Hữu Liên: Triển vọng từ phát triển mô hình chăn nuôi ngưạTin khácPhát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm xây dựng tỉnh Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vữngLập thành tích chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh: Điểm nhấn từ phong trào thi đua đặc biệt

Người dân thôn Đoàn Kết, xã Hữu Liên chăm sóc đàn ngựa

– Vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng đã tận dụng lợi thế đồng cỏ rộng lớn, nguồn thức ăn dồi dào để phát triển chăn nuôi ngựa. Mô hình chăn nuôi này đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn xã.

Là một trong những hộ tiên phong phát triển mô hình chăn nuôi ngựa, anh Hoàng Văn Mạch, thôn Đoàn Kết cho biết: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu chăn nuôi trâu, bò để lấy sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, gia đình đầu tư nhiều loại máy móc hiện đại phục vụ sản xuất nên tổng đàn trâu, bò giảm dần.

Nhận thấy diện tích đồng cỏ rộng lớn, nguồn thức ăn tương đối dồi dào, chăn nuôi ngựa cho hiệu quả kinh tế cao, nhất là ngựa bạch nên từ năm 2011, tôi đầu tư mua 2 con ngựa về nuôi. Đến năm 2014, tôi đầu tư mua thêm 2 con ngựa bạch giống sinh sản. Đến nay, gia đình tôi đã tăng đàn lên 14 con, trong đó có 6 con ngựa bạch. Trung bình mỗi năm, tôi bán 3 con ngựa, thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng.

Không chỉ hộ anh Mạch mà nhiều hộ trên địa bàn thôn Đoàn Kết cũng đầu tư phát triển chăn nuôi ngựa cho thu nhập khá. Ông Hoàng Văn Nguyễn, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đoàn Kết cho biết: Trên địa bàn thôn có khoảng 20 hộ đang phát triển chăn nuôi ngựa với tổng đàn trên 90 con. Hộ nuôi nhiều nhất có 14 con, hộ nuôi ít có từ 1 đến 2 con. Mô hình chăn nuôi ngựa đang bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ chăn nuôi đã có thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng mỗi năm từ bán ngựa.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: trước đây, người dân xã Hữu Liên chủ yếu phát triển chăn nuôi trâu, bò, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh cùng với nhu cầu về sức kéo giảm nên từ năm 2011, một số hộ đã chuyển sang chăn nuôi ngựa. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, khoảng 5 năm trở lại đây, người dân bắt đầu mở rộng và phát triển đàn ngựa tại xã theo hướng hàng hóa.

Theo các hộ chăn nuôi ngựa trên địa bàn xã, do ngựa bạch cho giá trị kinh tế cao nên hiện nay, nhiều hộ dân chuyển sang đầu tư nuôi ngựa bạch. Theo đó, ngựa bạch con nuôi trên 5 tháng sẽ cho xuất bán với giá khoảng 30 đến 35 triệu đồng/con, gần gấp đôi so với ngựa thường. Đối với ngựa bạch trưởng thành, giá bán từ 55 đến 90 triệu đồng/con.

Để phong trào chăn nuôi phát triển, hằng năm, chính quyền xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức trung bình từ 2 đến 3 lớp tập huấn lồng ghép về các kỹ thuật chăn nuôi cho bà con, trong đó có kỹ thuật chăm sóc đàn ngựa. Qua đó, người dân có thêm kiến thức áp dụng vào quá trình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, đầu năm 2021, UBND xã đã phối hợp với Hội Nông dân huyện tạo điều kiện, hướng dẫn 10 hội viên nông dân vay 500 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh để phát triển chăn nuôi ngựa sinh sản.

Theo số liệu thống kê, toàn xã hiện có 55 hộ phát triển chăn nuôi ngựa với tổng đàn khoảng 200 con. Chăn nuôi ngựa phát triển nhiều ở các thôn như: Đoàn Kết (90 con), Làng Bên (50 con), Tân Lai (40 con). Nhờ phát triển chăn nuôi ngựa mà nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo như hộ: ông Hoàng Văn Chánh, ông Hoàng Mạnh Được, thôn Đoàn Kết; ông Vy Văn Bạo, thôn Làng Bên… (đều có thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng mỗi năm).

Để đàn ngựa phát triển, tăng đàn, các hộ chăn nuôi đã chú trọng chăm sóc, chế biến và bổ sung thức ăn như: thóc, ngô, rơm rạ, cỏ khô, thân cây ngô. Đồng thời, công tác phòng, trị bệnh cho đàn ngựa được người dân đặc biệt quan tâm như: kỹ thuật vệ sinh, tiêu độc, sát trùng chuồng trại, cách ly, tiêm vắc xin phòng bệnh… nên trong nhiều năm qua, đàn ngựa luôn sinh trưởng, phát triển tốt, đã và đang mạng lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần nâng cao đời sống của bà con.

Ông Hoàng Thanh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Liên cho biết: Hữu Liên có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển chăn nuôi ngựa. Thời gian tới, chính quyền xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, tạo điều kiện để các hộ mở rộng quy mô, tăng đàn ngựa, trong đó chú trọng phát triển đàn ngựa bạch. Đồng thời, khuyến khích bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

LIỄU CHANG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/459235-huu-lien-trien-vong-tu-phat-trien-mo-hinh-chan-nuoi-ngua.html