Hương vị đoàn viên

Trong ký ức tuổi thơ tôi, bánh pía là một món ăn không thể thiếu của gia đình trong những ngày tết Trung thu, tết Nguyên đán. Hồi cái thời còn thiếu thốn, giao thương chưa phát triển, có thèm thuồng cái hương vị đặc trưng của món bánh trứ danh này cũng chỉ biết đợi đến những ngày Tết như vậy mà thôi. Sau này lớn lên còn biết được, bánh pía được xem như là một biểu tượng văn hóa của Sóc Trăng, là một món ăn đặc sản gắn liền với làng nghề Vũng Thơm (xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng). Đi đến đâu, các danh hiệu này cũng làm nổi bật lên niềm tự hào cho một vùng đất mang nhiều đặc trưng 3 dân tộc.

Một loại bánh đậm chất văn hóa

Bánh pía ở Sóc Trăng có nguồn gốc từ bánh trung thu của người Triều Châu. Vì vậy, các cơ sở, lò sản xuất bánh pía Sóc Trăng đa phần đều là của người Hoa, với những đặc trưng văn hóa riêng của mình. Từ ‘’pía’’ có gốc từ tiếng Triều Châu - ‘’pi-é’’ có nghĩa là bánh.

Bánh pía Sóc Trăng không chỉ khẳng định thương hiệu trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước trên thế giới. Ảnh: XUÂN HƯƠNG

Bánh pía Sóc Trăng không chỉ khẳng định thương hiệu trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước trên thế giới. Ảnh: XUÂN HƯƠNG

Dọc theo tuyến Quốc lộ 1, thuộc địa phận xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, có lẽ không ai xa lạ gì với Doanh nghiệp tư nhân Công Lập Thành. Từ một lò bánh sản xuất thủ công nhỏ lẻ ra đời ở làng nghề truyền thống bánh pía - lạp xưởng Vũng Thơm, qua gần 60 năm không ngừng phát triển vững mạnh, đến nay Công Lập Thành đã trở thành thương hiệu uy tín, quen thuộc đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Theo anh Ông Quốc Đức - Trợ lý doanh nghiệp, thì lò bánh của gia đình ra đời từ năm 1963, được truyền lại qua nhiều thế hệ. Cũng là vỏ bột mì, nhân đậu xanh hoặc khoai môn tán nhuyễn trộn với sầu riêng hay mỡ heo xắt sợi, lòng đỏ trứng vịt muối nhưng bằng sự khéo léo, tâm huyết của nghệ nhân sẽ cho ra cái bánh pía không quá ngọt, không quá béo; lớp vỏ bánh không khô cứng mà mềm dẻo, mịn màng ôm lấy nhân bánh thơm ngọt phía trong. Nhờ vậy mà thương hiệu bánh pía Sóc Trăng nói chung và Công Lập Thành nói riêng được nhiều người ưa chuộng.

Lựa chọn nguyên liệu để làm bánh là một khâu quan trọng quyết định đến chất lượng của bánh, chỉ có những nghệ nhân, người thợ lành nghề nhiều năm kinh nghiệm mới có thể làm được mà không một máy móc nào có thể thay thế. Chẳng hạn, đậu xanh phải được tỉ mỉ loại bỏ từng hạt bị sâu, bị lép, không đạt yêu cầu nhằm đảm bảo khi hấp xong làm nhân phải thơm ngon nhất; với mỡ heo, người làm bánh phải luôn chọn mỡ của heo tơ, đảm bảo độ dẻo và thơm; trứng vịt muối cũng phải lựa từng trứng tròn, béo, thơm, dẻo; ngay cả sầu riêng làm nhân cũng phải là loại sầu riêng hạt lép có độ ngọt, thơm và béo ngậy; đặc biệt là lá can xại - lá củ cải muối, nguyên liệu góp phần làm nên hương vị khác biệt chế biến cùng với mỡ heo và các thành phần thảo mộc tạo nên nước sốt với hương vị thơm ngon, vừa ăn.

Ngày nay, các cơ sở sản xuất bánh pía luôn kết hợp giữa bàn tay khéo léo của nghệ nhân và máy móc hiện đại để đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu thị trường. Ảnh: XUÂN HƯƠNG

Ngày nay, các cơ sở sản xuất bánh pía luôn kết hợp giữa bàn tay khéo léo của nghệ nhân và máy móc hiện đại để đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu thị trường. Ảnh: XUÂN HƯƠNG

Vì quá trình làm bánh pía truyền thống phải trải qua nhiều giai đoạn thủ công rất cực nhọc nên trước đây bánh chỉ được làm nhiều vào dịp tết Trung thu và tết Nguyên đán. Ngày nay, với sự phát triển của xã hội, nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng ngày càng nhiều nên việc vận dụng các trang thiết bị, máy móc hiện đại là điều tất yếu, chúng ta có thể dễ dàng mua bánh pía vào bất kỳ thời gian nào trong năm.

