, cầu Gạo Trong. Được biết, trong 4 tháng đầu năm 2023, Yên Thịnh đã đón trên 1 nghìn lượt khách (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022). Qua đó, du lịch cộng đồng tại Hữu Liên, Yên Thịnh đã tạo điểm nhấn và động lực để huyện tập trung nguồn lực thúc đẩy phát triển toàn diện du lịch trên địa bàn.

Tập trung nguồn lực đầu tư

Không chỉ tại 2 xã Hữu Liên, Yên Thịnh, để phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch của toàn huyện, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch, tập trung nguồn lực để tạo sự đột phá.

Ông Khổng Hồng Minh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hữu Lũng cho biết: Trong những năm qua, phòng đã tích cực tham mưu Huyện ủy, UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác quản lý, phát triển du lịch… Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy và UBND huyện, chúng tôi đã triển khai công tác quản lý, phát triển du lịch trên địa bàn huyện với nhiều giải pháp cụ thể như: quy hoạch và xác định các tuyến, điểm du lịch; củng cố, xây dựng các điểm, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, xúc tiến đầu tư du lịch; phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ phát triển du lịch; nâng cao năng lực và hiệu lực quản lý Nhà nước về du lịch…

Nổi bật từ năm 2021 đến nay, UBND huyện Hữu Lũng đã phối hợp với các công ty du lịch lớn triển khai các dự án phát triển du lịch mới với số vốn hàng chục tỷ đồng như: dự án phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; dự án Đầu tư phát triển nông nghiệp kết hợp tham quan sinh thái; dự án du lịch sinh thái văn hóa dân tộc…

Đáng chú ý, công tác hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch được huyện chú trọng. Từ năm 2021 đến nay, từ nguồn ngân sách và nguồn xã hội hóa, UBND huyện đã đầu tư và phân bổ trên 8 tỷ đồng phục vụ việc phát triển du lịch trên địa bàn (trong đó nguồn vốn xã hội hóa hơn 5 tỷ đồng). UBND huyện đã hoàn thành xây dựng các hạng mục công trình tại danh thắng Đồng Lâm, Làng du lịch cộng đồng Hữu Liên; bãi đỗ xe Làng du lịch cộng đồng Yên Thịnh với số tiền trên 2,6 tỷ đồng. Đồng thời, từ năm 2022 đến nay, huyện giải ngân hỗ trợ cho 11 hộ homestay (20 triệu đồng/hộ) với tổng số tiền 220 triệu đồng theo Nghị quyết 17/2020/NQ-HĐND ngày 14/12/2020 của HĐND tỉnh về “Quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025”.

Đến nay, toàn huyện có 3 khách sạn, 22 nhà nghỉ du lịch, 22 nhà ở lưu trú có phòng cho khách du lịch thuê (homestay); 1 bãi cắm trại du lịch. Ngoài ra, dọc quốc lộ 1A (đoạn đi qua Hữu Lũng) có 17 nhà hàng, trạm dừng nghỉ, hàng năm đã tiếp đón, phục vụ hàng trăm nghìn lượt khách đường dài, lưu trú trên địa bàn huyện.

Xã Tân Thành là điểm sáng trong thực hiện các hoạt động phát triển du lịch tâm linh. Ông Phùng Văn Quang, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để nâng cao hơn nữa chất lượng du lịch tâm linh trên địa bàn xã, UBND xã đã xin ý kiến UBND huyện và đang triển khai xây dựng bãi đỗ xe trung tâm xã gần đền Bắc Lệ với tổng diện tích trên 3 ha. Đồng thời, huy động nguồn lực xã hội hóa gần 200 triệu đồng tu sửa đền Bắc Lệ. Bên cạnh đó, chúng tôi duy trì tổ chức lễ hội truyền thống đền Bắc Lệ hằng năm phục vụ khách tham quan du lịch. Nhờ đó, doanh thu từ du lịch của xã năm 2022 đạt hơn 10 tỷ đồng (tăng 20% so với năm 2021). Riêng 3 tháng đầu năm xã đã đón hơn 200 nghìn lượt khách (tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022).

Ngoài ra, công tác tuyên truyền quảng bá và hợp tác phát triển du lịch được huyện đẩy mạnh. Từ năm 2021 đến nay, Phòng Văn hóa, Thông tin và Truyền thông huyện đã hối hợp với Đoàn làm phim Ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam quay phim tài liệu khoa học về di sản địa chất và giới thiệu, quảng bá về văn hóa – du lịch trên địa bàn huyện; cung cấp thông tin, thu thập tư liệu, hình ảnh, nội dung, xây dựng cuốn tài liệu “Lạng Sơn – Tiềm năng xây dựng và phát triển công viên Địa chất Toàn cầu”… Tham gia trưng bày tại Lễ hội Kỳ Hoa Lạng Sơn năm 2022, giới thiệu sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương để giới thiệu tới du khách; gặp gỡ, đi thực địa tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện và cung cấp thông tin cho 16 cơ quan báo chí…

Thực tế trên cho thấy, với sự vào cuộc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư xứng đáng, cùng nhiều cơ chế đặc thù, sự đồng lòng của người dân đã phát huy tối đa tiềm năng, đưa du lịch huyện Hữu Lũng bứt phá, góp phần tạo sức bật cho phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện. Trong 3 năm (2021-2023), tổng lượng khách du lịch đến huyện ước đạt trên 1 triệu lượt người, bằng 160,43% so với chỉ tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIV nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra, tổng doanh thu du lịch ước đạt trên 200 tỷ đồng.

TUYẾT MAi - DƯƠNG DUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/du-lich/585627-huu-lung-suc-bat-tu-du-lich.html