Hút doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng giao thông

Để phát huy thế mạnh kinh tế Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ cần xác định việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ. Song thực tế vẫn còn những điểm nghẽn trong thu hút đầu tư đến từ nhiều phía.

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong thủ tục đầu tư

Đường bộ cao tốc là phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn sẽ tạo điều kiện kết nối Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ với Vùng Thủ đô Hà Nội theo mô hình hướng tâm. Từ liên kết các địa phương với nhau đi lên các cửa khẩu và về với Vùng Thủ đô Hà Nội để đi ra cảng biển và các vùng khác trong cả nước, phục vụ hành khách, hàng hóa ở các chặng đường ngắn và trung bình. Đồng thời sẽ kết nối đến các phương thức vận tải đường dài như đường sắt, đường biển.

Theo Đề án thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, kết quả tính toán trên một số tuyến đường cao tốc đã đầu tư trong giai đoạn 2010 – 2020 khi có tuyến cao tốc đi qua địa bàn thì tốc độ tăng trưởng GRDP của từng địa phương sẽ tăng từ 1,1-2,0%/năm; tạo thêm việc làm; thúc đẩy thu hút đầu tư.

Thực tế cho thấy, ngoài những điểm đến là các đô thị trung tâm tỉnh, các không gian kinh tế quan trọng của Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ sẽ không thể tách rời hệ thống giao thông vận tải, được xác định là các khu kinh tế cửa khẩu, khu, điểm du lịch và những khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt lưu ý đến những ngành như khai thác chế biến khoáng sản, chế biến nông sản. Song bức tranh chung các tuyến đường kết nối Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ với các vùng động lực kinh tế còn hạn chế.

Phát triển hạ tầng giao thông sẽ đẩy mạnh hút doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế. Ảnh minh họa

Chuyên gia dự án PCI (Ban Pháp chế VCCI) Trương Đức Trọng cho rằng, nhà đầu tư khi đến với địa phương cần rất nhiều yếu tố như điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, cho đến các vấn đề về chính sách và các hoạt động tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Dưới góc độ của mình Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Hữu Thập thẳng thắn, hiện các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong thủ tục đầu tư dự án, đặc biệt là các dự án đầu tư, xây dựng có sử dụng đất. Các khó khăn này đến từ việc bất cập trong văn bản quy phạm pháp luật, các dự án bị chững lại, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Vùng và Địa phương (Ban Kinh tế Trung ương) Hoàng Trường Giang chỉ ra, 3 vấn đề lớn liên quan nhiều đến doanh nghiệp là công tác quy hoạch còn chậm, số tỉnh phê duyệt quy hoạch chung còn ít; Cơ sở hạ tầng, nhất là các đường giao thông kết nối các tỉnh và địa phương còn hạn chế; Cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Phê duyệt chủ trương các dự án đầu tư vẫn còn chậm.

Vì vậy ông đề nghị, các cấp các ngành và địa phương cần chủ động hơn nữa, cùng đồng hành với doanh nghiệp trong việc tháo gỡ những điểm nghẽn, từ đó mở rộng luồng đầu tư vào Vùng.

Ưu tiên lựa chọn đầu tư

Để giải quyết vấn đề, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (Bộ GTVT) Phạm Hoài Chung nhận định, trọng tâm có 2 loại hình giao thông được coi là phù hợp nên tập trung ưu tiên đầu tư sớm đó là đường bộ cao tốc và cảng hàng không.

Dù vậy, việc kêu gọi đầu tư xã hội – đầu tư PPP vào loại hình này ở Vùng còn khó khi nhà đầu tư nhìn hiệu quả tài chính phụ thuộc vào lưu lượng xe. Do đó, các tỉnh có thể kêu gọi doanh nghiệp theo hướng gắn với hệ sinh thái, có chuỗi giá trị đầu tư thông qua hệ sinh thái gắn kết với dự án đầu tư giao thông để phát huy giá trị như đầu tư hệ sinh thái du lịch, nghĩ dưỡng, hoặc khai thác khoáng sản…

“Đường bộ cao tốc là loại hình giao thông cần được ưu tiên hơn vì sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho đại đa số người dân, doanh nghiệp trong việc tiết kiệm nhiều thời gian di chuyển, kịp thời đưa sản phẩm, dịch vụ đến với thị trường” – ông Phạm Hoài Chung nói.

Thứ nữa, để kết nối nhanh và thu hút đầu tư với các tỉnh phải đẩy mạnh hệ thống cảng hàng không. Trước hết, về các cơ hội tham gia đầu tư cảng hàng không trong Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không sân bay toàn quốc 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hồ Thủy điện Hòa Bình hút khách du lịch nhờ vào hạ tầng giao thông tương đối thuận tiện. Ảnh: Khắc Kiên

Theo đó, trong Vùng sẽ có 3 cảng hàng không trong lộ trình đầu tư dự kiến đến 2030 cần được kêu gọi: Dự án cảng hàng không Sa Pa (tỉnh Lào Cai) khoảng 4.200 tỷ đồng; Dự án cảng hàng không Lai Châu (tỉnh Lai Châu) khoảng 4.350 tỷ đồng; Dự án cảng hàng không Nà Sản (tỉnh Sơn La) khoảng 5.688 tỷ đồng…

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể xem xét tham gia đầu tư kinh doanh bến tàu khách (cùng với các dịch vụ du lịch) tại các vùng hồ lớn như: thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu, hồ Na Hang, Ba Bể, Núi Cốc, Cấm Sơn, Khuôn Thần…

“Các doanh nghiệp đầu tư dự án hạ tầng giao thông cảng hàng không, sân bay yêu cầu phải mạnh. Nghĩa là có chuỗi giá trị đầu tư thông qua hệ sinh thái gắn kết giá trị như đầu tư hệ sinh thái du lịch, nghỉ dưỡng, khai thác khoáng sản, khu đô thị sân bay…” - ông Phạm Hoài Chung chỉ ra.

Bên cạnh đó, loại hình vận tải cũng nên chú trọng là đầu tư đường sắt kết nối. Hiện 90% vận tải của Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ phụ thuộc vào vận tải đường bộ. Do đó, cần quan tâm đẩy mạnh phát triển hạ tầng đường sắt để kết nối với các vùng lân cận, tạo thuận lợi cho lưu thông và nâng cao giá trị hàng hóa của vùng.

Trước thách thức trong việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng giao thông của Vùng là khó, các tỉnh cần quan tâm phát triển cảng cạn (ICD) và các trung tâm logistics là “cánh tay nối dài” của cảng biển để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Khắc Kiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hut-doanh-nghiep-dau-tu-phat-trien-ha-tang-giao-thong.html