Giá trị kinh tế mang lại từ bánh pía

Bánh pía còn là sản phẩm mang lại lợi nhuận cho các cơ sở, các lò sản xuất trên thị trường tỉnh và thị trường cả khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có rất nhiều cơ sở, đại lý bánh pía, hầu như là trên toàn địa bàn tỉnh. Trên đoạn đường dọc theo Quốc lộ 1A, khu vực xã An Hiệp, huyện Châu Thành, các lò bánh pía lớn được xây dựng rất quy mô. Các quán ăn, các gian hàng nhỏ bán rất nhiều loại bánh pía chủ yếu cho khách thập phương khi đi ngang tỉnh có thể mua về ăn hoặc làm quà biếu cho bạn bè và người thân.

Bên cạnh đó, làng nghề này cũng đã mang lại cho người lao động nguồn thu nhập khá ổn định. Trước khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra, khoảng thời gian tháng 7, tháng 8 đến tháng 12 hàng năm, các lò bánh cần nhiều lao động để tăng lượng bánh sản xuất cung cấp cho thị trường tết Trung thu và tết Nguyên đán. Làng nghề bánh pía đã mang lại cho người dân Vũng Thơm nói riêng và người dân tỉnh Sóc Trăng nói chung những hiệu quả kinh tế đáng kể. Cũng chính từ lợi ích kinh tế mang lại, cộng đồng dân cư từng bước xây dựng nên làng nghề chuyên sâu, sản xuất hàng hóa mang tính chuyên nghiệp hơn, sản phẩm làm ra ngày càng tinh xảo mang nét đặc trưng, mà ngay khi nhìn những sản phẩm ấy, ta có thể nhận biết được xuất xứ của chúng.

Bên cạnh những lò bánh lâu đời mang thương hiệu lớn như Công Lập Thành, Thuận Thành, Tân Hưng, Mỹ Hiệp Thành, Tạo Thành… phải kể đến Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Bánh pía - Lạp xưởng Tân Huê Viên. Năm 2016, Tân Huê Viên được UBND tỉnh trao chứng nhận là Điểm du lịch tỉnh Sóc Trăng với khuôn viên rộng, gồm các khu mua sắm; khu trưng bày, triển lãm, giới thiệu về lịch sử hình thành, truyền thống sản xuất bánh pía - lạp xưởng; khu ẩm thực, quà lưu niệm… thu hút đông đảo du khách thập phương đến thưởng ngoạn và mua sắm.

Đến di sản văn hóa phi vật thể

Làng nghề làm bánh pía ở Sóc Trăng hiện nay không còn đơn thuần là một nghề thủ công theo kiểu truyền thống mà đã được thương mại hóa một phần nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, nhưng không vì thế mà mất đi những giá trị văn hóa cốt lõi của nó. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh luôn ý thức việc bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống theo hai khía cạnh: quản lý về doanh nghiệp và quản lý về văn hóa làng nghề. Theo số lượng thống kê gần đây, toàn tỉnh Sóc Trăng có 26 nghệ nhân làm bánh pía (những người có kinh nghiệm thực hành trên 10 năm), trong đó có 18 nghệ nhân đang thực hiện công việc truyền nghề cho khoảng 50 người kế thừa. Điều đó giúp cho nghề làm bánh pía hiện nay ở Vũng Thơm nói riêng và ở tỉnh Sóc Trăng nói chung đang được bảo tồn và phát triển bền vững.

Ông Sơn Thanh Liêm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Sóc Trăng cho rằng, mỗi sản phẩm là một câu chuyện và qua đó thể hiện nét văn hóa đặc trưng riêng của từng vùng miền. Bánh pía Sóc Trăng đã khẳng định được thương hiệu của mình không chỉ trong tỉnh mà còn trên phạm vi cả nước, thậm chí đã được xuất khẩu qua nhiều nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc, Campuchia… điều đó cho thấy, sự vươn xa của thương hiệu bánh pía Vũng Thơm trên thương trường. Thương hiệu của những sản phẩm bánh pía truyền thống như Tân Huê Viên, Công Lập Thành, Mỹ Hiệp Thành… còn được trao tặng nhiều bằng khen, huy chương, giải thưởng trong nước và liên tục nhiều năm đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao. Với những giá trị mang lại, nghề làm bánh pía ở Sóc Trăng được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2020.

Khi ngoài trời vẫn còn những cơn gió se se lạnh, từng gia đình lại tất bật trang hoàng nhà cửa, các chị, các mẹ chuẩn bị thịt mỡ, dưa hành cho 3 ngày tết… Tôi lại nôn nao, thèm hình ảnh cả nhà quây quần bên nhau để được nhấm nháp các loại bánh mứt, trong đó không thể thiếu hương vị ngọt ngào, thơm lừng của bánh pía Sóc Trăng, cùng với những ngụm trà còn nghi ngút khói, rồi chia sẻ nhau nghe những “được, mất” trong một năm qua. Hương vị đoàn viên đó sẽ làm mình ấm lòng hơn trước những biến động của cuộc đời.

XUÂN HƯƠNG

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/huong-vi-doan-vien-54095.html